Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công trình nước sạch ở xã Kim Lan (huyện Gia Lâm): Vì sao người dân thờ ơ?

Bài, ảnh: Kim Vũ| 21/06/2018 07:10

(HNM) - Năm 2003, xã Kim Lan (huyện Gia Lâm) được đầu tư xây dựng trạm cấp nước sạch. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 35% hộ dân trong xã dùng nguồn nước sạch này.

Trạm cấp nước sạch tại xã Kim Lan đã xuống cấp.


Người dân thờ ơ

Năm 2003, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội có Quyết định số 29/QĐ-KH&ĐT về việc phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sạch xã Kim Lan, do Ban Quản lý Dự án huyện Gia Lâm làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, đến năm 2012, dự án vẫn chưa thể vận hành cấp nước cho các hộ dân do thiếu hệ thống đường ống tuyến nhánh, các hạng mục không đồng bộ, hư hỏng nên không thể vận hành cấp nước. Trước tình hình đó, UBND TP Hà Nội và UBND huyện Gia Lâm đã có chủ trương kêu gọi các doanh nghiệp vào tiếp nhận đầu tư, nhằm sớm đưa hệ thống vào vận hành cấp nước cho nhân dân. Ngày 20-12-2013, UBND TP Hà Nội ban hành Văn bản số 9743/UBND-NNNT giao cho Công ty Ngọc Hải tiếp nhận, quản lý và khai thác hệ thống cấp nước sạch xã Kim Lan. Tiếp đó, ngày 5-4-2017, UBND thành phố ban hành Quyết định số 2106/QĐ-UBND chấp thuận cho Công ty Ngọc Hải đầu tư dự án "Tiếp nhận, đầu tư nâng cấp mở rộng hệ thống cấp nước sạch xã Kim Lan".

Ngày 10-7-2017, Công ty Ngọc Hải đã hoàn thành khôi phục khu đầu mối gồm 2 giếng khai thác và hệ thống lọc nước, bảo đảm tiêu chuẩn nước sạch tập trung, công suất 1.500m3/ ngày đêm. Tuy nhiên, tiến độ thi công của doanh nghiệp này quá ì ạch nên chỉ có các hộ dân ở 5/8 thôn được tiếp cận nước sạch. Đến nay, mới có 500/1.800 hộ sử dụng nước sạch, các hộ còn lại tỏ ra thờ ơ. Lý giải điều này, chị Nguyễn Thị Lan, người dân trong xã cho biết: "Chúng tôi chờ đợi mãi không thấy nước sạch nên đã đầu tư bể lọc, máy lọc để sử dụng nước giếng khoan". Ngoài ra, theo người dân, nếu muốn dùng nước sạch thì phải mất thêm chi phí để lắp đường ống từ trục chính về gia đình và đồng hồ đo nước khá tốn kém. Do vậy, nhiều hộ thay vì lắp đặt đường ống để sử dụng nước sạch đã chấp nhận bỏ chi phí mua máy lọc để dùng nước giếng khoan. Tuy nhiên, không ít trường hợp vẫn muốn đầu tư để sử dụng nguồn nước sạch. Vậy nhưng, do một số nhà ở ngõ sâu, không có hệ thống tuyến nhánh nên tạm thời vẫn phải dùng nước giếng khoan...

Giải pháp nào?

Được biết, ngày 15-1-2018, Công ty Ngọc Hải có văn bản gửi UBND thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội báo cáo tiến độ thực hiện tiếp nhận đầu tư cấp nước sạch xã Kim Lan. Theo báo cáo, hệ thống nước sạch hiện tại có thể cấp cho 1.350/1.800 hộ và khu trung tâm xã có mạng lưới đường ống cấp nước đến cổng các hộ sử dụng. Tuy nhiên, chỉ có 810 hộ đăng ký sử dụng và thực tế chỉ có 500/1.800 hộ đang dùng nước sạch. Nguyên nhân chính là do công ty chưa nhận được bàn giao mặt bằng xây dựng khu xử lý bùn lắng sau nhà máy và hiện vẫn còn một số tuyến đường do các hộ dân xây dựng lấn chiếm vỉa hè, mất nhiều thời gian giải tỏa thì mới thi công được. Ngoài ra, sự chậm trễ còn do đơn vị này gặp khó khăn về vốn do chưa thể tiếp cận vay vốn ngân hàng hay các tổ chức tín dụng.

Lý do là vậy, nhưng theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Huệ, Chủ tịch UBND xã Kim Lan thì năng lực của Công ty Ngọc Hải hạn chế nên mới xảy ra sự chậm trễ trên. UBND xã đã nhiều lần kiến nghị UBND huyện xem xét, thay thế chủ đầu tư, sớm hoàn thiện dự án. Theo Phòng Quản lý đô thị huyện Gia Lâm, từ tháng 11-2016, dự án đã lắp đặt đồng hồ nước sạch tới 60% hộ dân. Tuy nhiên, đến thời điểm ngày 24-10-2017, khi UBND thành phố yêu cầu Công ty Ngọc Hải tạm dừng đầu tư dự án thì số hộ dân chính thức dùng nước sạch chỉ chiếm trên 35%. Như vậy, sau gần một năm (từ tháng 11-2016 đến tháng 10-2017), số hộ đăng ký nhưng không sử dụng nước sạch giảm dần. Bà Nguyễn Thị Huệ cho biết thêm, hiện dự án đang tạm dừng để chờ kết luận của Thanh tra TP Hà Nội theo Quyết định số 48 QĐ/TTTP ngày 5-1-2018 về việc thanh tra các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung có sử dụng vốn ngân sách nhà nước đầu tư trên địa bàn huyện Gia Lâm...

Ông Nguyễn Ngọc Thuần, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cho biết, Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống giai đoạn 1, với công suất 150.000m3/ ngày đêm sẽ được khánh thành vào tháng 10-2018, cung cấp nước sạch cho khu vực phía Đông Bắc Hà Nội. Theo ông Thuần, nếu chủ đầu tư là Công ty cổ phần Nước mặt sông Đuống thực hiện đúng cam kết thì nước sạch sẽ "phủ sóng" toàn huyện Gia Lâm, trong đó có xã Kim Lan. Tuy nhiên, điều lo lắng là việc lắp đặt hệ thống đường ống cấp nước đến cổng các hộ có thuận lợi hay không, nếu không được hỗ trợ tích cực thì khó thu hút được người dân dùng nước sạch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công trình nước sạch ở xã Kim Lan (huyện Gia Lâm): Vì sao người dân thờ ơ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.