Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làng Quỳnh Lôi

TUYETMINH| 27/12/2005 10:49

(HNMĐT) - Làng Quỳnh Lôi đầu thế kỷ XIX là một trại thuộc tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức; đến giữa thế kỷ XIX cắt sang tổng Kim Liên cùng thuộc huyện Thọ Xương. Tương truyền, trại này do một người quê ở Thanh Hóa, làm quan ở Kinh đô Thăng Long lập nên.

(HNMĐT) - Làng Quỳnh Lôi đầu thế kỷ XIX là một trại thuộc tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức; đến giữa thế kỷ XIX cắt sang tổng Kim Liên cùng thuộc huyện Thọ Xương. Tương truyền, trại này do một người quê ở Thanh Hóa, làm quan ở Kinh đô Thăng Long lập nên.

Ban đầu, dân cư tập trung ở phía Bắc gọi là xóm Trại. Về sau có thêm xóm Miếu ở mạn Nam. Tại xóm Trại có ngôi chùa Long Khánh hiện còn khá cổ kính và đẹp. Trong chùa còn tấm bia đá soạn năm Đinh Mùi niên hiệu Hoằng Định (1607) do Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan soạn, nội dung cho biết một vương tử là cháu Chúa Trịnh Tùng đã hai lần bỏ tiền của để tu bổ chùa. Điều đó chứng tỏ chùa được xây dựng trước đó khá lâu. Chùa đã được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa.

Cuối thế kỷ XVII, sự phát triển của trại Quỳnh Lôi gắn liền với tên tuổi, công lao của Tiến sĩ Ngô Sách Tuân (1648 - 1696). Ông người làng Tam Sơn, huyện Đông Ngàn, nay thuộc xã Tam Sơn, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, đỗ Tiến sĩ khoa Bính Thìn niên hiệu Vĩnh Trị đời Vua Lê Hy Tông (năm 1676). Ông có nhiều công lao trong việc trấn dẹp các toán phỉ bên kia biên giới tràn sang quấy phá, bảo vệ cuộc sống yên làng của nhân dân vùng biên. Do có công đó, ông được thăng làm Công bộ Hữu Thị lang và lưu lại làm việc trong triều. Khi đó, Ngô Sách Tuân cùng vợ là bà Trịnh Thị Ngọc Liễn sống tại ấp Quỳnh Lôi. Ông bỏ tiền bổng lộc để giúp đỡ những người nghèo khó, cho dân ấp tiền để dựng đình, lại răn dạy các quan lại dưới quyền không được nhũng nhiễu dân chúng, nên được dân ấp kính trọng, tôn làm Thái Ông và bầu làm Trùm trưởng của ấp, vợ ông làm Thái Bà. Việc này được ghi rõ trong bia Tân tạo Quỳnh Lôi đình do Thám hoa Vũ Thạnh soạn vào mùa Đông năm Nhâm Thân niên hiệu Chính Hòa (1692), hiện lưu tại trưởng Tiểu học của phường. Văn bia ghi rõ, Ngô Sách Tuân "là người nổi danh hiền sĩ, vỗ về dân thể theo điều thánh hoá, tiếng tăm rộng lớn, yêu mến dài lâu". Rất tiếc, ngôi đình to đẹp nay không còn; khu vực đình hiện nay được dùng làm trường Tiểu học của phường.

Dân làng Quỳnh lôi từ xưa sống bằng nghề nông nghiệp, trồng các loại rau và hoa phục vụ dân nội thành, kết hợp với buôn bán ở chợ Mơ và các chợ trong vùng. Sau khi Khu vực ngoại thành được thành lập (năm 1899, từ 1915 đổi gọi là huyện Hoàn Long và lệ thuộc tỉnh Hà Đông; từ tháng 8 - 1942, lại sáp nhập vào Thành phố Hà Nội, biến thành nhượng địa của Pháp, gọi là Đại lý đặc biệt Hà Nội), Quỳnh Lôi trở thành một đơn vị hành chính của khu vực này. Dân làng có thêm nghề đạp xích lô và khuân vác. Một số trở thành công nhân cho các nhà máy, xí nghiệp hoặc viên chức nhà nước. Do điều kiện kinh tế khó khăn nên mặc dù ở sát nội thành, làng có ít người học hành đỗ đạt. Thời Nguyễn chỉ có hai người đỗ Cử nhân là Nguyễn Văn Nho (đỗ khoa Đinh Mùi đời Thiệu Trị - 1847) và Nguyễn Văn Huy (đỗ khoa ất Mão đời Tự Đức - 1855).

Cách mạng Tháng Tám thành công, làng Quỳnh Lôi nhập với làng Mai Động thành xã Quỳnh Mai. Kháng chiến bùng nổ lại tách ra thành hai xã thuộc quận VII Hà Nội. Năm 1957, lập lại xã Quỳnh Mai thuộc huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông. Từ năm 1961, lại cắt làng Mai Động về xã Hoàng Văn Thụ (huyện Thanh Trì); còn làng Quỳnh Lôi chia thành các khối phố, rồi đổi thành tiểu khu, thuộc khu phố Hai Bà. Từ năm 1981, các tiểu khu nay được chuyển thành 3 phường : Quỳnh Lôi, Quỳnh Mai và Minh Khai thuộc quận Hai Bà Trưng.

TS. Bùi Xuân Đính

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Làng Quỳnh Lôi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.