Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Lân Đính: Còn sức còn làm việc…

Hà Tuấn| 02/06/2013 06:36

(HNM) - Sau 18 năm gắn bó với Hà Nội, năm 1951, ông tạm biệt Thủ đô sang Pháp học ngành dinh dưỡng tại Trường ĐH Y khoa Paris.

Chính nhờ những kinh nghiệm thực tiễn và kiến thức cùng sự say mê làm việc không phút nghỉ ngơi nên ông đã gặt hái nhiều thành công trong ngành DD. Ông là tiến sĩ, bác sĩ (TS-BS) Nguyễn Lân Đính, nguyên Giám đốc Trung tâm DD trẻ em (thuộc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh).

Khi chúng tôi tới nơi theo đúng giờ hẹn, trong căn nhà nhỏ thuộc con hẻm 96/4 đường Võ Thị Sáu (quận 1), ông vẫn mải miết làm việc trên chiếc bàn nhỏ. Nhấp ngụm trà sen, BS Nguyễn Lân Đính kể rằng, năm 1945, chứng kiến cảnh người dân gặp nạn đói, đâu đâu cũng bệnh tật, trong ông đã nung nấu ý nghĩ phải làm gì đó liên quan đến sức khỏe cho người dân.

Hằng ngày, BS Nguyễn Lân Đính vẫn miệt mài làm việc.


Năm 1951, khi kết thúc cấp học phổ thông thời bấy giờ, chàng trai Nguyễn Lân Đính mới có điều kiện thực hiện ước mơ khi sang Pháp học ngành DD tại Trường ĐH Y khoa Paris. "Những kiến thức quý báu trong 9 năm theo học ở đây đã tạo nền móng vững chắc và giúp ích tôi rất nhiều khi về nước", ông tâm sự. Về nước, chọn điểm dừng chân là Sài Gòn, ông và các đồng nghiệp trong nước cùng nhóm bác sĩ DD Pháp bắt tay vào nghiên cứu và khảo sát tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em. "Chúng tôi dành 9 tháng tại huyện Long Thành (Đồng Nai) và chứng kiến người dân nơi đây thậm chí không có cơm ăn chứ đừng nói lấy đâu chất DD. Tỷ lệ suy DD chiếm phần lớn và chúng tôi đã cố gắng xây dựng chế độ DD cơ bản trong bữa ăn hằng ngày, vận động người dân tăng gia sản xuất nhằm ổn định cuộc sống… Làm theo điều này, chỉ một năm, tỷ lệ suy DD ở đây đã giảm đến 20%" - TS-BS Nguyễn Lân Đính chia sẻ.

Sự thành công trên là động lực để đầu những năm 1970, ông cùng cộng sự tiếp tục ròng rã hàng tháng trời, đến những vùng sâu, vùng xa khu vực Nam bộ để nghiên cứu về DD. Khi đất nước hoàn toàn thống nhất cho đến nghỉ hưu (năm 1994), ông không nhớ rõ mình đã đi đến bao nhiêu vùng miền của đất nước. Cũng từ kinh nghiệm thực tiễn sau những chuyến đi như vậy, năm 1979 ông tham gia nhiều công trình nghiên cứu khoa học có giá trị như điều tra DD ở trẻ em dưới 5 tuổi ở các vùng đô thị; xây dựng khẩu phần ăn cho Khoa phục hồi DD thuộc Trung tâm Nhi khoa (năm 1980); nghiên cứu về giá trị DD của hạt đậu rồng và việc sử dụng hạt này trong thời kỳ ăn dặm ở trẻ em Việt Nam - công trình được giải thưởng và học bổng Nathalie Masse năm 1983 của Trung tâm Nhi đồng quốc tế - Paris (Pháp)... Vậy nhưng ông bảo, công trình nghiên cứu tâm đắc nhất của ông chính là phần mềm về cân đối chế độ ăn cho trẻ em, trong đó ông đưa ra các con số tính toán rất khoa học về độ tuổi, chế độ ăn, thành phần dinh dưỡng, phương pháp điều trị… Phần mềm này ra đời năm 2000 nhưng đến nay, các bệnh viện và nhà trẻ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vẫn đang ứng dụng vào việc cân đối chế độ ăn cho trẻ em với những kết quả hết sức chính xác. Ông còn là tác giả và dịch giả hàng loạt cuốn sách về dinh dưỡng trẻ em được các bà mẹ "gối đầu giường" như: Chăm sóc sức khỏe thai phụ; Cho sự phát triển hoàn thiện của bé; Chăm sóc con từ 1 đến 2 tuổi; Nuôi một người tiểu đường; Cẩm nang mang thai và sinh con; Cẩm nang chăm sóc bà mẹ và em bé…

Trước công sức "mở đường" cho ngành DD ở các tỉnh phía Nam, năm 2012, Hội Dinh dưỡng Việt Nam (VINUTAS) và FrieslandCampina đã cùng trao giải thưởng Dinh dưỡng VINUTAS - DUTCH LADY năm 2012 cho BS Nguyễn Lân Đính nhằm ghi nhận những đóng góp xuất sắc của ông cho cộng đồng trong lĩnh vực DD.

Hiện giờ, TS-BS Nguyễn Lân Đính đã ở tuổi 83, độ tuổi không còn đủ dẻo dai để đi nghiên cứu, giảng dạy, viết báo như ngày nào nhưng người dân khu phố ngày ngày vẫn thấy mái đầu bạc phơ của ông say sưa với những trang tư liệu. Người ta gọi ông là "Người không ngừng nghỉ một phút giây". Còn ông thì mỉm cười khi tạm biệt chúng tôi: "Thời gian và độ tuổi không bao giờ là muộn, nếu còn sức thì còn phải làm việc, phải cống hiến chứ! Tôi dành phần còn lại cuộc đời để nghiên cứu và tiếp tục viết sách, truyền lại những tri thức cho thế hệ sau".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Lân Đính: Còn sức còn làm việc…

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.