Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Biến chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu thành nguồn lực tinh thần trong công cuộc xây dựng, phát triển Thủ đô”

ANHTHU| 07/12/2006 07:44

Hội trường lớn của Thành ủy sáng qua (6-12) đông vui khác thường. Gần 100 nhân chứng lịch sử của những ngày Toàn quốc kháng chiến đã tụ hội về đây. Những mái đầu đã bạc, những dáng vóc không còn nhanh nhẹn như xưa, nhưng ánh mắt, nụ cười của những chiến sỹ quyết tử Mùa Đông năm ấy vẫn vẹn nguyên sức trẻ...

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Triệu trò chuyện với các nhân chứng lịch sử tại Hội thảo. Ảnh: Linh Tâm

Hội trường lớn của Thành ủy sáng qua (6-12) đông vui khác thường. Gần 100 nhân chứng lịch sử của những ngày Toàn quốc kháng chiến đã tụ hội về đây. Những mái đầu đã bạc, những dáng vóc không còn nhanh nhẹn như xưa, nhưng ánh mắt, nụ cười của những chiến sỹ quyết tử Mùa Đông năm ấy vẫn vẹn nguyên sức trẻ, niềm tin, một quyết tâm đến cháy bỏng “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” của những ngày này 60 năm trước...

Bản anh hùng ca Mùa Đông bất tử…

Hội thảo khoa học “Nhìn lại 60 năm Ngày toàn quốc kháng chiến - Những bài học kinh nghiệm” (19/12/1946 - 19/12/2006) bắt đầu từ hiện tại để nhìn về quá khứ trong một không khí đầy xúc động như thế. Thay mặt cho đoàn chủ trì gồm các đồng chí: Nguyễn Quốc Triệu, UVTƯ Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP; Thượng tướng Nguyễn Văn Nghinh, Phó Tư lệnh Quân khu Thủ đô; PGS.TS, Đại tá Lê Đình Sỹ, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Văn Nhật, Viện trưởng Viện Sử học, đồng chí Phạm Xuân Hằng, ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy đọc báo cáo đề dẫn, một lần nữa khẳng định: “Sự kiện “Hà Nội quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” trong 60 ngày đêm năm 1946 đã đi vào lịch sử dân tộc như một bản anh hùng ca Mùa Đông bất tử...”.

Trong dòng hồi ức của Thiếu tướng Ngô Huy Phát (nguyên là chiến sỹ Vệ quốc đoàn - Tiểu đoàn 77 trên mặt trận Hà Nội tháng 10-1946), bản hùng ca ấy là sự nhịp nhàng trong phối hợp tác chiến của cả 3 liên khu, khiến thực dân Pháp “thất điên bát đảo” như đêm 21-12 “các lực lượng chiến đấu của ta (Liên khu 2) tấn công vào một loạt vị trí của địch như Công an Hàng Trống, nhà Việt Điền (nay là trụ sở Liên đoàn Lao động), nhà ga, Công an Bắc Bộ... Cùng lúc đó, Tiểu đoàn 145 tập kích trại Ngọc Hà”; đêm 25-12 - “các đơn vị tự vệ và bộ đội Liên khu 2 đồng thời xuất kích đánh gây rối nhiều đơn vị trong tổ nội thành, trong đó có một tổ đến Hồ Gươm treo cờ đỏ sao vàng trên đỉnh Tháp Rùa”.

Cao trào và hào hùng nhất là những ngày đêm chiến đấu trên mặt trận Liên khu 1 (phần lớn thuộc quận Hoàn Kiếm - trung tâm của Thủ đô) mà theo đánh giá lúc đó được Đại tá Nguyễn Trọng Hàm (nguyên Phó Tham mưu trưởng QKTĐ) nhắc lại thì “Cuộc chiến đấu anh dũng và kiên cường của quân và dân Liên khu 1 là đỉnh cao của cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, dựa vào sức mình là chính ở Thủ đô”. Điển hình là trận đánh ác liệt tại khu vực chợ Đồng Xuân từ sáng 14-2-1947, với tương quan lực lượng rất chênh lệch, ta vẫn cầm chân địch trong 6 giờ, tiêu diệt gần 200/400 lính Pháp.

Từ trong máu lửa chiến tranh, đã xuất hiện những “cậu Vệ út” dũng cảm (chỉ những thiếu niên ở Hà Nội đã sẵn sàng hy sinh, dũng cảm sát cánh cùng cha anh chiến đấu); những anh hùng tự nguyện ở lại làm “chốt chặn” cho anh em rút lui, sau đó cho nổ lựu đạn cùng chết với giặc; những cảm tử quân sẵn sàng ôm bom ba càng lao vào diệt xe tăng; những người dân không tiếc tài sản xếp ra đường làm chiến lũy, nhà cửa đục ra làm hào giao thông... Tất cả đã góp phần tạo nên kỳ tích: “Lịch sử chiến tranh thế giới chứng minh chưa có Thủ đô nào lại giữ được 2 tháng khi tương quan lực lượng quá chênh lệch như vậy” và quan trọng nhất là bảo toàn lợi ích toàn cục cho cuộc kháng chiến chống Pháp sau này.

Phát huy sức mạnh thời chiến trong thời bình

Điều gì đã tạo ra sức mạnh phi thường ấy? Bài học của lịch sử để lại cho các thế hệ sau là gì? Đồng chí Nguyễn Văn Trân (nguyên Bí thư Khu ủy, Chủ tịch UB Kháng chiến khu XI) khẳng định, đó vẫn là những điều muôn thuở mà 2 cuộc kháng chiến thần kỳ của chúng ta đã nhiều lần vận dụng và chứng minh: Đoàn kết và huy động được lực lượng toàn dân là có sức mạnh. Đảng là lãnh đạo, phải là Đảng tiên phong, nghĩa là có đội ngũ đảng viên và cán bộ trong sạch, gương mẫu... Trong công cuộc xây dựng Nhà nước nói chung và Thủ đô nói riêng hiện nay, bài học này phải được vận dụng vào việc xây dựng Đảng, xây dựng bộ máy chính quyền trong sạch, chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Để làm được điều đó, đồng chí Nguyễn Văn Trân nhấn mạnh, trước hết phải xây dựng được đội ngũ đảng viên gồm những người tiên phong, gương mẫu, rèn luyện qua thực tế, biết phê bình và tự phê bình. Chú trọng phát triển Đảng trong thanh niên, công nhân, trí thức, phụ nữ, nhưng cũng phải lưu ý “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Nhiều đại biểu cũng đồng tình với quan điểm của đồng chí Nguyễn Văn Trân.

Mong muốn của những chiến sỹ Vệ quốc năm xưa đã đượcPhó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Triệu chân thành đón nhận và ủng hộ. Đồng chí khẳng định: Đây là những tài sản vô giá và cần phải được nhân lên làm hành trang tiếp bước cho thế hệ đi sau. Chính quyền thành phố và người dân sẽ cố gắng hết sức để tiếp tục phát huy truyền thống, biến chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu thành nguồn lực tinh thần trong công cuộc xây dựng, phát triển Thủ đô. Làm sao để có thể tiếp bước niềm tự hào của một Thủ đô anh hùng trong thời chiến và giàu đẹp, văn minh, hiện đại trong thời bình.

Hương Giang

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Biến chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu thành nguồn lực tinh thần trong công cuộc xây dựng, phát triển Thủ đô”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.