Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bên trong bệnh viện công quá tải: Phòng khám VIP mọc như "nấm"

Tuệ Diễm| 06/01/2016 07:03

(HNM) - Chỉ cần bỏ ra số tiền khám từ 200.000 đến 500.000 đồng (cao gấp 5-10 lần khám theo bảo hiểm y tế), người bệnh sẽ được khám nhanh, khám VIP, khám ưu tiên, khám theo yêu cầu... ngay tại các bệnh viện công đang quá tải trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.


Cứ quá tải là có dịch vụ khám VIP

Dù có triệu chứng mỏi mắt dài ngày, chị Đ.T.L (quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) vẫn không muốn đi khám bệnh do quá ngán cảnh xếp hàng, chờ đợi tại Bệnh viện Mắt. Sau khi biết đến dịch vụ khám VIP của Bệnh viện Mắt, chị đã liên hệ qua điện thoại đặt lịch hẹn. Khi được trải nghiệm dịch vụ khám nhanh tại đây, chị Đ.T.L mới nhận ra sự khác biệt rõ rệt với những lần khám trước: "Tôi chi 200.000 đồng để khám dịch vụ, cảm giác như đang được bác sĩ lẫn nhân viên "đội mình trên đầu". Bác sĩ hỏi thăm, dặn dò ân cần, nhân viên trực tiếp hướng dẫn chu đáo... lần tái khám sau dại gì mà không đăng ký khám dịch vụ".

Tình trạng quá tải vẫn diễn ra ở nhiều bệnh viện tuyến cuối của TP Hồ Chí Minh.


Trái ngược với những hình ảnh nhanh, gọn, ân cần chị Đ.T.L đang được hưởng, cách nơi khám dịch vụ đó chỉ vài bước chân là hàng trăm bệnh nhân già, trẻ đang phải xếp hàng để chờ đợi. Bà Nguyễn Thị Mận, ngụ tại tỉnh Cà Mau cho biết: "Tôi bị đục thủy tinh thể, được con trai bắt xe lên đây khám. Con xếp hàng lấy số thứ tự từ 7h sáng, đến nay là 3 giờ đồng hồ rồi mà chưa tới lượt". Hình ảnh một phụ nữ trẻ, có tiền có quyền khoan thai bước ra từ phòng khám dịch vụ đối lập với hình ảnh một bà già đổ mồ hôi ở khu khám bệnh đông đúc nhưng vẫn kiên nhẫn ngồi đợi số khám cứ ám ảnh chúng tôi.

Bệnh viện Mắt không phải là bệnh viện duy nhất có phòng khám VIP. Hiện nay, đa số các bệnh viện công tại TP Hồ Chí Minh đã mở thêm phòng khám dịch vụ với giá tiền mỗi lần khám từ 200.000 đến 500.000 đồng. Hầu hết đây đều là những bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối tại TP Hồ Chí Minh đang rơi vào tình trạng quá tải. Điển hình là Bệnh viện Chợ Rẫy, hiện đang là bệnh viện tốp đầu cả nước về quá tải. Tuy nhiên, 4 tháng nay bệnh viện đã cho hoạt động 4 phòng khám chuyên gia, giá một lần khám 500.000 đồng.

Theo PGS.TS Nguyễn Trường Sơn - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, phòng khám chuyên gia do các chuyên gia đầu ngành của bệnh viện là các phó giáo sư, tiến sĩ hoặc trưởng, phó khoa... đảm nhiệm. Đây là phòng khám còn cao cấp hơn cả khám dịch vụ vì người bệnh được yêu cầu bác sĩ mà họ tin tưởng khám cho mình. Không chỉ có sự khác biệt về giá tiền khám, khi mở ra phòng khám dịch vụ, khám VIP thì tiền thuốc và kê đơn cũng khác xa so với bệnh nhân khám bảo hiểm y tế. Chị Nguyễn Thanh Nga (ngụ tại Quận 3, TP Hồ Chí Minh) cho biết: "Trước đây vào Bệnh viện Da liễu khám dị ứng da, tôi chỉ được phát 3 vỉ thuốc, trị giá 60.000 đồng. Sau uống hết thuốc bệnh không đỡ, tôi quyết định đi khám dịch vụ đóng 150.000 đồng và sau đó được kê đơn thuốc hơn 1 triệu đồng".

Có tạo nên phân biệt đối xử?

Mô hình phòng khám dịch vụ được Bộ Y tế đồng thuận cho các bệnh viện triển khai vì tạo ra sự thay đổi thái độ phục vụ bệnh nhân, sau nữa là tiến tới sự tự chủ tài chính bệnh viện công trong tương lai. Bà Huỳnh Thanh Thủy - Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ thừa nhận: "Từ khi đơn vị triển khai mô hình bệnh viện công tự chủ về tài chính, thì doanh thu bệnh viện thu được từ các phòng khám dịch vụ, gói sinh đẻ dịch vụ… mới bù lỗ được các khoản chi khác. Hiện Bệnh viện Từ Dũ đã có lời, không còn sử dụng ngân sách nhà nước".

Tuy nhiên, có nhiều bức xúc cho rằng, mô hình trên tạo nên sự phân biệt đối xử với bệnh nhân khám bảo hiểm y tế. Cụ thể, bệnh viện công thì quá tải, trong khi các bệnh nhân xếp hàng dài chờ đợi xét nghiệm, chụp X quang… thì bệnh nhân khám dịch vụ được nhân viên y tế "đi tắt, đón đầu" để lấy kết quả nhanh gọn. Trong khi đó, người nghèo cũng cần được dịch vụ chăm sóc y tế, họ cũng cần thời gian, cũng mong muốn gặp bác sĩ giỏi, cũng mong mọi thứ bình đẳng như mọi người.

Mặt khác, theo bác sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán y khoa Medic - Chủ tịch Hội hành nghề y tế tư nhân TP Hồ Chí Minh, trước đây, bệnh viện tư được nhiều người ưu tiên lựa chọn bởi cách phục vụ tận tình, chu đáo và quy trình khám bệnh nhanh chóng. Nay, với sự ra đời của phòng khám nhanh dịch vụ tại các bệnh viện công thì các bệnh viện tư không chạy theo kịp, mà mất đi lợi thế. Bởi sử dụng dịch vụ công, tài sản công, nhân lực công nên các gói khám dịch vụ ở bệnh viện công tất nhiên sẽ "mềm" hơn so với bệnh viện tư nhân, cũng tạo nên cạnh tranh không bình đẳng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bên trong bệnh viện công quá tải: Phòng khám VIP mọc như "nấm"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.