Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hội nghị Thượng đỉnh EU: Bao phủ bóng đen chia rẽ

Quỳnh Dương| 27/03/2017 05:57

(HNM) - Sau hàng loạt chia rẽ mà Liên minh Châu Âu (EU) phải đối mặt gần đây liên quan đến vấn đề di cư, tăng trưởng, đặc biệt là quyết định rời khỏi ngôi nhà chung của Anh, các nước thành viên đều nỗ lực hướng tới mục tiêu đoàn kết, thống nhất.

EU đang bị chia rẽ về đường hướng tương lai.


Tuyên bố Rome, được xem là thành quả chủ yếu của Hội nghị thượng đỉnh nhân kỷ niệm 60 năm ngày ký Hiệp ước Rome - tạo nền móng thành lập EU, nhấn mạnh tới một liên minh độc đáo với các thể chế chung và các giá trị mạnh mẽ, một cộng đồng hòa bình, tự do, dân chủ, nhân quyền và có sự thượng tôn pháp luật.

Theo đó, các nhà lãnh đạo EU khẳng định quyết tâm làm cho liên minh này trở nên mạnh mẽ và kiên cường hơn thông qua sự thống nhất, đoàn kết trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc chung. Các nhà lãnh đạo EU cũng bày tỏ mong muốn về một liên minh an toàn, thịnh vượng, có sức cạnh tranh bền vững và có trách nhiệm xã hội trong 10 năm tới; tiếp tục đóng vai trò then chốt trong ổn định tình hình thế giới cũng như thúc đẩy toàn cầu hóa.

Thế nhưng, một số nhà phân tích cho rằng, kết quả đạt được kể trên chỉ ở mức khiêm tốn. Nguyên nhân là sự kiện này diễn ra trong bối cảnh Anh đang chuẩn bị kích hoạt tiến trình rời khỏi EU vào ngày 29-3. Lễ kỷ niệm 60 năm Hiệp ước Rome không có sự tham dự của Anh là một thời khắc rất đáng buồn đối với 27 thành viên còn lại. Ngoài ra, cũng có những nghi ngờ về đường hướng tương lai cho EU khi Tuyên bố Rome kêu gọi các thành viên hành động cùng nhau nhưng với tốc độ và cường độ khác nhau. Như vậy có nghĩa là, các quốc gia thành viên có thể tự quyết định các vấn đề liên quan tới mức độ hội nhập và liên kết khối tùy theo thực trạng kinh tế, xã hội của từng nước.

Trước đó, trong Hội nghị Thượng đỉnh mùa xuân cách đây ít ngày, kịch bản về một Châu Âu “đa tốc độ” được đưa ra trong “Sách Trắng” về tương lai của EU đã gây ra bất đồng khá gay gắt. Những quốc gia có nền kinh tế hàng đầu khu vực như Đức, Pháp, Italia, Tây Ban Nha đều bày tỏ ủng hộ ý tưởng này khi cho rằng các thành viên của EU hiện khó có thể hành động, suy nghĩ giống nhau nên sự thay đổi là cần thiết. Lý giải về ý tưởng trên, theo quan điểm của nhiều nhà lãnh đạo Châu Âu, một số quốc gia EU có thể đi nhanh hơn, tiến xa hơn và “thống nhất chứ không phải là đồng nhất”.

Ở phía ngược lại, một số quốc gia Đông Âu điển hình là Ba Lan hay Hungary lại cho rằng, “đa tốc độ” chẳng qua là cách hiểu khác của “phân hạng công dân” và nhiều khả năng họ sẽ bị “cho ra rìa” trong các kế hoạch hợp tác phát triển của toàn liên minh. Việc này chẳng khác nào kích hoạt một quá trình tan rã chậm. Vì thế, tới phút chót, Ba Lan mới chấp nhận đặt bút ký Tuyên bố Rome. Những động thái trên cho thấy, sự bất đồng, rạn nứt trong EU vẫn đang hiện hữu do những lợi ích, quan điểm khác nhau của mỗi nước.

Trong bản tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo EU khẳng định sẽ tìm kiếm sự thống nhất và đoàn kết hơn nữa. Song có một thực tế không thể phủ nhận là EU đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có, cả trong nội khối cũng như trên phạm vi toàn cầu, từ các cuộc xung đột khu vực, nạn khủng bố, sức ép người di cư, đến căng thẳng với Nga, chính sách với Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, chủ nghĩa bảo hộ và những bất bình đẳng kinh tế, xã hội. Tất cả những điều đó đang đặt tương lai EU vào thế bấp bênh. Câu hỏi lớn nhất hiện nay là sau 60 năm, làm thế nào để EU có thể tránh khỏi bờ vực tan rã nếu những chia rẽ không nhanh chóng được thu hẹp?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị Thượng đỉnh EU: Bao phủ bóng đen chia rẽ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.