Theo dõi Báo Hànộimới trên

Có một ban nhạc Tây Nguyên giữa Hà Nội

ANHTHU| 25/03/2006 10:38

Ban nhạc Bazan thành lập năm 2001 và năm 2002 chính thức ra mắt khán giả trong cuộc thi Ban nhạc sinh viên toàn quốc, đến nay đã trở nên quen thuộc không chỉ với người dân thủ đô.

Nhóm Bazan ở ký túc xá Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Quân đội

Ban nhạc Bazan thành lập năm 2001 và năm 2002 chính thức ra mắt khán giả trong cuộc thi Ban nhạc sinh viên toàn quốc, đến nay đã trở nên quen thuộc không chỉ với người dân thủ đô.

Giọng ca được phát hiện

Phiưng và Amư sinh ra ở cùng một làng của tỉnh Gia Lai. Nhà sát cạnh nhau, chơi với nhau từ bé nên ai cũng hiểu rằng người kia mê hát... giống mình. Ngoài những lúc lên rẫy, cuốc đất trồng cà phê, hai người lại tìm đến cây đàn ghi ta say sưa hát. Dần dần, hai người được đi biểu diễn ở một số nơi, được giao lưu với các ca sĩ của tỉnh. Lúc ấy NSƯT Y Brơm đã chú ý đến giọng ca của hai chàng trai trẻ. Ông gọi điện cho nhạc sĩ An Thuyên, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Quân đội, người luôn dành tình cảm đặc biệt cho Tây Nguyên, bàn cách để đôi bạn Phiưng và Amư được học tập dưới sự dìu dắt của thầy. Đó là điều bất ngờ mà trong mơ đôi bạn cũng chưa dám nghĩ.

Sống trong môi trường nghệ thuật, Phiưng và Amư vô cùng sung sướng vì được... hát suốt ngày. Một thầy nào đó đi ngang ký túc xá đã nghe thấy và góp ý với thầy An Thuyên: “Liệu có thể thành lập một ban nhạc của những chàng trai Tây Nguyên được không?”. Không ngờ nhạc sĩ An Thuyên ủng hộ nhiệt tình.

Vậy là cả hai cùng tập để dự thi. Lúc ấy, khán giả rất ngạc nhiên vì trên sân khấu chỉ xuất hiện một người hát mà có đến bốn tay cùng chơi ghi-ta nhạc phẩm Hồn núi. Tiết mục này đoạt giải độc đáo nhất, bên cạnh giải nhì toàn ban và giải đơn xuất sắc nhất dành cho Rô Đa Mik.

Mang hơi thở Tây Nguyên đến mọi nơi

Trưởng nhóm Phiưng thổ lộ rằng: “Mình mê hát nhưng hát không hay. Mik mới là “giọng ca vàng”. Rô Đa Mik được đặc cách vào trường sau khi đoạt giải nhất cuộc thi Tiếng hát Truyền hình Đà Lạt 2001. Đến nay, anh đã có trong tay bộ sưu tập giải thưởng của hầu hết các cuộc thi ca nhạc lớn nhỏ, trong đó đáng kể nhất là giải quán quân cuộc thi Tiếng hát Truyền hình Hà Nội 2005, huy chương vàng giọng hát toàn quân. “Thế nhưng mình lại chưa được đi nước ngoài lần nào, còn Y Ga Ri thì đang đi biểu diễn ở châu Âu đấy” - Mik vui vẻ nói. Y Ga Ri là con của ca sĩ nổi tiếng Y Moan, được chú ý sau khi đóng vai anh hùng Núp trong vở nhạc kịch Đất nước đứng lên, với chất giọng trầm đặc biệt. Y Ga Ri là người đầu tiên trong nhóm được “xuất ngoại”, đó cũng là niềm tự hào và niềm hy vọng cho mỗi người.

Nhóm Bazan đã đi diễn ở rất nhiều nơi, các trường đại học ở Hà Nội, các tỉnh phía Bắc, “vô” cả TPHCM và về quê hương Tây Nguyên.

Những ước mơ

Amư Hiện đã học xong và về công tác tại Đoàn Ca múa nhạc Đam San của tỉnh Gia Lai của tỉnh Gia Lai. Y Yun và Y Sih là hai thành viên mới được vào thế chỗ của anh. Cả hai là học sinh khoa thanh nhạc và cũng là người cùng làng với Phiưng và Amư. Tháng 7 này, tất cả các thành viên đều sẽ tốt nghiệp. Y Yun và Y Sih học hệ trung cấp nên ước mơ được học tiếp cao đẳng.

Trưởng nhóm Phiưng là người có nhiều hoài bão nhất: “Tôi thích ở lại Hà Nội nhưng không biết sẽ thế nào. Tốt nghiệp cao đẳng thanh nhạc, tôi muốn học thêm khoa sáng tác, hiện tại chỉ có mỗi chú Y Phon Ksor là người của vùng đất đỏ bazan theo học khoa này. Những sáng tác hay về Tây Nguyên đều của người miền xuôi như nhạc sĩ Nguyễn Cường, Trần Tiến”. Phiưng vẫn âm thầm sáng tác, không chỉ những giai điệu mang âm hưởng của núi rừng mà cả nhạc trẻ nữa.

Theo NLĐ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Có một ban nhạc Tây Nguyên giữa Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.