Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng đối thoại, gỡ vướng giải phóng mặt bằng

Trung Hiếu| 12/08/2017 06:19

(HNM) - Quận Hoàng Mai đang đẩy nhanh tiến độ, quyết tâm đến hết năm nay sẽ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 2,5, đoạn từ Đầm Hồng đến quốc lộ 1A. Tuy nhiên, để mục tiêu này sớm trở thành hiện thực thì cần tăng cường công tác đối thoại để giải quyết dứt điểm những vướng mắc, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Dự án đường Vành đai 2,5 trên địa bàn quận Hoàng Mai đến nay vẫn chưa giải phóng mặt bằng xong.


Dự án đường Vành đai 2,5, đoạn Đầm Hồng - quốc lộ 1A (thuộc địa bàn quận Hoàng Mai) có chiều dài hơn 2km, mặt cắt đường là 40m. Quận Hoàng Mai có nhiệm vụ thu hồi hơn 58.411m2/67.125m2 đất (trong đó phường Định Công có diện tích thu hồi là 51.333m2, phường Thịnh Liệt thu hồi 7.079m2). Dự án được khởi công từ tháng 3-2014, đầu tư theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) với mức đầu tư gần 1.300 tỷ đồng. Đến nay, theo ông Giang Chí Trung, Trưởng ban Giải phóng bặt bằng (GPMB) quận Hoàng Mai, quận đã phê duyệt được hơn 40.000/58.411m2. Phần diện tích còn lại chưa GPMB là do có đơn thư kiến nghị của một số hộ dân.

Cụ thể các ý kiến nêu: Chính quyền địa phương đã không công khai hồ sơ quy hoạch theo Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg ngày 20-6-1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 và Quyết định số 104/QĐ-UB ngày 24-7-2002 của UBND thành phố về phê duyệt chỉ giới đường đỏ đường Vành đai 2,5. Một số ý kiến cho rằng theo các bản vẽ quy hoạch, mốc giới điều chỉnh chưa được phê duyệt, tim đường thực hiện chưa được công khai; biên bản cuộc họp với các hộ dân ngày 7-9-2016 không được gửi đến cho các hộ gia đình...

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Giang Chí Trung cho biết, ngày 8-9-2016 quận đã công khai thông tin và tổ chức đối thoại với người dân để làm rõ những khúc mắc trong quá trình thực hiện dự án. Với những kiến nghị về mốc giới, chỉ giới thu hồi đất, quận đã có văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị giải đáp. Chủ đầu tư và Chi nhánh phát triển quỹ đất Hoàng Mai đã liên hệ hoàn thiện thủ tục khôi phục mốc giới để có cơ sở tiếp tục triển khai công tác GPMB. Ngày 30-3-2017, Sở Tài nguyên và Môi trường đã bàn giao lại mốc giới thực hiện dự án để quận tuyên truyền vận động các hộ dân chấp hành quyết định thu hồi đất.

Về thông tin có sự dịch chuyển chỉ giới đường đỏ đường Vành đai 2,5, ông Trung nhấn mạnh: "Hoàn toàn không có chuyện này". Những tiếp cận của chúng tôi với các văn bản, tài liệu cũng cho thấy điều đó. Cụ thể, liên ngành Sở Quy hoạch - Kiến trúc và Viện Quy hoạch xây dựng đã có Văn bản số 6432/LN-QHKT-VQH ngày 27-10-2016 khẳng định, vị trí, hướng tuyến, quy mô tuyến đường được xác định thống nhất trong các đồ án quy hoạch, dự án đầu tư liên quan trong suốt các thời kỳ, không có sự thay đổi.

Còn Sở Giao thông - Vận tải có Văn bản số 4450/SGTVT-KHĐT ngày 2-11-2016 cũng khẳng định chỉ giới này hoàn toàn tuân thủ và phù hợp với quy hoạch chung Thủ đô. Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội có Văn bản số 550/ STNMT-CCQLĐĐ ngày 20-1-2017, qua đó cho thấy phạm vi ranh giới, mốc giới đất thu hồi để thực hiện dự án giữa quyết định thu hồi đất và bản vẽ chỉ giới đường đỏ là thống nhất và trùng khớp.

Mới đây nhất, ngày 16-5-2017, UBND thành phố có Văn bản số 2370/UBND-ĐT trả lời kiến nghị của các hộ dân nằm trong phạm vi chỉ giới mở đường của tuyến đường Đầm Hồng - quốc lộ 1A thuộc các phường Định Công, Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai), trong đó khẳng định, hướng tuyến, vị trí và quy mô tuyến đường Vành đai 2,5 được xác định thống nhất trong các đồ án quy hoạch, dự án đầu tư liên quan trong suốt các thời kỳ, không có sự thay đổi.

Có thể thấy, những khúc mắc, kiến nghị của người dân khi thực hiện dự án đường Vành đai 2,5 trên địa bàn quận Hoàng Mai đã được giải đáp nhiều lần. Hiện tại, còn một số khó khăn, vướng mắc ở các trường hợp cụ thể, ngày 28-7-2017 quận đã có Văn bản số 1964/UBND-BBT, gửi Ban Chỉ đạo GPMB thành phố đề xuất phương án giải quyết và đang chờ hồi âm.

Vấn đề hiện nay là đối với những vấn đề phức tạp như GPMB, khi người dân chưa nắm rõ thì chính quyền địa phương cần tiếp tục có sự thông tin, tăng cường đối thoại, tạo sự đồng thuận cao. Đây cũng là cách đẩy nhanh công tác GPMB dự án này vào cuối năm 2017 như mục tiêu đề ra.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tăng đối thoại, gỡ vướng giải phóng mặt bằng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.