Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làng Khương Thượng

TUYETMINH| 27/09/2005 14:57

(HNMĐT) - Làng Khương Thượng còn có nhiều tên gọi khác: làng Sại, trại Ông Đình, làng Đình Gừng. Làng nằm sát vòng ngoài của thành Đại La, hiện còn dấu vết từ thời “Cao Biền yểm huyệt”, là “giếng Cao Biền”. Cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn, Khương Thượng là một trại thuộc tổng Hạ, huyện Vĩnh Thuận, phủ Hoài Đức (từ năm 1831 thuộc tỉnh Hà Nội),

(HNMĐT) - Làng Khương Thượng còn có nhiều tên gọi khác: làng Sại, trại Ông Đình, làng Đình Gừng. Làng nằm sát vòng ngoài của thành Đại La, hiện còn dấu vết từ thời “Cao Biền yểm huyệt”, là “giếng Cao Biền”. Cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn, Khương Thượng là một trại thuộc tổng Hạ, huyện Vĩnh Thuận, phủ Hoài Đức (từ năm 1831 thuộc tỉnh Hà Nội), năm 1899 thuộc Khu vực Ngoại thành Hà Nội (từ 1915, đổi gọi là huyện Hoàn Long và lệ thuộc tỉnh Hà Đông; từ tháng 8 - 1942, lại sáp nhập vào Thành phố Hà Nội, biến thành nhượng địa của Pháp và gọi là Đại lý đặc biệt Hà Nội).

Sau Cách mạng Tháng Tám, Khương Thượng nhập với Khương Trung, Khương Hạ thành xã Tam Khương thuộc quận VI; hòa bình lập lại thuộc huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông. Năm 1961, hai thôn Khương Thượng và Khương Trung thuộc khu Đống Đa (Hà Nội. Khương Thượng được chia thành các khối 76, 77, 78, 79; rồi trở thành tiểu khu Khương Thượng và từ năm 1981 trở thành một phường.

Trước khi trở thành phố phường, làng Khương Thượng có 4 xóm : Đồng, Trước Cửa, Tư và Giộc, trong đó xóm Đồng là lớn nhất, hiện vẫn còn bảo lưu tương đối nguyên vẹn, kể cả cổng xóm và đường đi lối lại.

Trước hòa bình lập lại năm 1954, nguồn sống chính của dân làng là làm ruộng. Trước đây, làng có trên 300 mẫu ruọng, dần dần, bị thực dân Pháp chiếm để làm sân bay Bạch Mai; từ sau hòa bình, đất đai của làng được dành để xây dựng các cơ quan, xí nghiệp và mở rộng khu dân cư. Bên cạnh nông nghiệp, dân làng còn có nghề câu ếch, bắt nhái, cá, cua ốc, cà cuống để bán cho cư dân nội thành. Từ việc khai thác các thủy sản này, dâng làng có nghề làm bún ốc và chả nhái. Đây là hai món ăn được dân nội thành ưa thích, nhiều người mang hàng vào các phố để bán, thu lợi rất cao, nhờ đó mua được ruộng, tạu được nhà. Nhiều người trong làng còn sống bằng nghề đánh bắt châu chấu, các loại chim. Đặc biệt, nghề bắt châu chấu chỉ làng Khương Thượng mới có và đạt đến trình độ kỹ thuật và “nghệ thuật” cao : lựa tay để chao chiếc dậm, sao cho đàn châu chấu vào hết lòng dậm mà vẫn không ảnh hưởng đến cây lúa. Nhiều người bằng nghề bắt châu chấu. đánh chim mà có cuộc sống sung túc. Ngoài ra, dân làng còn có nghề mộc, nề, nuôi bò sữa. 

Làng Khương Thượng đã đi vào lịch sử đất nước với trận công phá đồn Khương Thượng của quân Thanh vào sáng ngày mồng 5 Tết Kỷ Dậu (1789). Từ Khương Thượng, quân Tây Sơn thừa thắng đánh tiếp vào đồn Đống Đa, tiến vào giải phóng Kinh thành Thăng Long. Nhân dân Khương Thượng đã hỗ trợ, giúp đỡ và phối hợp với quân Tây Sơn đánh đồn. Tại làng còn lưu một số địa danh liên quan đến chiến thắng này, như Cột cờ (nơi quân Tây Sơn dựng cờ), 12 gò Kình quán (nơi xác quân Thanh chất thành gò đống lớn)... Hàng năm. cứ đến ngày mồng 4 Tết, dân làng tổ chức lễ kỷ niệm chiến thắng, tưởng nhớ Quang Trung và các tướng lĩnh Tây Sơn.

Làng Khương Thượng có đủ các công trình kiến trúc tôn giáo của một làng Việt, gồm đình, chùa, văn chỉ. Nay chỉ còn đình và chùa. Đình làng thờ Cao Sơn đại vương, vị thần liên quan đến công cuộc trị thủy trong cuộc chiến Sơn Tinh - Thủy Tinh thời các Vua Hùng. Đáng kể nhất là ngôi chùa Thiên Phúc (tên Nôm là chùa Bộc) - ngôi chùa gắn bó với cuộc tổng tiến công đồn Khương Thượng - Đống Đa Tết Kỷ Dậu. Chùa đã được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa từ năm 1964; còn đình được xếp hạng năm 1990.

TS.Bùi Xuân Đính
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng Khương Thượng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.