Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý di tích theo Luật Di sản văn hóa: Còn nhiều bất cập

Minh Ngọc| 10/04/2013 06:08

(HNM) - Một số vấn đề tồn tại, bất cập trong lĩnh vực văn hóa của Thủ đô vừa được trao đổi thẳng thắn tại giao ban trực tuyến giữa UBND TP Hà Nội với các quận, huyện, thị xã...

Việc tu bổ một số hạng mục di tích chùa Trăm Gian đã vi phạm Luật Di sản văn hóa.
Ảnh: Doãn Hoàng


Không thể phủ nhận những kết quả đạt được trong việc thực hiện Luật Di sản văn hóa giai đoạn 2010-2012, song tình trạng xâm phạm DT vẫn xảy ra ở nhiều nơi trên địa bàn Thủ đô. Riêng năm 2012, ngành VH,TT&DL đã phải vào cuộc giải quyết 7 đơn, thư khiếu nại vi phạm DT như: Khai thác xây dựng trên diện tích đất đình, chùa, đền Hòa Mã (quận Hai Bà Trưng); "vượt rào" tu bổ một số hạng mục tại chùa Trăm Gian; bán hàng quán, dịch vụ lấn chiếm không gian chùa Trầm (Chương Mỹ); vướng mắc khi giải phóng mặt bằng để tu bổ chùa Sét (quận Hoàng Mai)… Trong quá trình kiểm tra, các cơ quan chức năng cũng đã phát hiện sai phạm và đình chỉ thi công công trình tu bổ đình Đồng Hoàng (quận Hà Đông), đình Ba Nhà, Cổ Hiền (huyện Quốc Oai)…

Theo Sở VH,TT&DL Hà Nội, tình trạng xâm phạm DT có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc người dân sống chung với di tích do hoàn cảnh. Đó là những người ở trong khuôn viên DT từ sau ngày giải phóng Thủ đô (1954), người đi kinh tế mới trở về vào những năm 60 của thế kỷ trước, người dân ngoài bãi sông Hồng chạy lụt, vào ở nhờ DT từ những năm 1971, 1972… khiến DT bị lấn chiếm không gian. Lại có những dự án tu bổ DT lựa chọn đơn vị thi công ít kinh nghiệm, làm cho DT bị thay mới cấu kiện, biến đổi hình thức kiến trúc. Ngoài ra, việc các cơ quan quản lý DT chưa thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát nguồn vốn xã hội hóa khiến DT bị tu bổ không theo chuẩn. Thực tế là hiện nay, việc công đức bằng hiện vật, nhất là hiện vật thờ cúng chưa có định hướng, chưa được quản lý chặt chẽ, không phải hiện vật cung tiến nào cũng phù hợp với ý nghĩa lịch sử, không gian, cảnh quan, kiến trúc của DT.

Còn sự bất cập khác trong quản lý DT, đó là việc cắm mốc giới DT còn chậm, số lượng DT được cắm mốc giới không nhiều. 3 năm gần đây, Hà Nội chỉ điều chỉnh phạm vi khoanh vùng khu vực bảo vệ I cho 28 DT. Quận Hoàng Mai mới bắt đầu triển khai đợt 1 cắm mốc giới bảo vệ một số DT như chùa Sét, đền Bích Tiên, lăng mộ Nguyễn Văn Siêu, đình Kim Giang, đình - nghè Mai Động... "Hầu hết DT đã được khoanh vùng bảo vệ, nhưng việc cắm mốc để phân chia ranh giới nhằm hạn chế tranh chấp đất giữa DT với các hộ dân thì thành phố chưa có hướng dẫn cụ thể. Mặt khác, tuy đã có quy định đơn vị quản lý DT muốn tu bổ, tôn tạo DT thì phải xin phép các cấp có thẩm quyền, nhưng hướng dẫn xin hồ sơ thỏa thuận đến nay vẫn chưa có, thời gian xin thỏa thuận quá lâu khiến một số DT cần được tu bổ cấp bách lâm vào tình trạng tu bổ không đúng quy trình" - Bà Phan Lan Tú, Phó Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm phản ánh. Đồng tình với quan điểm trên, ông Phan Duy Dẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên dẫn chứng, Phú Xuyên hiện có 8 DT bị xuống cấp nghiêm trọng, nếu không được gấp rút tu sửa thì khó tránh khỏi đổ sập trong mùa mưa bão năm 2013. Yêu cầu cấp bách là vậy, việc phải chờ đợi dễ gây hậu quả không hay.

Trước thực trạng này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, cần có quy định riêng đối với DT trong khu vực đô thị và nông thôn; quy định rõ các bước lập dự án công trình tu bổ, tôn tạo DT theo các cấp xếp hạng (Di sản thế giới, DT quốc gia đặc biệt, DT quốc gia, DT cấp tỉnh, thành phố và DT chưa được xếp hạng). Do tính đặc thù, khi thực hiện quy hoạch DT quốc gia đặc biệt nên có 3 "sản phẩm" chính: Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng; đề án bảo tồn, phát huy giá trị DT và quy chế quản lý đầu tư, xây dựng, khai thác, bảo tồn và phát huy giá trị DT. Đối với DT thuộc các khu đô thị, các dự án chiến lược thì việc bảo tồn cần bảo đảm hài hòa với yếu tố phát triển. Bộ VH,TT&DL, với vai trò quản lý nhà nước cao nhất về DT nên xây dựng mô hình phân cấp quản lý thống nhất trên phạm vi toàn quốc để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý; mở rộng đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu trùng tu DT ngày một tăng.

Để bảo vệ và phát huy tốt hơn nữa giá trị của DT, ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đề nghị Hà Nội cần có quy hoạch cắm mốc bảo vệ, có biện pháp gắn kết di sản văn hóa với du lịch, di sản phải là điểm đến của du lịch và du lịch góp phần quảng bá, phát huy giá trị di sản. Sau phân cấp quản lý, Hà Nội cần thực hiện tốt việc thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện quản lý DT ở cơ sở, tránh để xảy ra những trường hợp đáng tiếc như vụ việc ở chùa Trăm Gian (huyện Chương Mỹ) năm 2012; chú ý hỗ trợ người trông coi DT; nâng cao nhận thức của nhân dân đối với thực hiện Luật Di sản văn hóa.

Thiết nghĩ, Hà Nội có số DT nhiều nhất cả nước (5.175 di tích), trong đó có gần 600 DT xuống cấp nặng nề, việc vận dụng linh hoạt các quy định để "cứu" DT là việc cần làm, nên làm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý di tích theo Luật Di sản văn hóa: Còn nhiều bất cập

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.