Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chất lượng nhà tái định cư: Cách nào gỡ khó?

Dạ Khánh| 28/09/2018 06:15

(HNM) - Được đầu tư nhằm phục vụ công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án phát triển hạ tầng, những năm qua đã có hàng trăm nhà chung cư tái định cư trên địa bàn Hà Nội được xây dựng, đưa vào sử dụng.

Khu nhà tái định cư N06 Dịch Vọng (Cầu Giấy) được xây dựng cách đây gần 10 năm, đang xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Lê Hiếu


Nỗi niềm... tái định cư

Chất lượng công trình kém, sụt lún diễn ra nghiêm trọng kéo theo vỡ hệ thống thoát nước, bể phốt là thực trạng đang diễn ra tại Khu tái định cư Đồng Tàu (phường Thịnh Liệt, Hoàng Mai). Đưa vào sử dụng từ năm 2006, tuy nhiên chỉ vài năm sau đó, tất cả 10 tòa nhà ở đây đều xuống cấp. Ông Nguyễn Quang Tuấn (nhà N9) cho biết: Tình trạng bong rộp nền gạch, nứt chân tường, bậc thềm, xuất hiện ngày càng nhiều. Gần đây, sự xuống cấp ngày càng trầm trọng khi các vết nứt vỡ, lún sụt tạo thành những “hàm ếch” lớn, có nơi rộng 20-30cm, gây vỡ hệ thống thoát nước, bể phốt. Ô nhiễm nghiêm trọng nhất xảy ra tại nhà N6 khi nước thải sinh hoạt, nước bể phốt chảy tràn ra khu vực thảm cỏ, vườn hoa của khu nhà.

Tại nhà tái định cư NO6 (Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp), ông Lê Công Khánh (phòng 716) cho rằng, cuộc sống của các cư dân tái định cư gặp nhiều bất lợi. Chuyển về sống từ năm 2010, ông Khánh tận mắt chứng kiến chất lượng của tòa nhà ngày càng đi xuống. Tại tầng 1, khu vực sảnh bị sụt lún, gạch lát vênh 3-5cm so với mặt sàn. Ở hành lang của nhiều tầng, gạch lát bị vỡ, bong tróc; tại các bậc tam cấp dẫn lên sảnh sau và hai bên đầu tòa nhà xuất hiện những vết nứt to, dài,... Điều khiến các cư dân “ấm ức” khi so sánh với các khu nhà ở thương mại kế bên là, nếu thang máy hỏng, cháy đèn chiếu sáng… đều nhanh chóng được khắc phục. Còn tại nhà NO6, cư dân không khác bị… “đem con bỏ chợ”. Hai chiếc thang máy của tòa nhà thỉnh thoảng lại “chết”.

Tình trạng kém chất lượng và cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ cũng xảy ra tại nhiều tòa nhà chung cư trên địa bàn Hà Nội: Nhân Chính (Thanh Xuân), Láng Thượng (Đống Đa), Nam Trung Yên (Cầu Giấy)... Tại Khu tái định cư Nam Trung Yên, chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng, công trình đã xuống cấp trầm trọng. Rõ nhất là hệ thống tường nhà nhiều chỗ nứt nẻ, nước sinh hoạt ngấm từ tầng trên xuống tầng dưới… Không những vậy, thang máy thường xuyên hỏng, thậm chí không hoạt động cả tuần...

Hướng nào cho nhà tái định cư?

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 184 cụm, tòa nhà chung cư tái định cư đủ điều kiện, đã được đưa vào sử dụng. Trong số này, có 12 nhà chung cư thương mại có căn hộ tái định cư xen lẫn. Thời gian qua, trong số 17.435 căn hộ tại 184 cụm, tòa nhà đã đưa vào sử dụng, có 13.980 căn hộ người dân đã chuyển về sống; 379 căn hộ được bố trí tạm cư cho các hộ sống trong các chung cư nguy hiểm phải di dời khẩn cấp...

Khu tái định cư Đền Lừ, quận Hoàng Mai đang xuống cấp nghiêm trọng.


Giá rẻ, suất đầu tư thấp là nguyên nhân chính dẫn đến chất lượng nhà tái định cư còn khiếm khuyết. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, việc cho “ra lò” sản phẩm theo cơ chế bao cấp: Chủ đầu tư chỉ xây dựng công trình, hoàn thành, bàn giao rồi không chịu trách nhiệm với công trình từ đầu đến cuối, không coi công tác quản lý là cách giữ thương hiệu, đã khiến nhà tái định cư nằm “bên lề” quản lý. Do vậy, tình trạng thất thoát vật liệu, chất lượng nhà ở kém, nhanh xuống cấp là điều khó tránh khỏi.

Thực trạng xuống cấp, hạ tầng không đồng bộ... tại các chung cư tái định cư đã khiến người dân không còn “mặn mà” với loại hình nhà này. Mới đây nhất (giữa tháng 8-2018), Ban Quản lý các công trình nhà ở và công sở (Sở Xây dựng Hà Nội) - một trong 3 đơn vị được UBND thành phố giao nhiệm vụ tiếp nhận và bán căn hộ tái định cư, đã phải ra thông báo đến 372 hộ gia đình được mua nhà tái định cư, nếu quá thời hạn không đến làm thủ tục ký hợp đồng mua bán nhà, sẽ báo cáo cấp thẩm quyền xử lý theo quy định. Được biết, ngoài 372 căn do Ban Quản lý các công trình nhà ở và công sở chịu trách nhiệm tiếp nhận, bán nhà, cũng còn đến 770 căn đã có quyết định bố trí tái định cư (do 2 đơn vị khác tiếp quản) nhưng chưa ai đến làm thủ tục.

Nhìn nhận thẳng thắn thì vấn đề chất lượng căn hộ tái định cư vẫn là mấu chốt. Kiến trúc sư Lê Tùng - Công ty Tư vấn xây dựng thương mại Phương Bắc bày tỏ, theo quy định, nhà ở tái định cư phải có điều kiện tốt hơn nhà ở cũ. Tuy nhiên, các nhà tái định cư từ trước đến nay chưa có dự án nào đáp ứng được yêu cầu này. Hiện, việc xây nhà tái định cư vẫn thực hiện theo cơ chế: Nhà nước giao một số doanh nghiệp xây, sau đó bàn giao lại cho chính quyền địa phương và bố trí người dân vào ở. Để người dân không “quay lưng”, ông Tùng đề xuất nhà tái định cư cần được đối xử như nhà thương mại.

Nói về giải pháp gỡ khó cho vấn đề nhà tái định cư, ông Nguyễn Chí Dũng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra sự tuân thủ quy định từ khâu thẩm tra, phê duyệt thiết kế, thi công, quản lý chất lượng dự án nhà ở tái định cư đến giai đoạn nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng và thực hiện bảo trì trong quá trình sử dụng, Hà Nội đã triển khai chính sách chi trả bằng tiền để các hộ tự lo tái định cư. Cụ thể, UBND thành phố đã có Quyết định 47/2016/QĐ-UBND (ngày 8-11-2016) phê duyệt mức hỗ trợ cho các đối tượng tự lo tái định cư bằng tiền là 6,8 triệu đồng/m2. Với mức hỗ trợ trên, các hộ dân bị thu hồi đất đủ điều kiện được bố trí tái định cư sẽ có thêm sự lựa chọn. Còn với quỹ nhà tái định cư trống sẽ được dùng để bố trí tạm cư, hoặc tạo thành quỹ nhà tái định cư cho các dự án có nhu cầu khác. Được biết, từ năm 2016, thành phố đã hỗ trợ bằng tiền cho 28 dự án, với 579 hộ. Bên cạnh đó, phương án đặt hàng căn hộ tái định cư cũng được tính đến nhằm huy động nguồn vốn xã hội, bảo đảm chất lượng loại hình nhà ở này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chất lượng nhà tái định cư: Cách nào gỡ khó?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.