Theo dõi Báo Hànộimới trên

Liệu có phù hợp thực tiễn?

Ngân - Nga| 16/06/2018 08:10

(HNM) - Trước tình trạng học sinh bị đuối nước ngày càng gia tăng trong những năm gần đây, mới đây dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao đã nêu vấn đề cần quy định môn bơi trở thành môn học bắt buộc trong nhà trường.

Một buổi dạy bơi cho học sinh tiểu học tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao quận Hà Đông. Ảnh: Tư Văn


Chị Vũ Thu Hương - Giáo viên Trường THPT Lý Thường Kiệt (quận Long Biên):
Cần cân nhắc kỹ lưỡng


Theo thống kê của Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế), mỗi năm ở nước ta có khoảng 370.000 trẻ em bị tai nạn, thương tích. Trong đó, trẻ em tử vong do đuối nước lên tới 3.500 trẻ. Cứ mỗi dịp hè về phu huynh lại nơm nớp nỗi lo con trẻ bị đuối nước, nhiều vụ đuối nước tập thể thương tâm xảy ra mà nguyên nhân do các em không biết bơi hoặc bơi chưa thành thục. Thực trạng này khiến nhu cầu phổ cập bơi trong nhà trường càng trở nên cấp thiết. Mặt khác, bơi lội không chỉ là một môn thể dục giúp nâng cao sức khỏe, thể trạng của học sinh, mà còn là môn học kỹ năng sinh tồn. Tuy nhiên, bất cứ việc đưa thêm một môn học bắt buộc nào vào hệ thống giáo dục cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng về điều kiện, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và khả năng tài chính của ngành Giáo dục cũng như phụ huynh học sinh.

Theo tôi, trong bối cảnh hầu hết các trường từ cấp tiểu học đến THPT trên địa bàn Hà Nội còn chưa đủ điều kiện về cơ sở vật chất và kinh phí để xây dựng bể bơi 4 mùa, nên việc đưa môn bơi trở thành môn học bắt buộc sẽ khó khả thi. Ở khu vực vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế còn khó khăn, phụ huynh chỉ lo tiền ăn học cho con còn chưa đủ, lấy đâu ra kinh phí để đóng góp cho con học bơi? Nên chăng, tùy vào điều kiện của từng vùng miền, từng trường học để khuyến khích việc dạy và học bơi cho trẻ, sao cho phù hợp điều kiện thực tế của địa phương, nhà trường và phụ huynh học sinh. Bên cạnh đó, nhà trường cần đẩy mạnh tuyên truyền, có hình thức khuyến khích như cộng điểm thể dục đối với học sinh biết bơi... để các gia đình chủ động sắp xếp cho con theo học.

Ông Phạm Đức Hải - Chung cư Mon City, phường Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm):
Thực hiện theo lộ trình


Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay chỉ có từ 0,4 đến 0,6% các trường cấp phổ thông và khoảng 13% các trường đại học có xây dựng bể bơi trong trường. Một con số quá nhỏ cho thấy việc xây dựng bể bơi trong hệ thống trường học dường như vẫn là điều “xa xỉ”. Đúng là rất nghịch lý khi tỷ lệ học sinh biết bơi ở nước ta còn quá thấp, trong khi về điều kiện địa lý chúng ta sở hữu hàng nghìn ki lô mét bờ biển trải dài từ Bắc chí Nam. Ở các nước phát triển, kỹ năng bơi lội được phổ cập trong trẻ em từ rất sớm. Thậm chí, nhiều trẻ biết bơi trước khi biết đi.

Tuy nhiên, việc đưa môn bơi trở thành môn học bắt buộc trong nhà trường đòi hỏi một nguồn ngân sách rất lớn. Bên cạnh đó, các trường phải có quỹ đất đủ rộng, đội ngũ giáo viên đủ trình độ đáp ứng nhu cầu, và trong trường hợp xã hội hóa thì kinh phí sẽ dồn vào phụ huynh học sinh với khoản chi không nhỏ… Vì vậy, cho dù môn bơi là rất cần thiết để nâng cao sức khỏe, cải thiện thể trạng và rèn kỹ năng sống cho học sinh, nhưng việc đưa môn học này vào chương trình chính khóa cần phải được thực hiện theo lộ trình. Nếu cứ áp đặt một cách khiên cưỡng thì các trường vẫn sẽ làm, nhưng chỉ theo hình thức đối phó, không hiệu quả.

Chị Phạm Bích Hà (quận Đống Đa):
Không chỉ là tờ giấy chứng nhận


Mấy năm trước, gia đình tôi ở quận Thanh Xuân, trường học của con trai lớn tổ chức dạy bơi ngay tại trường bằng bể bơi thông minh. Con trai tôi có trong danh sách học bơi và dù rất nỗ lực nhưng cháu chỉ hoàn thành khóa học ở mức độ trung bình. Điều đáng nói, sau khóa học, cháu không bơi lội thường xuyên nên vẫn là đứa trẻ “nhát” nước. Thực tế này cho thấy, vấn đề không đơn giản chỉ là tờ giấy chứng nhận hoàn thành phổ cập bơi trong nhà trường...

Năm nay, tôi chuyển nhà đến quận Đống Đa, con thứ hai của tôi đang học tiểu học cũng được thông báo tham gia học bơi. Nhưng vì không có bể bơi nên nhà trường đã liên hệ với nơi có bể bơi để phụ huynh đưa đón con đến tập bơi. Nếu ai không có điều kiện đưa đón con thì nhà trường thuê xe đưa học sinh đi. Tổng kinh phí học bơi lên đến hàng triệu đồng/học sinh, không phải ai cũng có đủ điều kiện. Tôi thấy, nếu muốn đưa môn bơi thành môn bắt buộc trong nhà trường thì cần giải quyết những bất cập hiện nay về kinh phí đầu tư và diện tích xây dựng bể bơi trong nhà trường. Và khi tính toán xây dựng luật quy định việc phổ cập bơi trong nhà trường cần phải đề cập đến trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan cùng đóng góp công sức chứ không chỉ phụ huynh phải lo toàn bộ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Liệu có phù hợp thực tiễn?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.