Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phủ Khâm sai hay Bắc Bộ phủ?

ANHTHU| 02/11/2004 10:43

Trong những dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám, trên các báo đều đăng bức ảnh lịch sử ghi lại sự kiện quần chúng chiếm Phủ Khâm Sai Bắc Bộ ở số nhà 12 Ngô Quyền, nay là Nhà khách Chính phủ. Có điều chú thích dưới ảnh, chỗ thì ghi chiếm Phủ Khâm Sai, chỗ lại ghi chiếm Bắc Bộ Phủ.

Trong những dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám, trên các báo đều đăng bức ảnh lịch sử ghi lại sự kiện quần chúng chiếm Phủ Khâm Sai Bắc Bộ ở số nhà 12 Ngô Quyền, nay là Nhà khách Chính phủ. Có điều chú thích dưới ảnh, chỗ thì ghi chiếm Phủ Khâm Sai, chỗ lại ghi chiếm Bắc Bộ Phủ.

Trên một tờ báo số ra ngày 19-8-2004, chú thích ảnh ghi: “Quần chúng cách mạng đánh chiếm Bắc Bộ Phủ ngày 19-8-1945”, nhưng hàng chữ đưa tin liền ngay phía dưới ảnh lại viết “… một cuộc mít tinh lớn ở Quảng trường Nhà hát Lớn chuyển thành khởi nghĩa giành chính quyền. Lực lượng quần chúng nhanh chóng chiếm Phủ Khâm Sai…”.

Vậy vào thời điểm ấy, ngôi nhà 12 Ngô Quyền chính thức mang tên gọi nào: Phủ Khâm Sai hay Bắc Bộ Phủ ? Tên Bắc Bộ Phủ do ai dặt và vào lúc nào ? Các nhà nghiên cứu lịch sử cần tìm ra sự thật để từ nay trên sách, báo không còn những cách gọi khác nhau như thế nữa.

Tìm hiểu trong các sách lịch sử và sáchnghiên cứu - biên khảo của các nhà Hà Nội học, tôi thấy cũng “chéo giò” nhau. Xin dẫn một số sách làm bằng chứng:

Lịch sử Việt Nam II,NXB Khoa học xã hội - H.1985, trang 340 viết: “Quần chúng cách mạng,có sự hỗ trợ của các đội tự vệ chiến đấu đã lần lượt chiếm các cơ quan đầu nãocủa địch: Phủ Khâm Sai Bắc Bộ…”.

Thăng Long - Hà Nội,NXB Chính trị quốc gia - H.1995, trang 217 viết “… Đoàn tiến về Phủ Khâm Sai không gặp sức kháng cự nào đáng kể”.

Đường phố Hà Nộicủa Nguyễn Vinh Phúc - Trần Huy Bá, NXB Hà Nội - H.1979, trang 314 viết:… “vào hồi 12 giờ trưa, đoàn tuần hành tiến về nơi đây bao vây Phủ Khâm Sai…” “Sau đó ngôi nhà này trở thành nơi làm việc của Bác Hồ (lúc này thường gọi là Bắc Bộ Phủ).

Hỏi đáp 1000 năm Thăng Long - Hà Nộicủa Tô Hoài - Nguyễn Vinh Phúc, tập 1, NXB Trẻ - S. 2000, trang 79 viết: “… chia thành nhiều đoàn tỏa đi chiếm Phủ Khâm Sai…”.

(Xin lưu ý: Chú thích ảnh ở quyển này và quyển Thăng Long - Hà Nội lại đều ghi là “chiếm Bắc Bộ Phủ”).

Hà Nội tự điểncủa Nguyễn Bắc - Bùi Hạnh Cẩn - Nguyễn Vinh Phúc, NXB Hà Nội, H. 1990, trang 35, trong mục phố Ngô Quyền, ghi: “Phủ Thống Sứ sau chuyển thành Phủ Khâm Sai (thời Nhật) đến cách mạng Tháng Tám gọi là Bắc Bộ Phủ, nơi Hồ Chủ tịch làm việc”.

Người và cảnh Hà Nộicủa Hoàng Đạo Thúy, NXB Hà Nội, H. 1982, trang 64 viết: “Sau mít tinh 19-8 năm 1945 đã đi chiếm Bắc Bộ Phủ”, ởtrang 65 còn giải thích rõ thêm: “trong phố Ngô Quyền có Bắc Bộ Phủ, tư dinh của Thống sứ, thời Nhật là Phủ Khâm Sai, ta chiếm ngày 19-8-1945. Từ đó là nơi làm việc của Hồ Chủ tịch và Chính phủ”.

Lịch sử Thủ đô Hà Nộido Trần Huy Liệu chủ biên, NXB Sử học - H. 1960, trang 215 viết: “… nửa đám mít tinh đứng bên phải Nhà hát Lớn kéo lên phía Bắc Bộ Phủ có nhiệm vụ chiếm Bắc Bộ Phủ…”.

Báo Hànộimớicủa ta, trong số cuối tuần 491 ra ngày 21-8-2004 trong mục “Bạn có biết ?” đăng bài “ Bắc Bộ Phủ” của tác giả Văn Thân lại lấy tư liệu từ Di tích 48 Hàng Ngang đưa ra rằng: “…Phủ Thống Sứ là nơi vận hành bộ máy chính quyền thực dân xây dựng năm 1897… sau khi Nhật đảo chính Pháp lập ra Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim, tòa Thống sứ này chuyển đổi thành Bắc Bộ Phủ - cơ quan đầu não cai trị miền Bắc Việt Nam của chính quyền tay sai thân Nhật…”.

Đọc 8 cuốn sách và bài viết trên, bạn đọc vẫn chưa khẳng định được tên Bắc Bộ Phủ có từ sau Nhật đảo chính Pháp (8-3-1945) hay chỉ đến khi thành lập chính quyền cách mạng mới có.

Mong được các học giả, nhà sử học cho thêm ý kiến cho rộng đường dư luận, để có thể đi đến thống nhất được chăng ?

HNM

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phủ Khâm sai hay Bắc Bộ phủ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.