Theo dõi Báo Hànộimới trên

Venezuela chìm sâu trong khủng hoảng

Quang Huy| 30/10/2016 06:16

(HNM) - Cuộc khủng hoảng toàn diện tại Venezuela đang ngày càng trở nên trầm trọng. Trong khi nền kinh tế chưa thấy bất cứ dấu hiệu cải thiện nào thì những bất ổn chính trị ngày càng căng thẳng, phức tạp hơn đang đẩy quốc gia này vào vòng xoáy bất ổn mới.

Sau phiên họp kéo dài 2 ngày, Quốc hội Venezuela do liên minh Bàn Đoàn kết Dân chủ (MUD) đối lập chiếm đa số đã tuyên bố sẽ khởi động tiến trình xét xử đối với Tổng thống Nicolas Maduro. MUD cho rằng nhà lãnh đạo Venezuela đã gây ra cuộc khủng hoảng xã hội, kinh tế và chính trị tại nước này, đồng thời vi phạm Hiến pháp sau khi Hội đồng Bầu cử quốc gia Venezuela (CNE) đình chỉ việc thu thập chữ ký của 20% cử tri. Đây là một hoạt động do phe đối lập khởi xướng nhằm mở đường cho cuộc trưng cầu dân ý để phế truất tổng thống đương nhiệm. Quốc hội Venezuela cũng đã thông qua yêu cầu đưa ông N.Maduro ra điều trần trước cơ quan lập pháp vào ngày 1-11.

Người dân xếp hàng mua nhu yếu phẩm ở thủ đô Caracas.


Phản đối lại quyết định trên, Tổng thống N.Maduro cáo buộc Quốc hội do phe đối lập nắm giữ có "âm mưu đảo chính". Phát biểu trước đám đông người dân ủng hộ tại thủ đô Caracas, nhà lãnh đạo Venezuela khẳng định “sẽ không cho phép để xảy ra chính biến dưới bất kỳ hình thức nào tại Quốc hội”. Ông N.Maduro cũng cáo buộc phe đối lập tại Quốc hội đang tìm cách “phá hoại đất nước”, đồng thời hối thúc lực lượng đối lập tham gia tiến trình đối thoại. Ông nhấn mạnh sẽ không cho phép các âm mưu đảo chính này xảy ra bởi tại Venezuela vẫn còn các cơ quan tư pháp và thể chế khác, đồng thời khẳng định sẽ bắt các nghị sĩ đối lập vì những hành động vi hiến. Tòa án Tối cao Venezuela cũng khẳng định tuyên bố của Quốc hội là "vô giá trị".

Nguồn cơn của đợt khủng hoảng mới là do CNE cương quyết đình chỉ việc tổ chức trưng cầu ý dân về bãi nhiệm tổng thống. Quyết định được đưa ra sau khi tòa án hình sự tại 5 bang ra phán quyết cho rằng, lực lượng đối lập đã gian lận trong việc khởi động tiến trình thu thập chữ ký để tiến hành trưng cầu ý dân, dự kiến bắt đầu từ ngày 26-10. Tuy nhiên, sau khi chính quyền cản trở các hoạt động này, giới lãnh đạo đối lập đã kêu gọi các cuộc biểu tình quy mô lớn trên khắp đất nước. Hàng chục nghìn người biểu tình chống chính phủ ở Venezuela đã tràn xuống đường phố ở thủ đô Caracas và các thành phố lớn khác trong một kế hoạch được phe đối lập gọi là “Chiếm lấy Venezuela”. Giới quan sát quốc tế lo ngại làn sóng biểu tình gia tăng sẽ khiến tình hình trật tự, an ninh ở quốc gia này vốn đã rối ren sẽ trở nên khó kiểm soát.

Trên thực tế, tình hình ở Venezuela trong thời gian qua cực kỳ phức tạp. Cuộc khủng hoảng chính trị ở nước này có gốc rễ từ sự sụt giảm không phanh của nền kinh tế. Khi suy thoái kinh tế bắt đầu từ đầu năm 2014, GDP của Venezuela sụt giảm tới 10% trong khi lạm phát lên tới 475%. Người dân tiếp tục phải sống trong cảnh thiếu thốn các mặt hàng thiết yếu phục vụ cuộc sống hằng ngày như thực phẩm, lương thực, thuốc men… Nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo, nền kinh tế Venezuela có thể suy giảm tới 11,5% trong năm nay và theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), lạm phát ở quốc gia Nam Mỹ có thể chạm mức 1.660%, mức cao kỷ lục của thế giới.

Hiện tại, Tổng thống N.Maduro đã đưa ra các biện pháp nhằm bảo đảm sự ổn định đất nước. Trước mắt là cuộc đàm phán chính trị vào ngày 30-10 do Tòa thánh Vatican và Liên minh Các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR) thúc đẩy với phe đối lập. Trong bài phát biểu tại một hoạt động ở thủ đô Caracas được truyền hình trực tiếp, Tổng thống N.Maduro nhấn mạnh, đối thoại là con đường duy nhất để bảo đảm hòa bình cho người dân Venezuela, cũng như giải quyết những khó khăn kinh tế hiện nay. Hội đồng Quốc phòng Venezuela, cơ quan cố vấn cao nhất mới được triệu tập, sẽ có nhiệm vụ tìm kiếm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng xã hội, kinh tế và chính trị, góp phần củng cố nền dân chủ và khuyến khích sản xuất. Bên cạnh đó, ông N.Maduro cũng thông báo đã ký quyết định tăng 40% lương tối thiểu cho người lao động từ 22.575 lên 27.091 bolivar.

Tuy nhiên, với việc phụ thuộc hoàn toàn vào giá dầu mỏ, kinh tế Venezuela nhìn chung vẫn rất bi đát khi các nước xuất khẩu dầu mỏ chính vẫn chưa có dấu hiệu cắt giảm nguồn cung. Với thực trạng này, nếu không có các biện pháp điều chỉnh kịp thời, đặc biệt là giải quyết những khó khăn về kinh tế thì chắc chắn nền chính trị nước này sẽ tiếp tục lún sâu trong khủng hoảng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Venezuela chìm sâu trong khủng hoảng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.