Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải quyết khiếu nại, tố cáo phải theo quy định pháp luật

Kim Văn thực hiện| 10/07/2017 06:54

(HNM) - Những năm gần đây, tình hình tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai diễn biến khá phức tạp. Tranh chấp trong quá trình chuyển nhượng hoặc do lấn chiếm, chuyển đổi mục đích sử dụng đất đai… ở một số địa phương còn gây phức tạp về an ninh trật tự.


Trao đổi về công tác quản lý, sử dụng đất đai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Đào Trung Chính cho rằng, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

- Thưa ông, theo quy định của Luật Đất đai, cơ quan nào có thẩm quyền giao đất? Đối với đất chưa xây dựng thì quản lý, xử lý như thế nào?

- Theo Điều 59 của Luật Đất đai năm 2013 thì UBND cấp tỉnh có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo; UBND cấp huyện có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư; UBND cấp xã có thẩm quyền cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn. Đối với “đất để không chưa xây dựng” được hiểu theo quy định của pháp luật về đất đai có hai trường hợp gồm: Một là đất chưa giao, chưa cho thuê mà do cơ quan nhà nước, tổ chức đang quản lý theo thẩm quyền.

Với quỹ đất này, các cơ quan có thẩm quyền giao đất căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện đã được UBND cấp tỉnh phê duyệt để quyết định giao đất, cho thuê đất. Trường hợp kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện đã được UBND cấp tỉnh phê duyệt vẫn xác định là đất chưa sử dụng thì giao cho cơ quan, tổ chức theo quy định quản lý. Hai là, đất đã giao, cho thuê nhưng người sử dụng đất không sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư thì tùy theo loại đất, tính chất vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc thu hồi, giao cho trung tâm phát triển quỹ đất quản lý, sau đó đưa vào sử dụng theo kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện đã được UBND cấp tỉnh phê duyệt.

- Một tổ chức khi kê khai xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có diện tích tăng so với quyết định giao đất của cơ quan có thẩm quyền thì được xử lý thế nào, thưa ông?

- Theo quy định tại Điều 102 của Luật Đất đai năm 2013, Điều 25 của Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15-5-2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai năm 2013 của Chính phủ thì trường hợp tổ chức đang sử dụng đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải thực hiện rà soát, kê khai hiện trạng sử dụng đất và báo cáo UBND cấp tỉnh nơi có đất. Trên cơ sở báo cáo hiện trạng sử dụng đất của tổ chức, UBND cấp tỉnh nơi có đất kiểm tra tình hình thực tế sử dụng đất và quyết định xử lý.

Theo quy định tại Khoản 5 Điều 98 của Luật Đất đai năm 2013, trường hợp có sự chênh lệch diện tích giữa số liệu đo đạc thực tế với số liệu ghi trên giấy tờ quy định tại Điều 100 của luật này hoặc giấy chứng nhận đã cấp mà ranh giới thửa đất đang sử dụng không thay đổi so với ranh giới thửa đất tại thời điểm có giấy tờ về quyền sử dụng đất, không có tranh chấp với những người sử dụng đất liền kề thì khi cấp giấy chứng nhận diện tích đất được xác định theo số liệu đo đạc thực tế. Người sử dụng đất không phải nộp tiền sử dụng đất đối với phần diện tích chênh lệch nhiều hơn (nếu có).

Trường hợp đo đạc lại mà ranh giới thửa đất có thay đổi so với ranh giới thửa đất tại thời điểm có giấy tờ về quyền sử dụng đất và diện tích đất đo đạc thực tế nhiều hơn diện tích ghi trên giấy tờ về quyền sử dụng đất thì phần diện tích chênh lệch nhiều hơn (nếu có) được xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định tại Điều 99 của Luật Đất đai, Điều 25 của Nghị định 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

- Nếu có tranh chấp, khiếu kiện, sau khi có kết luận thanh tra đất đai của cấp có thẩm quyền, các bước tiếp theo sẽ thực hiện như thế nào?

- Sau khi có kết luận thanh tra đất đai của cấp có thẩm quyền, các bước tiếp theo thực hiện như sau: Đối với người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm: Thực hiện việc công khai kết luận thanh tra và cung cấp kết luận thanh tra cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khi có yêu cầu (theo quy định tại Điều 39 Luật Thanh tra năm 2010 và Điều 31, Điều 36 Nghị định 86/NĐ-CP ngày 22-9-2011 của Thủ tướng Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra); xử lý và chỉ đạo việc thực hiện kết luận thanh tra (theo Điều 40 Luật Thanh tra 2010); theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện kết luận thanh tra theo quy định (theo quy định Điều 56, 57 Nghị định 86/NĐ-CP ngày 22-9-2011 của Thủ tướng Chính phủ).

Đối với đối tượng thanh tra: Có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh nghĩa vụ, trách nhiệm của mình được ghi trong kết luận thanh tra; báo cáo kết quả thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra với cơ quan Thanh tra Nhà nước, cơ quan nhà nước đã có kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện đó (theo quy định tại Điều 53 Nghị định 86/NĐ-CP ngày 22-9-2011 của Chính phủ).

Đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thực hiện kết luận thanh tra: Có trách nhiệm áp dụng các biện pháp để thực hiện nghiêm chỉnh nghĩa vụ, trách nhiệm của mình được ghi trong kết luận, quyết định xử lý về thanh tra; báo cáo kết quả thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra với cơ quan Thanh tra Nhà nước, cơ quan nhà nước đã có kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện đó (theo quy định tại Điều 54 Nghị định 86/NĐ-CP ngày 22-9-2011 của Chính phủ).

- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải quyết khiếu nại, tố cáo phải theo quy định pháp luật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.