Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao năng lực quản lý đất đai

Đỗ Minh| 23/07/2018 07:12

(HNM) - Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, những năm qua, đặc biệt, sau khi Luật Đất đai năm 2013 chính thức có hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai ngày càng được nâng lên rõ rệt.


Các quyết định, quy định của Nhà nước liên quan đến đất đai được thực hiện trên thực tế ngày càng cao hơn; ý thức chấp hành pháp luật về đất đai ngày càng được nâng lên. Đặc biệt, những bất cập về bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất từng bước được khắc phục. Việc thanh tra, kiểm tra thực hiện Luật Đất đai đã được thực hiện thường xuyên, kịp thời phát hiện, xử lý những sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai...

Mặc dù đạt được những kết quả khả quan, song việc quản lý đất đai vẫn tồn tại những khó khăn, vướng mắc. Theo thống kê về khiếu nại, tố cáo, có hơn 60% vụ việc liên quan đến đất đai. Sau khi có Luật Đất đai 2013, khiếu nại, tố cáo về đất đai có giảm đi nhưng vẫn là một vấn đề "nóng".

Tại buổi làm việc với Sở TN&MT Hà Nội mới đây về những khó khăn, vướng mắc trong quản lý đất đai, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) Nguyễn Thị Kim Oanh cho biết, công tác quản lý đất đai trên địa bàn quận còn gặp khó khăn, trọng tâm là một số trường hợp về xác định nguồn gốc đất, thời điểm sử dụng đất hay việc xác định nghĩa vụ tài chính khi được giao đất. Bên cạnh đó, các hộ gia đình, cá nhân không cung cấp được chứng từ chứng minh việc đã nộp nghĩa vụ tài chính theo quy định. Ngoài ra, còn những khó khăn về xác định thời điểm sử dụng đất…

Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa, Luật Đất đai 2013 hiện đã đi vào thực tiễn và công tác quản lý đất đai đạt được những hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, bên cạnh đó, Luật Đất đai 2013 vẫn còn nhiều bất cập, tình trạng vi phạm chính sách, pháp luật về đất đai còn khá phổ biến; khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai là nguy cơ gây ra những bất ổn trong xã hội… Vì thế, Bộ TN&MT đang cùng các bộ, ngành tiếp tục thảo luận, kiến nghị nhằm hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai 2013.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT) cho biết, để các địa phương triển khai hiệu quả công tác quản lý đất đai, từ năm 2015-2017, Bộ TN&MT, Tổng cục Quản lý đất đai đã trực tiếp triển khai một số nội dung và ban hành văn bản chỉ đạo các tỉnh. Cụ thể, Bộ đã ban hành Văn bản số 3215/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 5-8-2015 về việc tăng cường kiểm tra, giám sát và xây dựng hệ thống theo dõi, đánh giá đối với hoạt động quản lý, sử dụng đất đai; Tổng cục Quản lý đất đai đã ban hành Công văn số 1660/TCQLĐĐ-CKSQLSDĐĐ ngày 9-11-2015 và Công văn số 1678/TCQLĐĐ-CKSQLSDĐĐ ngày 31-8-2016 về việc hướng dẫn lập báo cáo theo dõi, đánh giá; tình hình quản lý, sử dụng đất đai; tác động của chính sách, pháp luật đất đai đến kinh tế - xã hội và môi trường. Qua đó, nhiều địa phương đã phát huy được vai trò cơ sở, quản lý chặt chẽ từ địa phương, tránh phát sinh những tranh chấp và đáp ứng giải phóng mặt bằng cho nhiều dự án.

Theo bà Kathrine Kelm, Trưởng nhóm công tác hỗ trợ về sửa đổi Luật Đất đai 2013 của WB, việc xây dựng khung quy định, thể chế trong quản lý đất đai có vai trò quan trọng trong xây dựng, phát triển đô thị, nông thôn; ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường giá trị tài sản, quản lý tài nguyên một cách bền vững. WB đã huy động một nhóm chuyên gia hàng đầu và đa ngành để có thể hỗ trợ cho Bộ TN&MT trong việc sửa đổi Luật Đất đai 2013 thông qua việc cung cấp các phân tích và kinh nghiệm toàn cầu như: Kinh tế đất đai, tài chính đất đai, định giá đất đai, định giá đất và thuế tài sản…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao năng lực quản lý đất đai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.