Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làng Xuân Dục

TUYETMINH| 02/10/2007 16:30

(HNMĐT)- Làng  Xuân Dục được giới thiệu trong chuyên mục này không phải là làng Xuân Dục của xã Tân Minh (huyện Sóc Sơn) mà là một làng thuộc xã Yên Thường, tổng Yên Thường, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc vào đầu thế kỷ XIX (từ năm Minh Mạng thứ 12 - 1831 trấn này đổi làm tỉnh Bắc Ninh).

(HNMĐT)- LàngXuân Dục được giới thiệu trong chuyên mục này không phải là làng Xuân Dục của xã Tân Minh (huyện Sóc Sơn) mà là một làng thuộc xã Yên Thường, tổng Yên Thường, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc vào đầu thế kỷ XIX (từ năm Minh Mạng thứ 12 - 1831 trấn này đổi làm tỉnh Bắc Ninh).

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, làng Xuân Dục vẫn nằm trong xã Yên Thường. Trong Kháng chiến chống Pháp, xã Yên Thường nằm trong xã Toàn Thắng là một xã lớn của huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh. Sau Cải cách ruộng đất (giữa năm 1957), xã Toàn Thắng tách ra thành nhiều xã nhỏ, trong đó có xã Quang Trung, gồm ba thôn của xã Yên Thường cũ, thôn Lại Hoàng của xã Quy Mông và các thôn Đình Vĩ, Đỗ Xá, Liên Đàm của xã Đình Vĩ). Xã Quang Trung thuộc huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh; đến tháng 5 - 1961 xã được cắt về huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội.. Vì Gia Lâm có hai xã Quang Trung nên xã Quang Trung của huyện Từ Sơn gọi là Quang Trung II, còn xã Quang Trung 1 chính là xã Trâu Quỳ ngày nay. Năm 1966, xã Quang Trung II đổi tên thành Yên Thường.

Xuân Dục nằm giữa vùng đồng bằng xứ Bắc, có sông Thiên Đức (sông Đuống) phát nguyên từ sông Nhị ở làng Xuân Canh chảy qua. Đồng ruộng của làng tương đối bằng phẳng, màu mỡ, rất thuận lợi cho việc trồng mía, nấu mật, trồng dâu nuôi tằm, và nhất là trồng các loại rau xanh cao cấp, hành tỏi.

Xuân Dục là một làng cổ. Xa xưa gọi là khu Xuân Ổ của trang Yên Thường. Vào năm 40 sau Công nguyên, Hai Bà Trưng trên đường đi đánh giặc đã ghé qua khu Xuân Ổ, đêm nằm mộng thầy một vị thủy thần hiện lên, xưng là Nam Phổ đại vương, là con trai của Lạc Long Quân - Âu Cơ báo rằng sẽ dẹp được giặc Tô Định, thu được 65 thành trì.

Xuân Dục là làng nhỏ, nên từ xa xưa đến nay luôn là một thôn của xã Yên Thường. Làng có 18 dòng họ sinh sống trong 7 xóm (Đình, Dinh, Xuân, Huệ, Đông, Ba, Thượng), đông nhất là các họ : Nguyễn Đức, Đàm Văn và Ngô. Trai đinh trong làng xưa kia được chia làm 4 giáp : Đông Thượng, Đoài Thượng, Đông Chính và Đoài Chính.

Làng Xuân Dục có ngôi đình được xây dựng vào đầu thế kỷ XVIII. Đình có kết cấu chữ “Công”. Ngoài thần Nam Phổ đại vương, đình còn thờ Lý Tam Lang đại vương. Ông là một nhân thần, sinh ngày 12 tháng Giêng năm Giáp Ngọ (năm 994), là con của Thiền sư Vạn Hạnh, về sau giúp dập Lý Công Uẩn (tức Vua Lý Thái Tổ) xây dựng triều chính, làm quan đến chức Phó Chỉ huy sứ, sau khi đã về hưu ở Xuân Ổ lại trở lại quan trường, giúp vua đi chinh chiến ở phương Nam, tham gia dẹp “loạn ba vương” (năm Mậu Thìn - 1028), bảo vệ ngôi của Lý Thái Tông. Về sau, ông lại về Xuân Ổ nghỉ hưu và mở lớp dạy học rồi hóa vào ngày 12 tháng Mười. Trong đình hiện con 25 đạo sắc ban cho các vị thần. Đình đã được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa (ngày 5 - 2- 1994). Hội làng diễn ra từ mồng 9 đến 11 tháng Ba. Ngoài tế lễ, rước, hội còn có các trò chơi : leo cầu nước, chọi gà.

Làng Xuân Dục có tục kết nghĩa với làng Tam Tảo (nay thuộc xã Phú Lâm, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh). Truyềnrằng, năm Ất Hợi (1815), làng Tam Tảo chuyển gỗ theo đường sông Thiên Đức về để dựng đình, đến đoạn sông ở Xuân Dục thì mắc cạn, không thể đi được. Các già làng vào đình Xuân Dục lễ thần, sau đó được dân làng Xuân Dục ra giúp sức để đưa bè gồ ra giữa sông. Cảm tạ tấm lòng của làng Xuân Dục, làng Tam Tảo xin nhận làm anh em kết nghĩa. Đây là “cặp” làng kết nghĩa nổi tiếng thủy chung, duy trì suốt gần hai thế kỷ qua.

PGS, TS. Bùi Xuân Đính

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng Xuân Dục

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.