Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở tại huyện Thạch Thất: Còn nhiều vướng mắc

Trung Nguyên| 12/07/2017 06:36

(HNM) - Hiện nay, vấn đề nan giải của nhiều xã trên địa bàn huyện Thạch Thất là việc chứng minh nghĩa vụ tài chính đối với thửa đất.

Tại địa bàn xã Bình Phú, trong số 169 thửa đất chưa cấp giấy chứng nhận, có 32 thửa do tranh chấp, chưa thống nhất được người đứng tên và đo sai hình thể thửa đất, còn lại 137 thửa giao trái thẩm quyền, nhưng không chứng minh được nghĩa vụ tài chính. UBND xã thành lập các tổ công tác xác minh, bước đầu hoàn thiện được 78/137 hồ sơ chuyển Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thạch Thất. Sau khi thẩm định, Phòng Tài nguyên và Môi trường đã chuyển 36 hồ sơ cho cơ quan Thanh tra huyện xác minh, khi có kết luận, sẽ tiếp tục xin ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.

Theo ông Nguyễn Bá Công, cán bộ địa chính xã Bình Phú: Nhiều trường hợp khó chứng minh được nghĩa vụ tài chính. Nguyên nhân là do khoảng năm 1985, một số hộ gia đình góp ao nhỏ thành ao lớn cho hợp tác xã, được hưởng một suất đất ở; hoặc gia đình chính sách, gia đình đông con được đổi vật liệu là đá ong, cát sỏi, xăng dầu… để lấy một suất đất ở. Danh sách những hộ này chủ yếu do đội sản xuất lập, nên không lưu hồ sơ tại ủy ban xã. Hay như năm 1989, huyện Thạch Thất thực hiện chủ trương cấp đất ở cho những hộ dân xã Bình Phú, được Sở Quản lý ruộng đất và Đo đạc thời điểm đó đề nghị UBND TP Hà Nội duyệt “đồng ý cho xã Bình Phú sử dụng 9.980m2 đất cấp cho 70 hộ dân, trong đó 7.920m2 làm nhà ở, còn lại là đường đi…”. Nhưng trong các quyết định, văn bản của thành phố, sở và huyện đều không có danh sách các hộ gia đình được cấp đất…

Tương tự, xã Phú Kim còn 204 thửa không chứng minh được nghĩa vụ tài chính, 204 thửa chưa được đo đạc bản đồ năm 2001, nằm trên địa bàn các thôn Phú Nghĩa, Bách Kim, Nội Thôn, Ngoại Thôn... Ngoài ra, xã còn một số tồn tại liên quan đến các quyết định cấp đất giãn dân từ năm 2002-2007, do có tình trạng giao đất không đúng quy hoạch phân lô, chưa giải phóng hết mặt bằng tại khu Ao Dược, Cổng Dược, Ao Quan (thôn Phú Nghĩa), Đồng Lồ (thôn Thúy Lai)… Chủ tịch UBND xã Phú Kim Cấn Văn Hồng cho biết: Đối với những thửa đất giao không đúng quy hoạch phân lô, đo bao đo sai hình thể, xã đề nghị huyện cho trích đo hiện trạng để phục vụ việc công nhận quyền sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận. Riêng 204 hộ kê khai chưa có số thửa trong bản đồ năm 2001, xã đang đề nghị huyện cho đo đạc lập bản đồ và rà soát, nếu phù hợp quy hoạch đất ở khu dân cư, sẽ hoàn thiện hồ sơ cấp giấy chứng nhận.

Hiện trên địa bàn huyện Thạch Thất còn 2.012 thửa đất giao không đúng thẩm quyền mất phiếu thu, hoặc giao đất ở nhưng viết phiếu thu là giao thầu đất nông nghiệp, cần chứng minh nghĩa vụ tài chính; 130 thửa giao không đúng thẩm quyền không phù hợp quy hoạch đang chờ sở, ngành chức năng có thẩm quyền hướng dẫn giải quyết…

Theo Chánh Thanh tra huyện Thạch Thất Đinh Văn Chiến: “Đầu tháng 6-2017, Thanh tra huyện được giao hơn 200 hồ sơ cần chứng minh nghĩa vụ tài chính để thanh tra, kiểm tra. Sau khi thành lập 4 tổ công tác xác minh, đến nay Thanh tra huyện mới kết thúc và chuyển lên UBND huyện được 11 hồ sơ…”. Như vậy, các hộ dân trên địa bàn huyện Thạch Thất có nhu cầu được cấp giấy chứng nhận, nhưng không chứng minh được nghĩa vụ tài chính đối với thửa đất, sẽ thêm nỗi băn khoăn, bởi theo quy định phải nộp 50% tiền sử dụng đất trong hạn mức và 100% ngoài hạn mức.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở tại huyện Thạch Thất: Còn nhiều vướng mắc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.