Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đi tìm “quê hương” “cụ” rùa hồ Gươm

ANHTHU| 28/08/2006 07:33

PGS Hà Đình Đức ở  Đại học Quốc gia Hà Nội, có chân trong Hội bảo vệ thiên nhiên môi trường Thủ đô. Mải miết say mê với đối tượng nghiên cứu của mình, ông được đặt biệt hiệu “Nhà rùa học”. Theo ông, hồ Gươm hiện chỉ còn duy nhất một “cụ”, thuộc loài rùa mai mềm lớn.

Ảnh: NA

PGS Hà Đình Đức ởĐại học Quốc gia Hà Nội, có chân trong Hội bảo vệ thiên nhiên môi trường Thủ đô. Mải miết say mê với đối tượng nghiên cứu của mình, ông được đặt biệt hiệu “Nhà rùa học”. Theo ông, hồ Gươm hiện chỉ còn duy nhất một “cụ”, thuộc loài rùa mai mềm lớn. Mà theo thực tế, những cứ liệu khoa học và suy đoán logic, quê “cụ” không phải trên đất Thăng Long này (tạp chí Xưa & Nay năm 1997). Vậy gốc “cụ” ởđâu?

PGS Hà Đình Đức cho rằng con rùa đá đội bia Vĩnh Lăng ở Lam Kinh, Thanh Hóa là loài rùa mai mềm, rất giống hình thái tiêu bản rùa hồ Gươm đang trưng trong tủ kính đền Ngọc Sơn,Hà Nội, cũng rất giống “cụ” rùa đang sinh sống ở con hồ này. Phải chăng loài rùa mai mềm lớn ở vùng Lam Kinh xưa đã được Thái Tổ Lê Lợi đem ra đây thả? Và có phải nghệ nhân xưa, quá quen thuộc với loại rua này, nên đã tạc con rùa đá đội bia Vĩnh Lăng theo lối tả chân, hoàn toàn thật chứ không mô phỏng như rùa trong Văn Miếu hay đền, chùa khác?

Cũng theo ông “Rùa học” gốc xứ Thanh, dưới thời Lý Công Uẩn chọn Thăng Long rời đô ra, không thấy sách nào chép Lục Thủy, tức hồ Gươm, có rùa to. Chỉ khi Lê Lợi đánh thắng giặc Minh, lên làm vua, mới xuất hiện rùa ở hồ Gươm. Vậy giả thuyết Lê Lợi là người thả rùa xuống hồ là có cơ sở.

Nếu rùa hồ Gươm gốc gác ở Hà Nội thì Hồ Tây và các hồ khác trong thành phố cũng phải có loại rùa này, bởi hồ Gươm và Hồ Tây đều bắt nguồn từ dòng sông Cái cổ...

Đã có những cuộc khảo sát tìm nguồn gốc “cụ”. Giả thuyết rùa hồ Gươm quê gốc Lam Sơn càng vững hơn khi ông Trịnh Xuân Lương, Thư ký Hội Liên hiệp khoa học kỹ thuật Thanh Hóa báo tin cho PGS Hà Đình Đức. Rằng, ở xã Quảng Phú, huyện Thọ Xuân, nơi xưa kia Lê Lợi đóng tiền tiêu, người dân từng bắt được con rùa nặng đến 150kg.

Về tìm hiểu, khảo sát tại đầm Sen Quảng Phú, cách Lam Kinh 10km, ông Đức phát hiện nhiều dấu vết lạ. Vào tháng 5 năm 2002, đang trồng mía cạnh đầm, anh nông dân Lê Văn Quy đã nhặt được hai ổ trứng. “Một ổ 15 quả, một ổ 7 quả, to bằng quả trứng ngan”. Theo mô tả của anh, rất có thể đó là trứng rùa. Chỉ ra vũng cỏ bấc (tên khoa học là juncus diffusus, loài rùa mai mềm rất thích ăn) đã bị cắn hết thân ở ven đầm, anh Quy khẳng định: “Rùa ăn đấy. Nó chỉ ăn phần non ở giữa. Ngoài rùa ra, không loài vật nào có thể ăn, tạo nên vũng sâu thế được”.

Đợt khảo sát thứ hai cũng theo vệt đầm ấy, nhưng tiếp cận hướng khác, ở xã Yên Thành, huyện Yên Định, giáp Thọ Xuân. Có những thông tin người dân ở đây cung cấp làm PGS Hà Đình Đức giật mình. Một nông dân, ông Trần Văn Cường, từng bắt được mấy con rùa to, to nhất hơn 70kg. Nhưng chúng đều đã bị bán để làm thịt. Một người khác, anh Hoàng Văn Thuyết, cho biết trước đây, người làng đã bắt được một “cụ” rùa nặng gần hai tạ, đỉnh đầu có đốm trắng. Đặc điểm này y như rùa hồ Gươm.

Rồi quay về Quảng Phú, đoàn khảo sát lại bị “dội một gáo nước lạnh”. Ông Nguyễn Văn Thái, bảo vệ ủy ban xã nói chắc nịch: “Trước đây thì nhiều rùa lắm. Tôi đã bắt được bốn con, con to nhất cỡ hơn một tạ thì đem bán, con nhỏ nấu chuối cả nhà ăn. Giờ đây chắc hết cả rồi!”.

Một nhân chứng khác, ông Lê Đăng Các, nguyên là giáo viên Đại học Sư phạm Vinh kể, vài năm trước, người làng bắt được con rùa lớn, xẻ thịt ăn. Mai nó to lắm, khi dựng lên, trời mưa to, ba người ngồi bên dưới vẫn không ướt. Thỉnh thoảng người ta lật ngửa chiếc mai lên làm thuyền hái rau muống.

Vậy là những con rùa sống dọc theo vệt đầm Sen (chiều dài tới 6-7km) đều chung số phận “tùng xẻo”. Nếu có còn, và không được hưởng biện pháp bảo vệ kịp thời, e rằng “anh em” của “cụ” rùa hồ Gươm có nguy cơ tuyệt chủng.

Được biết rằng “nhà rùa học” Hà Đình Đức đã viết thư tới Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội đề nghị tổ chức một cuộc khảo sát ở Thanh Hóa nhằm điều tra, khẳng định “quê hương” thực sự của “cụ” rùa hồ Gươm. Sở đã ký công văn số 995/VHTT trình UBND thành phố đề nghị sớm thực hiện cuộc khảo sát thú vị này. Và UBND thành phố đã giao cho Ban chỉ đạo quốc gia 1000 năm Thăng Long trực tiếp lập đề án phối hợp với Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường Thủ đô đi khảo sát thực địa tại Thanh Hóa, tìm quê gốc “cụ” rùa hồ Gươm.

Nếu xác định được loài rùa mai mềm lớn xứ Thanh có cùng “huyết thống” với “cụ” rùa hồ Gươm, thì đây sẽ là món quà đầy ý nghĩa mừng ngày đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Nguyễn Trường Giang

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đi tìm “quê hương” “cụ” rùa hồ Gươm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.