Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quan hệ liên Triều: Bước đi tích cực

Quỳnh Dương| 05/01/2018 06:29

(HNM) - Sau một năm căng thẳng với những lời đe dọa qua lại về chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng, trong bài phát biểu đầu năm mới 2018, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un kêu gọi giảm căng thẳng quân sự, cải thiện mối quan hệ; đồng thời tuyên bố sẵn sàng đối thoại với Hàn Quốc.

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên sau các vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng có thể sẽ hạ nhiệt trong thời gian tới.


Triều Tiên đã ngừng hai kênh liên lạc liên Triều, trong đó có cả đường dây nóng quân sự vào tháng 2-2016, để phản đối việc Hàn Quốc cho đóng cửa Khu công nghiệp chung Kaesong. Về mặt kỹ thuật, các đường dây nóng này vẫn liên thông nhưng kênh đối thoại không hoạt động do phía Triều Tiên không hồi đáp các lần tiếp xúc hằng ngày của quan chức Hàn Quốc. Việc Triều Tiên thông báo mở lại đường dây liên lạc liên Triều diễn ra chỉ 2 ngày sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố "để ngỏ cánh cửa đối thoại" với Seoul và thông báo sẽ cử các vận động viên của nước này tham gia tranh tài tại Thế vận hội mùa Đông Pyeongchang 2018 tại Hàn Quốc. Đây là sự thay đổi đáng kể trong chính sách của Bình Nhưỡng, bởi lâu nay Triều Tiên dường như "phớt lờ" mọi đề xuất của Seoul về đối thoại hai miền, bất chấp Tổng thống Moon Jae-in nhiều lần gợi ý Hàn Quốc và Triều Tiên giải quyết căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên thông qua đàm phán.

Phía Hàn Quốc hy vọng việc cải thiện quan hệ liên Triều sẽ giúp giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, từ đó mở ra các cuộc đàm phán giữa Bình Nhưỡng và Washington. Tuy nhiên, triển vọng các cuộc đàm phán được dự báo là vô cùng khó khăn khi các bên liên quan không có ý định từ bỏ lập trường cứng rắn của mình. Trong cuộc gặp mới nhất với Quyền Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Marc Knapper và Tư lệnh các Lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc (USFK), Tướng Vincent K.Brooks, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha tái khẳng định Seoul sẽ không theo đuổi các cuộc đàm phán liên Triều tách biệt với những nỗ lực giải quyết mối đe dọa tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.

Trong khi đó, các chuyên gia ở Mỹ cho rằng, bài phát biểu của ông Kim Jong-un là sự chia rẽ Hàn Quốc với đồng minh Mỹ. Hiện Mỹ là quốc gia dẫn đầu chiến dịch quốc tế trong việc tăng cường áp lực lên Bình Nhưỡng thông qua những lệnh trừng phạt nhằm buộc nước này từ bỏ chương trình phát triển tên lửa hạt nhân có khả năng vươn tới Mỹ. Ông Euan Graham, Giám đốc Chương trình an ninh quốc tế thuộc Viện Nghiên cứu Lowy nhận định: "Triều Tiên đang cố chìa cành ô liu - một biểu tượng hòa bình cho Hàn Quốc. Đây là bước ngoặt đáng kể nhưng cũng đáng ngờ bởi từ trước đến nay Bình Nhưỡng luôn tỏ thái độ không muốn đàm phán với Hàn Quốc hay bất cứ bên nào về vấn đề hạt nhân. Rõ ràng, cành ô liu đó ẩn giấu bên trong mục đích khác của Triều Tiên".

Theo nhận định của giới quan sát quốc tế, gợi ý đối thoại được nhà lãnh đạo Triều Tiên đưa ra trong bối cảnh Bình Nhưỡng đang liên tiếp hứng chịu những lệnh trừng phạt cứng rắn nhất từ trước tới nay. Trong thông điệp đầu năm mới 2018, ông Kim Jong-un thừa nhận, nhân dân Triều Tiên đang phải đối mặt với cuộc sống khó khăn do các biện pháp cấm vận. Vì vậy, gợi ý đối thoại của ông Kim Jong-un được cho là "kế hoãn binh". Nói cách khác, Triều Tiên muốn tạo ra lý do chính đáng để tạm ngừng hoặc giảm bớt tần suất các vụ thử hạt nhân - tên lửa và tập trung vào các hoạt động sản xuất nhằm phát triển kinh tế.

Bất kể vì lý do gì, việc nối lại kênh đối thoại liên Triều cũng là một bước đi tích cực trong bối cảnh nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công phủ đầu của Mỹ cao hơn bao giờ hết. Dư luận quốc tế hy vọng, sự kiện Olympic Pyeongchang sắp tới có thể trở thành cầu nối thực sự cho các cuộc đàm phán lâu dài hơn nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình cho khu vực Đông Bắc Á.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quan hệ liên Triều: Bước đi tích cực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.