Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mùa xuân trong lòng người xa xứ

Bùi Nguyệt| 01/01/2013 07:09

(HNM) - Nhà thơ Bùi Nguyệt, thành viên Hội Văn học nghệ thuật TP Chemnitz (Đức) đã có bài viết riêng cho Báo Hànộimới về cảm nhận của một người con xa xứ nhớ về quê hương Việt Nam.


Thời gian như thoi đưa, như gió cuốn. Mới đó mà đã 25 năm chúng tôi phải bôn ba nơi đất khách, quê người chẳng mấy khi được đón Tết ở quê nhà. Năm mới đến - trước thềm mùa xuân ở nơi đây, những người Việt Nam nơi tôi sống lại quây quần bên nhau đón Tết, mừng xuân. Trên mâm cỗ có bánh chưng, giò lụa, giò hoa… toàn là món ăn cổ truyền của Việt Nam. Trên những gương mặt hân hoan, rạng rỡ của các cháu thế hệ thứ hai hồn nhiên và ánh lên niềm vui sướng. Các con có biết đâu niềm vui sướng hôm nay là kết quả của bao tháng ngày mẹ cha vất vả, tảo tần trong sương dầm, tuyết rải. Còn những bậc cha mẹ chúng tôi, có người ngồi thừ ra vì đang nhớ nhà da diết.


Nhà thơ Bùi Nguyệt trong một buổi sinh hoạt thơ với các thành viên Hội Văn học nghệ thuật TP Chemnitz (Đức).

Nhìn các con trẻ, tuổi thơ của tôi lại hiện về trong ký ức. Ngày giáp Tết ở quê nhà, nhóm bạn học chúng tôi lại tổ chức đi vào vườn đào Nhật Tân ngắm cảnh. Những nụ đào chúm chím, e thẹn như bẽn lẽn trước bao con mắt của khách tới nhà vườn. Cứ sáng sớm mồng một Tết hằng năm, mẹ tôi lại đun nước lá rau mùi già cho cả nhà rửa mặt. Mùi thơm thoang thoảng tỏa ra trong thau nước ấm, tẩm vào khăn, thấm vào những gương mặt hồng hào, rạng rỡ, tươi như hoa của mấy chị em tôi. Nước rau mùi cũng tạo nên một cảm giác lâng lâng, sảng khoái lạ lùng. Mẹ tôi bảo rằng đó là hương vị, là sinh khí đầu năm, điều ước mong con người xinh tươi, tấm lòng thơm thảo.

Tôi đang suy nghĩ miên man thì bị cắt ngang bởi lời mời nâng cốc mừng năm mới. Anh Hội trưởng phấn khởi chúc cộng đồng người Việt tại TP Chemnitz chúng tôi "Thịnh vượng, an khang ngày càng thành đạt". Quả như vậy, nhiều gia đình ở đây khá thành đạt. Đặc biệt là thế hệ thứ hai của chúng tôi, đa số các cháu đã "công thành, danh toại". Điều quý nhất ở thế hệ này là khả năng hội nhập toàn cầu, với tới được nền văn minh tiên tiến, khoa học thực nghiệm của phương Tây. Đúng như câu thành ngữ "Đi một ngày đàng, học một sàng khôn". So với các cháu, chúng tôi tụt hậu khá nhiều.

Tôi được Ban tổ chức phân công kể về giai thoại "Bánh chưng, bánh dày" cho thế hệ thứ hai hiểu thêm ý nghĩa về món ăn cổ truyền này. Đây là câu chuyện có chiều sâu về tư tưởng, lại giàu bản sắc dân tộc Việt Nam. Tất cả chúng ta đều tự hào về truyền thống và phong tục đó. Sau liên hoan ẩm thực là những tiết mục văn nghệ của các cháu thế hệ thứ hai hát các bài hát ca ngợi quê hương đất nước. "Tết ! Tết ! Tết ! Tết đến rồi. Tết đến trong tim mọi người..." Tiếp theo là những bài thơ xuân, những tiết mục "cây nhà lá vườn" của các nghệ sỹ không chuyên cất lên say sưa, đầy nhiệt huyết đã thổi bùng ngọn lửa yêu thương, ngọn lửa niềm tin, lan truyền hơi ấm cho nhau.

Năm nay TP nơi tôi sống tuyết rơi nhiều, phủ trắng những hàng cây, tạo ra những bông hoa muôn vẻ, muôn hình, rạng rỡ, long lanh dưới ánh mặt trời, gợi một không gian mênh mang, huyền ảo. Trong không khí ấm áp tình người, chúng tôi cùng nhau thắp lên những ngọn nến, sáng soi tấm lòng cộng đồng người Việt đoàn kết xích lại gần nhau hơn, yêu thương, gắn bó nhau hơn. Uống nước nhớ nguồn để cùng nhau giữ gìn bản sắc văn hóa Việt của những người con nước Việt không sống trên đất Việt. Đó là lòng nhân ái, sự đồng cảm và những nét đẹp văn hóa, những nhịp cầu nối liền chúng tôi với quê nhà.

Ngoài kia, những cây thông đang gồng mình trong tuyết với sức sống mãnh liệt, dẻo dai. Phải chăng đó là hình ảnh của chúng tôi - những người Việt Nam đã trải qua những chặng đường dài trên quê hương thứ hai dưới trời Âu băng giá nhưng ấm tình quê cha, đất tổ. Ôi Việt Nam! Việt Nam - Tổ quốc thân yêu sáng mãi trong lòng người xa xứ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mùa xuân trong lòng người xa xứ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.