Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cuộc chia ly còn nhiều trắc trở

Phương Quỳnh| 12/08/2017 06:55

(HNM) - Theo thỏa thuận, để nước Anh có thể chính thức rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU) vào đầu năm 2019, Đoàn đàm phán của hai bên về vấn đề này sẽ nhóm họp mỗi tháng một lần để thảo luận và thống nhất các thủ tục cho “cuộc chia ly lịch sử

Tuy nhiên, trước những bất đồng có xu hướng ngày càng gia tăng sau các vòng thương lượng, nhiều nhận định cho rằng, lộ trình Anh rời EU (còn gọi là Brexit) khó có thể thực hiện đúng kế hoạch.

Đại diện đàm phán về Brexit của EU và Anh họp báo sau vòng đàm phán thứ 2.


Hiện tại, quyền công dân đang là vấn đề gây mâu thuẫn lớn giữa hai bên. Cho đến nay, việc 3 triệu công dân EU đang sinh sống tại Anh và 1 triệu cư dân Anh định cư tại EU sẽ trở về quê hương hay tiếp tục được ở lại nước sở tại vẫn chưa tìm được hướng giải quyết. EU thì muốn London cho phép công dân của Liên minh được tái định cư tại Anh, dù họ sống nhiều năm tại một nước khác. Thế nhưng, Chính phủ của Thủ tướng Theresa May đề xuất công dân EU có thể mất quyền được cư trú vĩnh viễn tại Anh nếu như ra khỏi xứ Sương mù quá 2 năm và không chứng minh được có những mối quan hệ thân thiết tại Anh. Vì thế, EU đã trả đũa khi cảnh báo các công dân Anh ở một nước EU có thể không được phép sang sinh sống tại một nước khác trong khối.

Hai bên cũng bất đồng ý kiến về vai trò của Tòa án Tối cao Châu Âu (ECJ) trong vấn đề này. Liên minh muốn ECJ đứng ra giải quyết những tranh chấp liên quan đến quyền công dân, nhưng London kiên quyết cho rằng các tòa án Anh sẽ không còn chịu sự phán quyết của ECJ vì không còn là thành viên của EU.

Bên cạnh đó, tranh cãi về khoản nghĩa vụ ngân sách mà Anh đã cam kết đóng góp cho EU với tư cách là thành viên cũng đang là một nguy cơ có thể đẩy đàm phán giữa hai bên vào thế bế tắc. Theo quan điểm của EU, xứ Sương mù phải trả khoảng 60 tỷ euro. Tuy nhiên, con số London mong muốn là từ 30 đến 40 tỷ euro. Chính phủ của Thủ tướng T.May cố gắng thuyết phục các nhà đàm phán EU rằng, phía Anh cam kết tôn trọng các nguyên tắc về giải quyết tài chính nhưng sẽ không đưa ra lời hứa cụ thể. Anh muốn kéo dài thời gian càng lâu càng tốt trong vấn đề thanh toán tài chính và không đưa ra bất kỳ cam kết ràng buộc nào cho đến khi ký một thỏa thuận tổng thể về Brexit. Ngoài ra, các vấn đề liên quan đến đường biên giới với Ireland, số phận của các loại hàng hóa Anh trong các cửa hàng của EU sau thời điểm Brexit có hiệu lực... có thể sẽ tiếp tục trở thành đề tài tranh cãi trong vòng đàm phán thứ 3 sắp diễn ra tại Brussels (Bỉ).

Số liệu báo cáo gần đây nhất cho thấy, thâm hụt thương mại hàng hóa và dịch vụ giữa Anh với các nước trên thế giới trong tháng 6-2017 đã tăng 2 tỷ bảng so với tháng trước đó, lên 4,56 tỷ bảng - mức cao nhất kể từ tháng 9-2016. Tình trạng rớt giá mạnh của đồng bảng trong 12 tháng qua chưa có sự cải thiện đáng kể nào. Tính từ tháng 6-2016 tới nay, tỷ giá đồng bảng giảm khoảng 13% so với USD. Đây là dấu hiệu cho thấy 1 năm sau quyết định rời EU, Anh vẫn phải đứng trước bài toán khó về tái cân bằng nền kinh tế.

Trong khi đó, về phía EU, dù được đánh giá là có đà phục hồi tích cực trong nửa đầu năm 2017, song Liên minh tiếp tục phải đương đầu với nhiều “cơn gió ngược” xuất phát từ cả trong và ngoài khối. Tiến trình Brexit vẫn được xem là một yếu tố tác động tới triển vọng kinh tế của khối trong thời gian tới.

Theo kế hoạch, mục tiêu đặt ra là đến mùa thu năm nay, Anh và EU sẽ chuyển sang giai đoạn đối thoại về các nội dung liên quan đến quan hệ thương mại song phương trong tương lai. Các cuộc đàm phán sẽ phải kết thúc từ nay đến tháng 10-2018. Tuy nhiên, nếu không bên nào chịu nhún nhường, cuộc tranh cãi sẽ khó tìm được hồi kết và có thể làm tăng thiệt hại không mong muốn cho cả hai phía.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc chia ly còn nhiều trắc trở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.