Theo dõi Báo Hànộimới trên

Di tích chờ "giải cứu"...

Nguyễn Thanh| 18/06/2017 07:45

(HNM) - Tình trạng xây dựng tự phát, cơi nới, mở rộng kinh doanh, lấn chiếm... di tích, kể cả di tích đã được xếp hạng, không chỉ gây ảnh hưởng xấu tới không gian tôn nghiêm mà còn khiến người dân bức xúc...

Hàng quán kinh doanh “vây” cổng đình Pháp Vân (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai).


Nhiều di tích bị lấn chiếm...

Hàng chục năm nay, khuôn viên Di tích đình Pháp Vân (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) đã bị chiếm dụng làm nơi sinh sống, buôn bán của nhiều hộ gia đình. Từ một vài căn lều dựng tạm, bất chấp sự phản đối của cộng đồng dân cư, nay đã trở thành công trình xây kiên cố để làm nơi sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ ăn uống, rửa xe... Ông Nguyễn Văn Sáu, Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi tổ dân phố Pháp Vân cho biết: Ngay trong khu vực bảo vệ của di tích, hàng quán phục vụ khách nhậu, hát karaoke ầm ĩ suốt ngày, lối vào di tích thường xuyên lầy lội khiến nhân dân địa phương vô cùng bức xúc. Dù người dân nhiều lần kiến nghị với chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý, trả lại không gian thanh tịnh cho người đi lễ, những mong mỏi chính đáng đó vẫn chưa được đáp ứng.

Cùng “cảnh ngộ” với đình Pháp Vân là đình - chùa Đức Hậu (xã Đức Hòa, huyện Sóc Sơn) khi có tới hàng trăm mét vuông đất nền bị lấn chiếm. Tình trạng này kéo dài hàng chục năm qua khiến cư dân quanh vùng bức xúc, gửi đơn kêu cứu tới nhiều cấp nhưng vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Tương tự, tình trạng "xén" đất đình Đại Mỗ (phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm) để làm nhà đã tồn tại qua nhiều năm nhưng chưa được xử lý dứt điểm, nay dư luận lại thêm bức xúc khi hộ gia đình lấn chiếm đất tiếp tục cho sửa sang, cơi nới, bất chấp sự chỉ đạo của chính quyền các cấp. Đại diện Ban Quản lý di tích đình Đại Mỗ, ông Nguyễn Văn Huấn cho hay: “Chính quyền thành phố, quận đã nhiều lần yêu cầu chấn chỉnh tình trạng vi phạm nhưng không hiểu sao đến giờ công trình nói trên vẫn ngang nhiên tồn tại. Chưa kể, nếu không quyết liệt, có thể sẽ nảy sinh những vi phạm khác”.

Theo thống kê của Sở VH-TT Hà Nội, tính đến thời điểm này, trên toàn thành phố có 104 di tích đã được xếp hạng đang phải "sống chung" với hơn 1.200 hộ dân với hàng chục nghìn nhân khẩu trong khu vực bảo vệ I; trở thành trụ sở làm việc của hơn 10 cơ quan, đơn vị. Đa số hộ dân đều có "thâm niên" tá túc trong khuôn viên di tích từ hàng chục năm nay, số nhân khẩu tăng dần đều khiến nơi ở trở nên chật chội, phát sinh nhu cầu cơi nới. Không gian ngày càng bị thu hẹp, cảnh quan bị ảnh hưởng, tình trạng dân cư phát triển nhanh chóng còn khiến kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di sản hầu như không thể thực hiện. Bà Đỗ Thị Xuyến, người lo việc đèn, nhang ở đình Trung Yên (quận Hoàn Kiếm) cho hay: Dù di tích nằm trong danh mục ưu tiên tu bổ của quận, phương án đầu tư tôn tạo cũng đã có nhưng vì dân chưa chịu di dời nên vẫn chưa thể thực hiện.

Chung nỗi bức xúc đó, chính quyền nhiều địa phương cho hay, dù rất muốn thúc đẩy công tác “giải cứu di tích” nhưng vì thiếu kinh phí, quỹ đất… cùng những vướng mắc khác do “lịch sử để lại” nên đến giờ, công tác này vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Hà Đông Phạm Đức Hòa, cho biết: UBND quận Hà Đông đã nhiều lần tổ chức vận động, thuyết phục các hộ dân sống trong di tích chuyển ra ngoài nhưng do những vướng mắc về kinh phí, thủ tục nên đến giờ công tác này vẫn “giậm chân tại chỗ”.

Làm rõ trách nhiệm, kiên quyết xử lý vi phạm

Theo ước tính của Sở VH-TT Hà Nội, để di dời hơn 1.200 hộ dân ra khỏi di tích, cần hơn 1.700 tỷ đồng bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng (chưa tính các cơ quan, đơn vị). Đây là câu chuyện không dễ dàng. Phó Giám đốc Sở VH-TT Trương Minh Tiến nhấn mạnh: Cần phải có lộ trình trong việc di dời dân, trả lại không gian cho di tích. Sở VH-TT Hà Nội đang tích cực tham mưu cho UBND thành phố và các địa phương xây dựng kế hoạch di dời các hộ dân ra khỏi di tích theo từng giai đoạn; đề xuất điều chỉnh, bổ sung quy định cho phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, chính quyền địa phương cũng cần có phương án quản lý tốt, không để phát sinh vi phạm, gây thêm khó khăn cho công tác bảo vệ di tích.

Thực tế cho thấy công tác quản lý địa bàn giữ vai trò quan trọng trong vấn đề nói trên. Bởi vậy, chính quyền địa phương cần tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm, tích cực phối hợp với các ban, ngành chức năng để từng bước tháo gỡ khó khăn trong công tác di dời cũng như xử lý dứt điểm vi phạm, ngăn chặn tình trạng "nhờn" luật. Mặt khác, do công tác di dời dân ra khỏi di tích có tính phức tạp, cần nhiều điều kiện để đáp ứng nên trước mắt cần tập trung cho những di tích quan trọng, di tích bị xuống cấp nghiêm trọng. Ở những nơi chưa thể thực hiện di dời do số lượng hộ cần di chuyển lớn thì cần điều chỉnh, khoanh vùng, tạo điều kiện cho việc quản lý di tích tốt hơn. Điều quan trọng nhất là làm rõ trách nhiệm cụ thể của cá nhân, đơn vị để xảy ra tình trạng vi phạm mới, gây bức xúc trong dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Di tích chờ "giải cứu"...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.