Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội có hai nơi thờ Hai Bà Trưng

ANHTHU| 08/03/2008 09:40

(HNM) - Nằm sát bờ sông Hồng thuộc phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội có một đơn vị cư dân vốn được gọi là làng Đồng Nhân Châu. Làng này nay là khu vực nằm dọc đường Bạch Đằng (phường Bạch Đằng hiện gồm 9 đường phố: Lương Yên, Lê Quý Đôn, Nguyễn Huy Tự, Vân Đồn, Trần Khánh Dư, Vạn Kiếp, Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo, Trần Thánh Tông).

Đền thờ Hai Bà Trưng tại phố Hương Viên, phườngĐồng Nhân (quận Hai Bà Trưng).

(HNM) - Nằm sát bờ sông Hồng thuộc phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội có một đơn vị cư dân vốn được gọi là làng Đồng Nhân Châu. Làng này nay là khu vực nằm dọc đường Bạch Đằng (phường Bạch Đằng hiện gồm 9 đường phố: Lương Yên, Lê Quý Đôn, Nguyễn Huy Tự, Vân Đồn, Trần Khánh Dư, Vạn Kiếp, Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo, Trần Thánh Tông).

Ngoài ra, cũng ở quận này, lùi vào phía Tây, cách bờ sông Hồng chừng hơn 1 km vốn có một bộ phận dân làng Đồng Nhân cư trú xung quanh đền Hai Bà (quen gọi là đền Đồng Nhân). Do vậy tại đây cũng có một phường mang tên là phường Đồng Nhân. Phường Đồng Nhân này hiện gồm 6 phố: Đỗ Ngọc Du, Đồng Nhân, Lê Gia Định, Hương Viên, Nguyễn Công Trứ, Thọ Lão.

Vậy có hai khu vực Đồng Nhân riêng rẽ sao?. Cứ như thực trạng hiện giờ thì đúng như vậy. Nhưng kỳ thật chỉ là một. Khu vực Đồng Nhân ở phường Đồng Nhân vốn có gốc từ làng Đồng Nhân Châu ở phường Bạch Đằng, trước đây chỉ được coi là một xóm của Đồng Nhân Châu với tên gọi xóm Chùa. Xóm Chùa này chỉ mới hình thành từ thế kỷ XIX. Còn làng Đồng Nhân Châu ở ngoài bờ sông thì có từ xa xưa. Thư tịch cũ đã ghi tên Đồng Nhân từ thế kỷ XII với sự kiện lập đền thờ hai vị nữ anh hùng đầu tiên của dân tộc là Trưng Trắc, Trưng Nhị.

Sách Trưng Vương lưỡng vị sự tích (số A.837 của Viện Hán Nôm) ghi: “Sau khi Hai Bà bị mất tích trên sông Cái, thì hóa thành tượng đá ngồi trên dòng nước, thường vọt ra khí sáng, trôi mãi đến khúc sông bãi Đồng Nhân (Đồng Nhân Châu). Đêm đêm tỏa sáng thấu trời, dân sở tại kinh dị và thuyền bè không dám đến gần. Một đêm, phường chài đậu bên bến nghe văng vẳng tiếng nói: “Thuyền các ngươi ô uế, nên lui xuống hạ lưu”. Nhà vua lúc đó là Lý Anh Tông biết chuyện, sai người ra đón rước nhưng không được. Dân bãi Đồng Nhân lấy vải đỏ đón các bà vào thì thấy tượng đá cao lớn và nặng, đầu đội mũ trụ, thân mặc áo giáp, hai tay trỏ lên trời, một chân quỳ, một chân ngả ra. Vua bèn giáng chỉ truyền cho dân làng này dựng đền thờ hai cỗ tượng các bà ở bên sông. Việc này là vào năm Đại Định thứ 3 (tức 1142).

Sách Đại Nam nhất thống chí, phần Hà Nội cũng ghi chép tương tự. Như vậy là theo hai bộ sách nói trên thì muộn nhất là vào năm 1142, bên bờ sông Cái đã có làng Đồng Nhân với tên gọi là Đồng Nhân Châu, tức bãi Đồng Nhân, nơi đó có đền thờ Hai Bà. Nói cách khác, đền Hai Bà hiện diện ở bãi Đồng Nhân (phường Bạch Đằng) từ thế kỷ XII. Vậy còn đền Hai Bà thuộc phường Đồng Nhân thì có từ bao giờ? Tấm bia do Tiến sĩ Vũ Tông Phan soạn năm 1840 nay còn sừng sững trước đền đã giải đáp câu hỏi trên. Bài văn sau khi khẳng định sự nghiệp và công ơn của Hai Bà, có một đoạn nói về lai lịch đền: “Tại làng Đồng Nhân, huyện Thanh Trì, từ xưa có lập đền thờ Hai Bà ở bãi sông. Về sau sông lở, dân làng chọn được một nơi ở Võ Miếu, thuộc thôn Hương Viên, huyện Thọ Xương, được ban cấp hơn 6 mẫu để lập đền làm nơi hương đèn phụng thờ. Việc ấy được vua xuống chỉ chuẩn y”.

Như thế có nghĩa là đền Hai Bà ở phường Đồng Nhân ngày nay là hậu thân của đền Hai Bà ở phường Bạch Đằng. Chỗ này vốn là đất thuộc Võ Miếu nằm trên địa phận thôn Hương Viên. Vì sông lở, đền gốc ngoài Đồng Nhân Châu mới dời vào đây và được cấp cho hơn 6 mẫu đất. Thế là dân ngoài bãi một số dời nhà theo đền mới, rồi lập đình và chùa ở hai bên đền, trở thành xóm Chùa. Về thời điểm dời đền thì sách Trưng Vương lưỡng vị sự tích có nêu đó là năm Gia Long thứ 18, tức năm 1819. Vậy là đến đây có thể tóm tắt thành những ý chính sau:

1. Từ thế kỷ XII, nhân vớt được tượng Hai Bà, vua Lý Anh Tông cho lập đền thờ Hai Bà ở bãi Đồng Nhân, trên bờ sông Hồng, khi đó thuộc phường Bố Cái.

2. Đến năm 1819, do bờ sông lở, đền được dời vào xây dựng trên nền Võ Miếu thuộc đất làng Hương Viên, được vua cấp cho hơn 6 mẫu đất để xây đền, đình, chùa. Một số người ngoài bãi Đồng Nhân cũng theo đền dời vào cư trú nơi đây.

3. Nhưng sông Hồng do quá trình lở và bồi diễn ra theo chu kỳ nên ở bãi Đồng Nhân dân vẫn bám trụ nối tiếp cư trú sinh sống và cũng đã xây dựng một ngôi miếu thờ Hai Bà, coi như để tưởng nhớ cội nguồn gốc cũ. Do vậy có hai nơi thờ Hai Bà, hai đền Đồng Nhân nhưng thực chất chỉ là một. Tuy vậy, để phân biệt, dân Đồng Nhân cũng có ý gọi đền ngoài bãi là Miếu Hai Bà, còn ở trong phố là Đền Hai Bà.

4. Người dân Đồng Nhân ngoài bãi hay trong xóm Chùa vẫn là một cộng đồng cư dân chung một gốc gác. Tuy do sự phân chia hành chính theo địa lý mà thành ra hai đơn vị, nhưng mọi phong tục tập quán, tín ngưỡng vẫn tuân thủ như nhau. Hằng năm cùng tổ chức tế lễ Thành hoàng ở đình, lễ Phật ở chùa, mở hội ở đền. Khi có mở hội thì diễn ra ở cả hai nơi, như rước kiệu từ đền ra miếu rồi từ miếu đi thuyền ra giữa sông lấy nước về tắm tượng và dâng cúng.

5.Thế là ở quận Hai Bà Trưng có hai nơi thờ Hai Bà Trưng nhưng cùng một gốc và ngôi miếu có thể coi là kỷ niệm đầu tiên ở Hà Nội về hai vị nữ anh hùng đầu tiên giành độc lập cho dân tộc.

Nguyễn Vinh Phúc

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội có hai nơi thờ Hai Bà Trưng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.