Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quyết liệt ngay từ đầu!

Nga - Hằng| 21/02/2017 07:22

(HNM) - Đã hơn nửa tháng trôi qua kể từ khi Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có hiệu lực...


Tràn lan vi phạm

Khảo sát của phóng viên (PV) Báo Hànộimới trong 3 ngày 13, 14 và 15-2 cho thấy, tình trạng vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường nơi công cộng diễn ra tràn lan ở nhiều nơi, với nhiều hình thức. Nhiều người dân khi được hỏi cho biết chưa biết Nghị định 155 quy định vấn đề gì!

Những túi rác bỏ bừa bãi trên đường Nguyễn Trãi. Ảnh: Phạm Dự


Tuyến đường Mạc Thái Tông, đoạn từ đường Trung Kính đến ngã tư Nguyễn Chánh (phường Trung Hòa - quận Cầu Giấy) lâu nay là “bãi đậu” quen thuộc của cánh tài xế nói chung và những người có nhu cầu “tiểu bậy”. Từ lâu tại đây tồn tại một dự án được quây rào tôn chạy dài suốt từ trục đường Nguyễn Chánh (giáp phố Mạc Thái Tổ) đến trục đường Mạc Thái Tông (giáp phố Trung Kính). Sau nhiều năm không được triển khai, toàn bộ vỉa hè giáp hàng rào dự án đã biến thành những bãi rác khổng lồ, chứa đủ thứ rác thải sinh hoạt, phế thải xây dựng… từ khắp nơi đổ về. Quan sát tại đây chừng 30 phút PV ghi nhận nhiều trường hợp đến đổ rác, phế thải, nhưng không thấy lực lượng chức năng xử lý.

Cổng Công viên Thống Nhất (phía đường Trần Nhân Tông) cũng được coi là “điểm nóng” tiểu bậy của cánh tài xế taxi, xe ôm, khách vãng lai… Trong đó, bên cổng trái từ lâu đã trở thành nơi “xả nỗi buồn” của nhiều người. Mặc dù Nghị định số 155 của Chính phủ đã có hiệu lực, song mỗi ngày tại đây vẫn có hàng chục lượt người “tiểu bậy” nhưng chưa ai bị xử lý (!).

Tại một số tuyến phố nội đô như Xã Đàn, Giải Phóng, Tây Sơn, Nguyễn Trãi, Bà Triệu, Cầu Giấy, Đê La Thành… tình trạng người dân vứt, bỏ rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị và hệ thống thoát nước mặt trong khu đô thị vẫn diễn ra tràn lan. Từ 14h đến 15h30 hằng ngày, vỉa hè, lòng đường Xã Đàn (đoạn từ đường Lê Duẩn rẽ vào) là nơi tập kết, vứt rác của các hộ dân sinh sống và kinh doanh dọc tuyến đường. Ghi nhận của PV vào chiều 14-2, nhiều túi rác thải được để dưới lòng đường và trên vỉa hè đường Xã Đàn, hầu như trước cửa nhà nào cũng có một hai túi rác, để bừa bãi gây mất mỹ quan đô thị và ô nhiễm môi trường.

Lúng túng trong xử lý

Khi được hỏi, đại diện UBND, công an một số phường đều cho rằng không dễ xử lý vi phạm. Trung tá Nguyễn Hữu Long, Trưởng Công an phường Nguyễn Trãi (Hà Đông) thừa nhận trên địa bàn phường vẫn còn bộ phận người dân, khách vãng lai… vứt, để rác thải trên vỉa hè, dưới lòng đường chưa đúng giờ, nơi quy định. Tuy nhiên những hành vi này đa phần diễn ra rất nhanh, nếu người đi xe máy cầm túi rác vứt xuống đường thì hành vi đó chỉ diễn ra trong vài giây, do vậy rất khó thu thập chứng cứ để chứng minh hành vi vi phạm hành chính.

Ông Bùi Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND phường Lê Đại Hành (Hai Bà Trưng) cho biết, việc xử lý các hành vi vi phạm các quy định về BVMT không dễ. Để thực hiện hiệu quả Nghị định 155, phải gắn trách nhiệm tới các đồng chí Bí thư chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng ban Công tác mặt trận và lực lượng tự quản trong việc thực hiện các quy định về BVMT.

Trao đổi về vấn đề này, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật quốc tế HILAP chia sẻ, Nghị định 155 đã quy định rõ thẩm quyền xử phạt hành vi vi phạm môi trường, trong đó lực lượng có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT rất rộng gồm: Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT đang thi hành công vụ; công chức, viên chức đang thi hành nhiệm vụ BVMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường… cho đến công an xã, phường, thị trấn và cán bộ trật tự nơi công cộng tại các khu đô thị, khu chung cư…

Theo luật sư Thái, Chủ tịch UBND và trưởng công an cấp quận, huyện, phường, xã được quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính với mức phạt và giá trị cao hơn nhiều lần so với quy định trước đây. Tuy nhiên, cái khó là làm sao bắt quả tang người vi phạm. Mặt khác, trường hợp phát hiện vi phạm, nếu người dân cố tình chống đối, thì cấp quận phải ban hành quyết định cưỡng chế và trực tiếp cưỡng chế hoặc ủy quyền cho cấp phường thi hành. Nhưng việc cưỡng chế một quyết định hành chính là không hề đơn giản.

Vừa qua, Công an quận Hoàng Mai đã kiên quyết xử phạt 3 lái xe taxi 6 triệu đồng vì lỗi "tiểu bậy". Đây là một động thái tích cực, thể hiện quyết tâm xây dựng một thủ đô văn minh, thanh lịch. Tuy nhiên, dư luận mong muốn không chỉ quận Hoàng Mai, mà tất cả các quận, huyện trong toàn thành phố cũng cần quyết liệt triển khai Nghị định 155, đặc biệt phải có kế hoạch thực hiện thường xuyên, lâu dài, tránh tình trạng "đánh trống, bỏ dùi".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyết liệt ngay từ đầu!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.