Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bao giờ xử lý dứt điểm?

Trung Nguyên| 07/01/2017 07:51

(HNM) - Những năm qua, trên địa bàn xã Cổ Đông (thị xã Sơn Tây) xảy ra nhiều trường hợp vi phạm đất đai, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất (SDĐ), xây công trình trên đất nông nghiệp, vi phạm Luật Đất đai, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thực hiện các dự án cấp đất giãn dân của địa phương.


Xử lý trên giấy

Mặc dù trên địa bàn xã Cổ Đông xuất hiện nhiều trường hợp vi phạm xây nhà trên đất nông nghiệp, UBND xã cũng đã phát hiện, lập biên bản vi phạm hành chính, thậm chí ra quyết định cưỡng chế, nhưng thực tế, việc xử lý vi phạm vẫn chỉ nằm… trên giấy! Nhiều trường hợp là cán bộ thôn nhưng lại vi phạm. Cụ thể: Gia đình ông Nguyễn Thế Kỷ - bà Nguyễn Thị Hải ở thôn Đồng Trạng. Ông Kỷ là Phó Trưởng thôn Đồng Trạng. Đầu năm 2016, ông Kỷ - bà Hải đã xây nhà cấp 4 (diện tích 80m2) trên đất trồng cây lâu năm. Tháng 3-2016, UBND xã Cổ Đông phát hiện, lập biên bản, ra quyết định cưỡng chế tháo dỡ vi phạm. Ông Kỷ khiếu nại quyết định của UBND xã. Ngày 26-8-2016, UBND xã ra Quyết định số 128/QĐ-UBND, về việc giải quyết khiếu nại của ông Nguyễn Thế Kỷ, nội dung khẳng định “việc hộ ông Kỷ - bà Hải tự ý chuyển mục đích SDĐ, xây dựng nhà trên đất nông nghiệp khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép là vi phạm Luật Đất đai. Khiếu nại của ông Kỷ là không có cơ sở…”. Tuy nhiên, từ khi ra quyết định đến nay, UBND xã cũng chưa có động thái xử lý dứt điểm vi phạm. Cũng ở thôn Đồng Trạng, còn có trường hợp hộ ông Nguyễn Quang Sáng - Bí thư Chi bộ thôn, năm 2015 đã xây nhà cấp 4 trên đất nông nghiệp. UBND xã đã phát hiện hành vi vi phạm của gia đình ông Sáng, nhưng không lập hồ sơ, không xử lý vi phạm.

Trong các năm 2002 và 2006, xã Cổ Đông thực hiện các dự án cấp đất giãn dân ở khu Gò Ràng Nương Củ và khu Đồng Chương. Nhưng những công trình vi phạm đất đai, vi phạm trật tự xây dựng (TTXD) không được chính quyền địa phương xử lý, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thực hiện các dự án. Như trường hợp các hộ gia đình bà Nguyễn Thị Phụ, Nguyễn Thị Lý, năm 2001 xây công trình trên phần diện tích đất đã được quy hoạch, phân lô cấp đất giãn dân khu Đồng Chương. Năm 2004, UBND thị xã Sơn Tây tổ chức cưỡng chế giải tỏa vi phạm. Nhưng đến năm 2006, gia đình bà Phụ lại tiếp tục tái xây dựng công trình nhà, xưởng với diện tích 84,6m2. Công trình này đã xây vào một phần diện tích quy hoạch của lô đất từ số 7 đến số 12 và một phần lô số 13; hoặc như trường hợp gia đình bà Nguyễn Thị Hành - ông Nguyễn Tiến Huệ (nguyên Bí thư Đảng ủy xã), được phân vào lô đất số 7 (phần đất bà Phụ đã xây nhà). Nhưng hộ bà Hành - ông Huệ không xây dựng nhà theo quy hoạch phân lô, mà tự ý xây nhà kiên cố trên phần đất của các lô số 15 và 16…

Buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm


Việc chính quyền xã Cổ Đông để cho các trường hợp vi phạm tiếp diễn xảy ra và ngang nhiên tồn tại nhiều năm đã gây bức xúc trong nhân dân địa phương. Trước tình trạng trên, UBND thị xã Sơn Tây đã thành lập các đoàn kiểm tra. Riêng đối với các trường hợp vi phạm TTXD, trong các tháng 5, 8 và 12-2016, UBND thị xã ra các văn bản chỉ đạo, đôn đốc xã Cổ Đông tổ chức kiểm điểm lãnh đạo, cán bộ xã do chưa làm hết trách nhiệm trong công tác xử lý vi phạm hành chính; thiết lập, hoàn thiện hồ sơ xử lý vi phạm… Nhưng không hiểu sao, đến nay các trường hợp vi phạm TTXD ở xã Cổ Đông chưa được xử lý dứt điểm, những nội dung UBND thị xã Sơn Tây đã chỉ đạo cũng chưa được UBND xã báo cáo?

Đối với các công trình vi phạm làm ảnh hưởng đến quy hoạch phân lô, cấp đất giãn dân, hiện Đoàn công tác của UBND thị xã Sơn Tây đang kiểm tra việc giải phóng mặt bằng và xét duyệt giao đất, cấp sổ đỏ tại khu Gò Ràng Nương Củ và khu Đồng Chương. Theo bà Dương Thị Thanh - Phó Chánh Thanh tra thị xã Sơn Tây - Trưởng đoàn công tác: Hiện Đoàn công tác đang thu thập hồ sơ, tài liệu, làm việc với các trường hợp liên quan trong việc thực hiện dự án để xác minh nguồn gốc, đo đạc hiện trạng đất đai làm căn cứ điều chỉnh quy hoạch… Ngoài những vướng mắc về các công trình vi phạm TTXD trên địa bàn xã làm ảnh hưởng đến việc giải phóng mặt bằng, thực hiện cấp đất giãn dân của các dự án, thì khó khăn hiện nay là hồ sơ lưu tại UBND xã Cổ Đông không đầy đủ. Đội ngũ lãnh đạo, cán bộ trực tiếp thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, xét duyệt giao đất giãn dân khu Gò Ràng Nương Củ và khu Đồng Chương từ xã đến thôn nay đã thay đổi…

Sự việc cho thấy, rõ ràng UBND xã Cổ Đông đã buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong công tác xử lý vi phạm đất đai và gây khó khăn trong việc thực hiện các dự án tại địa phương. Đến bao giờ, các trường hợp vi phạm nêu trên mới được xử lý dứt điểm?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bao giờ xử lý dứt điểm?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.