Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tài hoa nghệ thuật dệt

LANHUONG| 30/01/2006 13:28

(HNMĐT) - Có thể nói trên đất nước VN có bao nhiêu vùng quê dệt vải, lụa là có bấy nhiêu bài ca về tằm tang, tơ sợi, kim chỉ, gấm hoa... Đó là điệu hò xứ Nghệ của các thiếu nữ hái dâu bên bờ sông Cầu trên quê hương quan họ, là câu hát giao duyên bên cánh đồng dâu trên bãi sông Hồng...

(HNMĐT) - Có thể nói trên đất nước VN có bao nhiêu vùng quê dệt vải, lụa là có bấy nhiêu bài ca về tằm tang, tơ sợi, kim chỉ, gấm hoa... Đó là điệu hò xứ Nghệ của các thiếu nữ hái dâu bên bờ sông Cầu trên quê hương quan họ, là câu hát giao duyên bên cánh đồng dâu trên bãi sông Hồng...

VN tự hào là một trong những quốc gia có nghề dệt truyền thống phát triển lâu đời, trải qua bao biến động của thời gian, những tấm lòng son sắt của những người thợ dệt VN, những con người “sinh nghệ, tử nghệ” đã luôn trân trọng gìn giữ và phát triển nghề truyền thống của cha ông. Qua các tài liệu khảo cổ học và các tài liệu thư tịch cổ, có thể khẳng định nghề dệt đã có mặt trên đất nước VN từ đời Phùng Nguyên, cách đây trên dưới 4.000 năm, trên các trống đồng, thạp đồng đã thấy xuất hiện hình người Việt đóng khố, mặc áo, váy. Chất liệu tơ chuối có thể là điểm khởi phát cho nghề dệt VN, tiếp theo là sự ra đời của vải đay, vải lanh. Đầu Công nguyên người Lạc Việt đã trồng dâu nuôi tằm dệt lụa, trước khi có sự xuất hiện của vải bông cách đây cũng đã 2.000 năm.

Cũng chỉ là nguyên liệu thô sơ gần gũi với tự nhiên như bông, lanh, tơ tằm... chỉ bằng những khung dệt rất đỗi thô sơ, nhưng nhờ tài hoa của những người thợ và tâm hồn dân tộc thấm đẫm trong từng khuông vải nên những nguyên liệu tưởng chừng câm lặng ấy đã trở nên vô cùng sống động và mang đầy chất nhân văn. Những “the La, lĩnh Bưởi, chồi Phùng” trong sắc tím Huế, vàng chanh, xanh lơ..., những đường nét hoa văn mềm mại, phóng khoáng trên lụa Hà Đông... đã tạo nên sức hấp dẫn kỳ lạ và làm thổn thức trái tim của biết bao người. Người ta không thể nào quên được nét mộc mạc, tự nhiên mang xu hướng cội nguồn được tạo nên trên khung dệt của các dân tộc thiểu số VN, không thể quên được những cô gái Thái như những đoá hoa rừng trên vùng sơn cước, không chỉ xinh đẹp, giỏi múa xoè mà còn hay nghề dệt. Tất cả họ đã tạo nên một bức tranh muôn màu của nghệ thuật dệt VN.

Song hành với sự phát triển của các sản phẩm dệt là sự hình thành của các làng nghề dệt thủ công truyền thống với tên tuổi của 336 làng nghề trên phạm vi cả nước, mỗi nơi đều chứa đựng những nét đặc trưng văn hoá hết sức đặc sắc. Những sóng lụa tha thướt thì không đâu có thể sánh được Vạn Phúc (Hà Tây), Nha Xá (Hà Nam) hay Tân Châu ở dải đất miền Tây sông nước... những chiếc khăn đũi mộc mạc thông thoáng, mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông nổi tiếng ở Nam Cao (Thái Bình), vô số các loại khăn ăn, khăn tắm đa sắc đa màu ở Thái Phương (Thái Bình), nghề dệt len ở làng nghề tỷ phú La Phù (Hà Tây)... là đồng bào dân tộc Mông nổi tiếng với nghề dệt lanh, nhuộm chàm và vẽ sáp ong ở Lùng Tám (Hà Giang), hay những nét chắt lọc cả tinh hoa của đất, của trời, của rừng xanh, thác bạc trong mỗi mặc hàng thổ cẩm Tây Nguyên.

Không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa, từ xưa, tơ lụa VN đã trở thành một mặt hàng được khách phương Tây, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, một số quốc gia ở Đông Nam Á hết sức ưa chuộng từ những năm đầu thế kỷ XI. Đến nay, các sản phẩm dệt của VN đã được xuất khẩu sang thị trường hàng trăm quốc gia trên thế giới với kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng và được xếp vào nhóm các hàng hoá xuất khẩu quan trọng của ngành thủ công mỹ nghệ VN.

Lan Hương

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tài hoa nghệ thuật dệt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.