Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quân bài mới trong cuộc chiến Đông - Tây

Quỳnh Dương| 16/04/2017 06:23

(HNM) - Nỗ lực kéo dài 14 năm nhằm gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Montenegro đã gần như tới đích...

Theo các nhà phân tích, việc Mỹ "bật đèn xanh" cho Montenegro gia nhập NATO là một bước đi phần nhiều mang tính chính trị vì trên thực tế, Montenegro là một quốc gia nhỏ, chỉ có hơn 620.000 dân. Số lượng quân nhân của nước này cũng chỉ vào khoảng 2.000 người. Trong khi đó, 4 máy bay quân sự của Montenegro đang được rao bán và 2 tàu chiến còn khả năng hoạt động hầu như không rời cảng. Do đó, kết nạp Montenegro sẽ không thể giúp tăng cường sức mạnh phòng vệ của phương Tây trong trường hợp xảy ra căng thẳng với Nga. Nói cách khác, tiếp nhận đất nước vùng Balkan này sẽ chỉ làm NATO phải gánh thêm chi phí.


Montenegro, quốc gia xinh đẹp bên bờ biển Adriatic, sắp trở thành thành viên mới của NATO.


Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng với Nga ngày càng leo thang, việc kết nạp thêm "tân binh" được ví như một thông điệp cứng rắn chuyển tới Mátxcơva. Trước đó, hơn 1.100 binh sĩ, gồm 900 lính Mỹ, 150 lính Anh và 120 lính Romania đã được triển khai tới Orzysz, cách vòng cung Kaliningrad của Nga 57km về phía Nam. Tư lệnh tối cao của NATO tại Châu Âu, Tướng Curtis Scaparrotti tuyên bố: “Việc triển khai các binh sĩ là minh chứng rõ ràng cho sự thống nhất và kiên định của NATO, đồng thời là thông điệp gửi tới bất kỳ lực lượng gây hấn nào".

Nhìn lại lịch sử cách đây một thập kỷ, Montenegro từng là một đồng minh thân thiết của Nga. Tuy nhiên, sau khi tách ra khỏi Serbia trong một cuộc trưng cầu dân ý năm 2006, nước này đã có bước đi mạnh mẽ hướng tới hội nhập Châu Âu. Không phải vô cớ khi có nhiều ý kiến cho rằng, việc NATO kết nạp Montenegro cho thấy cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng tại Balkan sau khi Liên bang Nam Tư sụp đổ vẫn phức tạp. Đối với Nga, việc có được ảnh hưởng ở khu vực này sẽ giúp Mátxcơva tiếp cận các cảng biển sâu cho các tàu chiến được triển khai ở Địa Trung Hải và tiếp tục duy trì lợi ích kinh tế, chính trị tại vùng đất quan trọng này. Đối với NATO, có được Balkan thì khối quân sự sẽ có thể tách hải quân Nga cách xa khỏi khu vực biển chiến lược.

Mới đây, Cơ quan tình báo Litva cho biết, Nga đã phát triển khả năng có thể tấn công các nước khu vực Baltic trong vòng 24 giờ và có thể ngăn chặn NATO tăng viện. Trong bản đánh giá mối đe dọa thường niên của NATO, Nga đã nâng cấp sức mạnh quân đội tại khu vực bằng việc bổ sung các máy bay chiến đấu Su-30, hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và tên lửa cho phép tấn công các tàu ở hầu hết khu vực biển Baltic. Còn hiện tại, dư luận lại lo ngại việc mở rộng của NATO về phía Đông, vốn đã vấp phải nhiều chỉ trích của Nga, sẽ dẫn đến những căng thẳng ở mức độ chưa từng có trong 30 năm qua tại Châu Âu. Theo quan điểm của Mátxcơva, NATO đang ngày càng thúc đẩy chính sách kiềm chế đối với Nga. Điều này có nghĩa liên minh quân sự lớn nhất thế giới đang tái sử dụng công thức bảo đảm an ninh thời Chiến tranh Lạnh và đang nỗ lực đối thoại với Nga dựa trên... sức mạnh.

Hiện đã có 26/28 quốc gia NATO phê chuẩn văn kiện kết nạp Montenegro, một quân bài mới trong cuộc chiến Đông - Tây. Quốc gia này chỉ còn chờ "cái gật đầu" của Tây Ban Nha và Hà Lan là chính thức trở thành thành viên thứ 29 của tổ chức quân sự lớn nhất hành tinh. Đây là một bước tiến quan trọng nhằm mở rộng NATO sau 8 năm tạm ngừng, đồng thời cũng sẽ đẩy mâu thuẫn Nga - Mỹ, hai cựu địch thủ thời kỳ Chiến tranh Lạnh đến những nấc thang căng thẳng mới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quân bài mới trong cuộc chiến Đông - Tây

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.