Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làng Xuân Đỉnh

ANHTHU| 11/04/2007 10:10

(HNM) - Xuân Đỉnh là một vùng đất cổ nằm ở phía tây bắc kinh thành Thăng Long xưa. Làng lớn ngày nay bao gồm hai làng cổ là: Xuân Tảo “Cáo” và Giàn “Cáo Đỉnh” hợp nhất từ thời kháng chiến chống Pháp 1948 đến nay.

Ngược dòng lịch sử và huyền thoại, thấy mảnh đất này đã được hình thành từ thời xa xưa. Sách Tân Đính “Lĩnh Nam Trích Quái” của Vũ Quỳnh viết lại từ thời vua Lê Thánh Tông về sự tích Tây Hồ, ở đoạn cuối có ghi: “Chỗ giết Hồ tinh hiện nay thành cái đầm lớn, người đời gọi đầm Xác Cáo, bên cạnh cái bến gọi là bến Trâu Đằm. Dân làng lập cái quán thờ thần để trừ yểm tinh nó. ở phía Tây cái đầm có một nơi hoang vu gọi là động cáo, đất ở đây cao, dân làng làm nhà ở được. Về sau thành làng gọi là Làng Cáo”.

Vào thời cổ, ở phía Đông làng cũng có một con sông chảy qua, gọi là sông Dà La, thời Lý gọi là sông Thiên Phù. Đôi câu đối ở chùa Thiên Niên, làng Trích Sài dựng từ thời vua Lê Thánh Tông bên Hồ Tây, cũng là một bằng chứng về sự hiện diện của dòng sông ấy:

“Sài phong đạc trấn thiên phù hữu

Trang cảnh hương truyền lãng bạc tây”

Dịch là: (Tiếng mõ nơi đình Sài còn vang vọng sông Thiên Phù bên phải

Hương thơm trang thiên niên vang khắp hồ lãng bạc phía Tây).

Sông này khởi nguồn từ sông Hồng đoạn Phú Gia, Nhật Tân; chảy theo hướng bắc nam qua trước mặt quán Dà La. Theo tư liệu vào thế kỷ thứ VIII, nhà Đường lúc ấy đang đô hộ nước ta, thứ sử Quảng Châu là Lư Ngư khi đến vùng này vì sợ thần linh nước Nam nên đã sai lập đền thờ. Rồi sông chảy qua cánh đồng Làng Cáo, đến cánh đồng Xuân La thì một nhánh chảy về phía tây nối với sông Nhuệ; một nhánh chảy tiếp qua Bái Ân đến Bưởi thì nối với sông Tô (tấm bản đồ vẽ Thăng Long 1490 còn ghi lại sông này rất rõ) tạo nên một ngã ba sông nước cuốn băng băng dữ dội, mà theo dân gian, thì nước xói lở vào góc thành nhà Lý khiến vua bị đau mắt. Theo lời thần mộng, ông bà Dầu đã nhảy xuống sông để hiến linh thần, làm cho góc thành không bị nuớc cuốn xói lở, giúp vua khỏi đau mắt, vua mới nhớ ơn, phong thần và sai lập miếu thờ. Hiện các làng Yên Thái - Bái Ân và Miếu Vũ - Xuân Đỉnh đều có đình, miếu thờ phụng.

Vùng này xưa là rừng rậm còn được ghi lại trong chính sử. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép về kỷ nhà Lý có viết: “Giáp Thân, năm thứ 3 (1044) vua thân đi đánh Chiêm Thành. Thắng trận, trong chiến lợi phẩm nhiều loại có 30 con voi nhà. Khi về Thăng Long, vua sai đặt cũi lớn ở Dâm Đàm (Hồ Tây) lấy con voi nhà của Chiêm Thành làm mồi nhử voi rừng vào trong ấy, vua thân đến bắt”. Như vậy là kể từ tháng 7 năm Canh Tuất (1010) vua Lý Thái Tổ dời kinh đô từ Hoa Lư về Thăng Long. 34 năm sau mà Hồ Tây vẫn còn là rừng rậm, đủ biết vùng đất cổ phía tây có làng Cáo Đỉnh xưa hoang hóa biết chừng nào. Các tên khác như: Kẻ Giàn, Kẻ Cáo là những tên rấtcổ, chứng tỏ vùng đất này từ lâu lắm đã có người Lạc Việt đến định cư ở vùng lưu vực sông Hồng này. Thêm nữa, những hiện vật như cổng Làng Giàn được xây bằng gạch hoa văn đặc sắc, giống như gạch trong những ngôi mộ cổ đào được trên cánh đồng Làng Giàn (xác định cũng là mộ có từ cách đây 2000 năm).

Cũng theo dòng lịch sử, do nằm ở phía Tây Bắc kinh thành lại gần sông, có đường đi trăm ngả, có địa thế thuận lợi, nên vào khoảng 1427 vua Lê Lợi đã sai Lý Triện, Đỗ Bí, mang một cánh quân về đây đóng lại để bao vây uy hiếp thành Đông Quan, lúc ấy do tổng binh nhà Minh- Vương Thông cố thủ.

Theo sách “Việt sử thông giám cương mục” thì năm Hồng Đức thứ 12 (1481) vua Lê Thánh Tông sai cắt đất ở làng Xuân Tảo lập đồn điền cho dân các nơi đến khai phá, sau trở thành làng Xuân Tảo.

Xuân Đỉnh nằm giữa một vùng có cánh đồng mênh mông bát ngát, có đường giao thông đi nhiều ngả. Phía bắc giáp Phú Thượng, Đông Ngạc (Kẻ Chèm, Kẻ Vẽ), Thụy Phương. Bên sông Hồng có bến đò Chèm, bến Xù Gạ có thể đi đò sang Đông Anh. Phía Tây giáp Kẻ Noi (Cổ Nhuế). Phía đông giáp Kẻ Sở (Xuân La) có đường đi ngược Nhật Tân xuôi Kẻ Bưởi. Phía Nam giáp vùng Bái Ân - Nghĩa Đô. Làng Xuân Đỉnh là một làng cổ xưa, nên có mật độ rất dày đặc. Phía đông có đền Sóc, thờ Phù Đổng Thiên Vương, một di tích lịch sử nổi tiếng tương truyền là được dựng từ thời Lý. Vào thời Hùng Vương thứ 6, ngài cưỡi ngựa sắt phá giặc Ân qua đây, dân làng đã dâng cơm với cà Cáo. Sau khi thắng giặc, ngàicòn về quê chào mẹ rồi mới lên núi Sóc Sơn cưỡi ngựa sắt về trời, do đó dân làng nhớ ơn đã lập đền thờ. Ngoài ra đền còn phối thờ bà phi Vũ Thị Ngọc Xuyến, vợ chúa Trịnh Tạc thời Lê Trung Hưng (1657-1682), vì bà đã bỏ tiền công đức trùng tu đền. Theo các già làng kể lại thì, ngày ấy bà là một thiếu nữ đoan trang, mắt phượng mày ngài, mặt hoa da phấn, đi cắt cỏ ở ven thành Thăng Long đã lọt vào mắt chúa Trịnh Tạc khi đi du ngoạn, và chúa đã cưới bà làm vợ. ở phía tây làng có Đình Giàn thờ hộ tướng của vua Lý Nam Đế là Lý Phục Man đã có công chống quân xâm lược nhà Lương (544-548). Đình dựng năm Cảnh Hưng (1740) có kiến trúc và cảnh quan rất đẹp.

ở khu Nhang có miếu Vũ, một di tích cổ tương truyền có từ thời Lý, thờ vợ chồng thần Vũ Phục. Ông quê ở kẻ Đống Ba, làm nghề bán dầu, lấy bà là người làng Xuân Tảo. Hai vợ chồng thường quẩy dầu từ đây vào kinh thành bán. Để giúp vua Lý Nhân Tông khỏi đau mắt, theo lời thần mộng, ông đã tự nguyện nhảy xuống sông hiến linh thần. Sau khi mất làng đã lập miếu thờ. ở gần miếu Vũ còn có nhà thờ quận công Nguyễn Công Cơ, làm quan dưới thời Lê Trung Hưng tới chức Tham Tụng. Ông là người giỏi cả văn, võ và ngoại giao. Với dân làng, ông đã cho đào con mương thoát nước cho khu đồng trũng chảy qua Cổ Nhuế ra sông Nhuệ tạo nên mùa màng tươi tốt. Gần đấy còn có nhà thờ quan (Quận công tại gia). Thờ Lê Trung Hưng ông đã có công cứu hoàng tử, nhưng do không biết chữ nên được vua phong chức “Quận công” và được hưởng lộc tại nhà.

Ngoài ra, từ thời Lê Trung Hưng đến thời Nguyễn, làng có nhiều người đỗ đạt làm quan trong triều như: Đỗ Bá Hiểu làm thái y thời Lê Cảnh Hưng, Đỗ Huệ làm quan thời Nguyễn, Dương Duy Kiều đỗ Tiến sỹ năm 1807 thời Nguyễn. Phạm Kim Thành được vào giảng dạy cho con vua Tự Đức...

Đình Xuân Tảo thờ vua Hùng, mới được tôn tạo rất bề thế trong một không gian thoáng rộng ngay giữa làng. Làng còn có nhà thờ hai anh em ruột là Dương Quận công và Đức Quận công. Hai ông đã có công giúp vua Lê Trang Tông đánh quân nhà Mạc trong cuộc nội chiến nam bắc triều thời đầu Lê Trung Hưng. Xuân Đỉnh còn có các ngôi chùa cổ thờ Phật như chùa Nứa, chùa Thiên Lộc, Phủ Bà Chúa...

Trải qua hàng ngàn năm, tên làng cũng có nhiều thay đổi, lúc đầu là làng Cáo, sau là Quả Động. Thời Lê đổi là Minh Tảo, thời Nguyễn là Xuân Tảo. Còn Kẻ Giàn xưa là Cốc Đỉnh, thời Lê gọi là Khang Cáo, đến thời Nguyễn gọi là Cáo Đỉnh. ở làng này xưa có địa thế rất đẹp nên được vua Lê, Chúa Trịnh xây hành cung trên núi Thái Hòa để thường xuyên ra du ngoạn. Câu “đất kẻ Giàn, quan kẻ Vẽ” là muốn nói làng Giàn xưa dân ít, ruộng nhiều lại có địa thế đẹp. Theo như các già làng truyền lại, thì vào đầu thế kỷ XX, vùng này còn nhiều núi như: Thái Hòa,Gạo, Chiêng, Trống, Voi, Con Rùa, Điềm, Hình nhân, Tam Thai, Ma Đống. Đến nay đã không còn.

“Bao giờ Kẻ Gạ có chùa

Làng Giàn có chợ thì vua đi cày”

Đây là câu ca dao ở vùng này, Kẻ Gạ không có chùa vì Kẻ Gạ ở ngoài đê nên khó xây chùa. Nhưng quả là làng Giàn từ xưa đến nay chưa có chợ thật, vì có thể dân cư ở làng này xưa rất ít.

Vào cuối thế kỷ 19 (1888), một số nhà nho yêu nước quanh vùng đã đứng ra lập “Văn Thân Hội Quán” ở Xuân Tảo, thường xuyên bình thơ giảng sách, cổ động tinh thần yêu nước, kêu gọi không hợp tác với Pháp. Sau bị khủng bố phải rút vào ở bí mật liền đổi thành đền Xuân Sơn.

Xuân Đỉnh là vùng đất ven sông Hồng nên đất đai màu mỡ. Nơi đây xưa đã sản xuất ra nhiều nông sản nổi tiếng như: Cà Cáo cùi dày ít hạt; Cam Cáo vỏ mỏng ngọt đậm; ngoài ra làng xưa còn trồng vải thiều, nhất là Hồng xiêm Xuân Đỉnh lại càng nổi tiếng.

Giống như cây nhãn tổ ở Phố Hiến - Hưng Yên, cây Hồng xiêm tổ ở đây cũng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp bằng để gìn giữ. Ngoài ra, làng còn có nghề rèn làm liền seo giấy cung cấp cho vùng Kẻ Bưởi, Kẻ Cót. Từ lâu đời, nghề đan lát ở đây cũng nổi tiếng, câu tục ngữ “Dành làng Cáo, gạo Kẻ Vòng” đã nói lên điều này. Làng còn có nghề sản xuất bánh Trung thu và mứt Tết. Nhiều gia đình làm ăn phát đạt. Làng cũng có nhiều người đi thiên hạ làm nghề xây dựng như: thợ mộc, thợ nề.

Xuân Đỉnh là một làng cổ, có bề dày lịch sử ngàn năm trước. Những truyền thuyết, di tích, khoa bảng, bề dày văn hóa và truyền thống cách mạng của làng quả thật đáng quý.

Văn Sáu

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng Xuân Đỉnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.