Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trạm trộn bê tông trái phép tại quận Hoàng Mai: Bao giờ xử lý dứt điểm?

Nguyên Hà| 26/09/2016 07:13

(HNM) - Nhiều năm qua, người dân ở các phường Trần Phú, Thanh Trì, Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai) phải sống chung với ô nhiễm môi trường trầm trọng do khói bụi từ hoạt động sản xuất bê tông trên địa bàn gây nên. Tình trạng này chỉ tạm lắng xuống khi các sở, ngành tổ chức thanh tra việc sử dụng đất của các tổ

Trạm trộn bê tông hoạt động trái phép trên địa bàn phường Thanh Trì.


Ngày 20-9-2016, quan sát khu vực ngoài đê sông Hồng, đoạn qua địa bàn các phường Trần Phú, Lĩnh Nam, Yên Sở, Thanh Trì… (quận Hoàng Mai), phóng viên nhận thấy, có hơn 10 trạm trộn bê tông đang hoạt động, cụ thể: Tại phường Lĩnh Nam có trạm trộn bê tông của Công ty CP Đầu tư Sông Đà - Việt Đức; phường Thanh Trì có 4 trạm trộn bê tông của Xí nghiệp Thành An 115, Công ty CP Đầu tư và xây dựng Việt Hàn, Công ty TNHH Việt Đức và Công ty CP Bê tông xây dựng A&P. Tại các phường Yên Sở và Trần Phú, mỗi địa phương đều có 2 trạm trộn bê tông đang hoạt động. Hầu hết những đơn vị này sau khi ký hợp đồng thuê đất (rộng hàng chục nghìn mét vuông) với chính quyền sở tại và đất mà trước đây người dân được giao theo Nghị định 64/CP đều đã tự ý sản xuất mà chưa có giấy phép hoạt động.

Do hoạt động sản xuất bê tông (trái phép), hơn 10 năm qua, hàng trăm hộ dân sống dọc đê Nguyễn Khoái, đoạn qua các phường Lĩnh Nam, Thanh Trì, Trần Phú… luôn phải chung sống trong tình trạng môi trường đầy bụi bẩn, ô nhiễm nặng. Riêng địa bàn tổ dân phố 18 và 19 - phường Trần Phú, bụi đất chỗ nào cũng ngập ngụa, tỏa trắng bầu không khí và phủ kín mọi ngõ ngách. Không chỉ vậy, con đường dân sinh dài hơn 1km của hơn 50 hộ gia đình sống gần cảng Khuyến Lương mỗi khi trời mưa lại biến thành “đầm lầy”. Theo phản ánh của người dân, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là hằng ngày có nhiều xe trọng tải lớn ra vào để vận chuyển bê tông.

Làm việc với ông Dương Văn Hòa - Chủ tịch UBND phường Thanh Trì, phóng viên Hànộimới được biết: Đa số trạm trộn bê tông, hình thành từ hàng chục năm qua, phục vụ thi công một số hạng mục đê sông Hồng, cầu Thanh Trì… Tuy nhiên, sau khi các công trình trên hoàn thiện, các đơn vị này lại không chuyển đi mà tiếp tục ở lại, ký hợp đồng thuê đất với chính quyền một số địa phương để sản xuất, kinh doanh. Cũng theo ông Hòa, để xử lý việc cho thuê và sử dụng đất (SDĐ) trái pháp luật, năm 2013 Thanh tra Sở TN&MT Hà Nội đã tiến hành xác minh, làm rõ sai phạm. Thông qua Kết luận số 1316/KLTT-STNMT, ngày 4-10-2013, Thanh tra Sở TN&MT đã chỉ rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể liên quan đến việc quản lý, SDĐ vào mục đích phi nông nghiệp; mặt khác, yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất bê tông phải giữ nguyên hiện trạng để hoàn thiện thủ tục thuê đất. Thế nhưng đa số doanh nghiệp không chấp hành, trái lại còn tự ý liên kết, cho các doanh nghiệp khác thuê lại mặt bằng để lắp đặt thêm trạm trộn bê tông cũng như xây dựng trái phép công trình trên đất.

Để ngăn chặn việc sản xuất gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều và tiêu thoát lũ trong mùa mưa bão, ngày 2-2-2016, Sở NN&PTNT Hà Nội có Văn bản số 235/SNN-ĐĐ, đề nghị UBND quận Hoàng Mai kiểm tra, rà soát và quản lý các trạm trộn bê tông tại khu vực bãi sông Hồng. Thực hiện đề nghị của Sở NN&PTNT, ngày 22-2-2016, Phòng Quản lý đô thị quận Hoàng Mai đã có Kế hoạch số 01/KH-QLĐT về việc kiểm tra toàn diện các hoạt động của tất cả các trạm trộn bê tông đang sản xuất ngoài đê. Điều đáng nói, trong quá trình kiểm tra, tổ công tác của UBND quận đã phát hiện ra hàng loạt sai phạm liên quan đến việc SDĐ, gây ô nhiễm môi trường của các doanh nghiệp (nhất là của 4 đơn vị hoạt động tại khu vực cảng Khuyến Lương); đồng thời, có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp ngoài đê phải tạm dừng hoạt động và “chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng hoàn thiện thủ tục pháp lý, trình UBND thành phố cấp phép hoạt động trạm trộn bê tông”. Tuy nhiên, đến thời điểm này, đa số doanh nghiệp chưa chấp hành. Thậm chí, một số đơn vị lợi dụng ngày nghỉ, đêm tối để hoạt động sản xuất.

Từ thực tế nêu trên, có thể nhận thấy, việc hoạt động sản xuất bê tông trái phép tại khu vực bãi sông Hồng tồn tại như hiện nay là do chính quyền một số địa phương của quận Hoàng Mai đã buông lỏng công tác quản lý đất đai và trật tự xây dựng trên địa bàn. Vấn đề này chỉ thực sự được giải quyết triệt để khi có sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cơ quan chức năng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trạm trộn bê tông trái phép tại quận Hoàng Mai: Bao giờ xử lý dứt điểm?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.