Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làng Đông Phù

LANHUONG| 10/02/2005 10:32

(HNMĐT) - Làng Đông Phù tên Nôm là Kẻ Nhót, vốn là làng (xã) Đông Phù được sử sách ghi tên gắn liền với sự kiện 12 sứ quân cuối thế kỷ X. Xa xưa, địa danh Đông Phù khá rộng, gồm nhiều làng xã ở phía Đông huyện Thanh Trì ngày nay.

(HNMĐT) - Làng Đông Phù tên Nôm là Kẻ Nhót, vốn là làng (xã) Đông Phù được sử sách ghi tên gắn liền với sự kiện 12 sứ quân cuối thế kỷ X.Xa xưa, địa danh Đông Phù khá rộng, gồm nhiều làng xã ở phía Đông huyện Thanh Trì ngày nay.

Đến thế kỷ XIV, XV trở đi, xuất hiện tên Đông Phù Liệt hay Nam Phù Liệt (gồm địa dư các xã:Đông Mỹ, Vạn Phúc của huyện Thanh Trì và Duyên Thái của huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây) và Tây Phù Liệt (gồm các địa dư xã : Tứ Hiệp, Ngũ Hiệp và phần lớn xã Liên Ninh).

Trong “Đông Phù Liệt” thì Đông Phù được coi là làng gốc. Về sau, dân cư đông đúc, từ làng gốc này phát triển thành hai làng mới là Đại Đồng và Đông Vinh, cùng nằm trong xã Đông Phù. Đầu thế kỷ XIX, xã thuộc tổng Nam Phù Liệt, huyện Thanh Trì, trấn Sơn Nam Thượng (từ năm 1889 là tỉnh Cầu Đơ, năm1904 đổi thành tỉnh Hà Đông). Năm 1926 làng có 2459 nhân khẩu. Trong kháng chiến chống Pháp, xã Đông Phù đổi tên thành xã Đông Mỹ thuộc huyện Liên Nam. Hòa bình lập lại thuộc huyện Thanh Trì tỉnh Hà Đông. Năm 1951, xã được cắt về Hà Nội.

Đông Phù có vị trí trọng yếu ở phía Nam Kinh thành Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay. Làng nằm trên con đường Thiên lý từ phía Nam ra, đến Quán Gánh men theo phía Đông sông Tô Lịch, qua các làng Duyên Trường- Hạ Thái vào Đông Phù, Tương Trúc, Tự Khoát, Luu Phái rồi nhập với Quốc lộ I hiện nay ở phía trên cầu Ngọc Hồi, lên Văn Điển - Cầu Tiên - Quán Sét, vào Hoàng Mai (Chợ Mơ) rồi vào Kinh thành Thăng Long. Theo nghĩa tiếng Hán, “Đông Phù” là sự che chở ở phía Đông. Chính vì thế, nhiều thời kỳ, mảnh đất này in đậm những dấu tích của lịch sử.

Năm Bính Dần (966), sau khi Tấn Nam Vương (Ngô Xương Văn) chết, các hùng tướng đua nhau nổi dậy chiếm cứ khắp nơi, gọi là 12 sứ quân, trong đó Nguyễn Siêu chiếm cứ vùng này. Đến khi Đinh Bộ Lĩnh phất cao ngọn cờ dẹp loạn, thống nhất đất nước, đã phái một đạo quân lớn do các tướng Nguyễn Bồ, Nguyễn Phục chỉ huy đánh nhau với Nguyễn Siêu tại đây.

Thời Lý - Trần, nhiều thế lực chống đối triều đình trung ương thường chọn đây làm căn cứ.

Năm Bính Ngọ (1426), khi bao vây quân Minh ở thành Đông Quan, Lê Lợi, Nguyễn Trãi cùng Bộ chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn đã chọn Đông Phù làm địa bản doanh, trước khi rời đến Bồ Đề (nay thuộc quận Long Biên). Hiện nay, giới sử học có hướng cho rằng, “Hội thề Đông Quan” năm Đinh Mùi (1427), chấm dứt 20 năm chiến tranh của giặc Minh đã diễn ra tại đây, chứ không phải ở chùa Chân Tiên cuối phố Bà Triệu.

Một thời gian dài dưới thời phong kiến, với vị trí trọng yếu, tiện lợi về giao thông, Đông Phù được chọn làm lỵ sở huyện Thanh Trì, nên dân gian thường gọi huyện này là “huyện Nhót”.

Dân làng Đông Phù làm ruộng kết hợp với buôn bán nên đời sống tương đối khá giả so với các làng trong vùng.

Làng Đông Phù có ngôi đình, chung cho cả hai thôn Đông Vinh và Đại Đồng. Đình thờ Nguyễn Siêu. Ông cùng với hai anh trai (Nguyễn Khoan và Nguyễn Thủ Tiệp) từng là Thống lĩnh tướng quân thời Ngô Vương Quyền, lập được nhiều chiến công chống quân Nam Hán, nhưng sau lại là những 12 sứ quân chia cắt đất nước.

Làng còn có ngôi chùa Hưng Long, tục gọi là chùa Đền, cũng là chùa chung cho cả hai thôn Đông Vinh và Đại Đồng. Tên Nôm của chùa gắn với sự tích vào thời Lý, có hai vị công chúa không chịu lấy chồng mà về vùng Đông Phù, bỏ tiền của giúp nhân dân các làng trồng trột và làm các nghề thủ công; lại cho dựng lại chùa Hưng Long đã đổ nát, rồi cả hai người rời cuộc sống thế tục mà tu ở chùa này. Nhà vua nghe tin, bắt trở về triều để lấy chồng, nhưng hai công chúa không chịu. Vua tức giận, hạ lệnh đốt chùa, nhưng hai công chúa một mực không rời chùa. Nhà vua đành phải nhân nhượng và cho dựng lại chùa, nên gọi là chùa Đền. Sau khi hai bà mất, dân chín làng trong vùng lập đền thờ.

Đông Phù sớm tiếp thu ánh sáng cách mạng. Tháng 5 - 1930, tại đây đã hình thành Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam với 6 đảng viên, là Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Thanh Trì và tỉnh Hà Đông cũ. Đông Phù là quê hương của Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười.

TS. Bùi Xuân Đính

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng Đông Phù

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.