Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nước Mỹ bắt đầu chặng đường mới

Thùy Dương| 23/01/2017 05:57

(HNM) - Quan điểm “nước Mỹ trên hết” của tân Tổng thống Donald Trump đã thể hiện ngay trong ngày đầu nhậm chức khi ông ký một loạt sắc lệnh hủy bỏ di sản của người tiền nhiệm Barack Obama...


Tân Tổng thống D.Trump cam kết "Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại".


Thực tế, là một chính khách thuộc đảng Cộng hòa đi lên từ giới doanh nghiệp nên đa phần dư luận Mỹ đều nhất trí rằng tân Tổng thống D.Trump sẽ kiên trì theo đuổi chủ nghĩa dân túy, đi ngược lại nhiều quan điểm của những người làm chính trị chính thống như những gì ông đã thể hiện trong suốt quá trình tranh cử. Do đó, không ngạc nhiên khi chính sách đối nội, đối ngoại của ông D.Trump thể hiện sự khác biệt với những gì mà cựu Tổng thống B.Obama từng làm. Từ các chính sách kinh tế, thương mại, ngoại giao đến việc ứng phó với biến đổi khí hậu hay vấn đề y tế, vị tân chủ nhân Nhà Trắng đều cam kết sẽ lật ngược lại những chủ trương của người tiền nhiệm. Nổi bật là vấn đề kinh tế, ông D.Trump chủ trương đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để tăng việc làm trong nước, xóa bỏ đạo luật tài chính Dodd-Frank, đàm phán lại các hiệp định thương mại,... để chấn hưng nền kinh tế.

Tân Tổng thống Mỹ cam kết loại bỏ chính sách Kế hoạch hành động vì khí hậu, vốn là chủ trương của vị Tổng thống tiền nhiệm B.Obama, đồng thời tập trung dỡ bỏ rào cản đối với chính sách hạn chế phát triển năng lượng trong nước mà ông cho rằng nó sẽ khiến nước Mỹ độc lập đối với nguồn dầu mỏ từ nước ngoài. Việc Nhà Trắng tuyên bố rút khỏi TPP chính là một trong những quyết sách của cựu tài phiệt này trong suốt quá trình tranh cử bởi ông có lập trường chống tự do thương mại với nước ngoài nhằm bảo vệ thị trường nội địa.

Về vấn đề y tế, đúng như dự đoán của giới chuyên gia, tân Tổng thống Mỹ ngay khi bước chân vào Nhà Trắng đã ký sắc lệnh mở đường cho việc hủy bỏ hoặc thay thế đạo luật Obamacare nhằm tăng cường sự kiểm soát của nhà nước đối với chương trình bảo hiểm liên bang, đồng thời tạo điều kiện cho các công ty bảo hiểm tư nhân. Obamacare, được xem là một trong những “di sản” lớn nhất của người tiền nhiệm B.Obama, quy định rằng mọi công dân đều phải được hưởng bảo hiểm y tế và dùng ngân sách nhà nước chi trả cho những ai không đủ khả năng mua bảo hiểm. Bản thân ông D.Trump và đảng Cộng hòa lâu nay luôn phản đối dữ dội vì cho rằng đạo luật này mang tính áp đặt và quá tốn kém. Ông đã hối thúc các nghị sĩ đảng Cộng hòa trong Quốc hội ngay lập tức bãi bỏ Obamacare, cho rằng không có lý do cho sự chậm trễ và cần triển khai một kế hoạch thay thế đạo luật trên. Cam kết là vậy, song việc bãi bỏ Obamacare không phải là điều đơn giản và tiềm ẩn nhiều rủi ro, bởi cả ông D.Trump và Quốc hội do phe Cộng hòa kiểm soát chưa có phương án thay thế tối ưu đối với chế độ dành cho 20 triệu người dân đang nằm trong diện bảo hiểm của Obamacare.

Trong lĩnh vực đối ngoại, trái ngược với một Tổng thống B.Obama luôn hướng tới mục tiêu đánh bóng hình ảnh và củng cố vị thế của Mỹ trên trường quốc tế, ông D.Trump lại chủ trương rũ bỏ gánh nặng quốc tế, giảm sự can thiệp bên ngoài để tập trung chú trọng tăng cường nội lực, từ đó tạo ra một nước Mỹ mạnh mẽ hơn và sẵn sàng hành động để bảo vệ những lợi ích quốc gia cốt lõi. Ngay sau lễ nhậm chức, trang web chính thức của Nhà Trắng đã đăng tải những tuyên bố chính sách đầu tiên của chính quyền mới, theo đó ông D.Trump dự định sẽ tái xây dựng quân đội Mỹ, phát triển một hệ thống phòng thủ tên lửa tân tiến và ưu tiên tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Có thể thấy, một nước Mỹ thực tế hơn, với định hướng tập trung vào các dự án kinh tế lớn là bức tranh được dự báo sau lễ nhậm chức tổng thống của D.Trump. Giờ là lúc người đứng đầu nước Mỹ phải thực hiện trọng trách lịch sử chèo lái con thuyền đất nước để thực hiện cam kết khi tranh cử “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” và cử tri có thể dần kiểm chứng sự lựa chọn của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nước Mỹ bắt đầu chặng đường mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.