Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hiện thực hóa “Hành động hướng Đông”

Quỳnh Dương| 09/01/2018 06:22

(HNM) - Nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong khuôn khổ chính sách

Ngoại trưởng Ấn Độ S.Swaraj (bên trái) trong chuyến thăm Indonesia.


Đối với ASEAN, Ấn Độ là một thị trường lớn, có lực lượng lao động dồi dào, có thế mạnh về công nghệ thông tin và là điểm đến hấp dẫn cho đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong khi đó, tập trung vào thương mại - dịch vụ với ASEAN sẽ giúp Ấn Độ có cơ hội sử dụng sức mạnh cạnh tranh để trở thành một trung tâm dịch vụ xuất khẩu cho ASEAN. Quan hệ chặt chẽ với ASEAN thông qua Hiệp định Thương mại tự do (FTA) sẽ tạo điều kiện giúp Ấn Độ tiến hành các cải cách kinh tế sâu rộng, và quan trọng hơn là giúp nước này trở thành một cường quốc kinh tế ở Châu Á trong tương lai. Vì thế, từ năm 1991, Ấn Độ đã tích cực theo đuổi mối quan hệ với các nước ASEAN một cách toàn diện.

Về chính trị - ngoại giao, kể từ năm 1990 đến nay, nhiều nguyên thủ quốc gia của Ấn Độ đã có các chuyến thăm cấp cao đến khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và chính thức tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) ở Đông Nam Á vào năm 2003. Trên lĩnh vực an ninh - quân sự, Ấn Độ đã triển khai nhiều hoạt động ngoại giao ở cấp độ song phương, phổ biến là những cuộc tập trận chung giữa Ấn Độ với các nước thứ hai, các chuyến thăm của tàu chiến nước này tới nhiều nước, hợp tác đào tạo quân nhân hay xuất khẩu vũ khí. Ở cấp độ đa phương, Ấn Độ tham gia các diễn đàn an ninh và thỏa thuận hợp tác liên quan đến quân sự khu vực.

Về kinh tế, Ấn Độ trở thành Đối tác đối thoại từng phần của ASEAN năm 1992. Sau hơn 25 năm thiết lập quan hệ, hai bên đã tạo lập được 30 cơ chế đối thoại, bao gồm hội nghị thượng đỉnh và các cuộc họp cấp bộ trong nhiều lĩnh vực. ASEAN cũng là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Ấn Độ sau Trung Quốc, Liên minh Châu Âu và Mỹ. Ấn Độ hiện là đối tác thương mại lớn thứ 7 của ASEAN, đồng thời là quốc gia đứng thứ 8 về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ASEAN. Trong hai năm qua, lãnh đạo cấp cao của Ấn Độ đã đến thăm 9 trong số 10 nước ASEAN.

Chuyến thăm 3 nước Thái Lan, Indonesia và Singapore lần này của Ngoại trưởng Ấn Độ S.Swaraj là một nỗ lực của New Delhi muốn tổ chức các cuộc tiếp xúc song phương trên nhiều lĩnh vực với các nước thuộc khu vực Đông Nam Á. Trong cuộc hội đàm ở thủ đô Bangkok ngày 4-1 giữa Ngoại trưởng Ấn Độ S.Swaraj và người đồng cấp Thái Lan Don Pramudwinai, tất cả các vấn đề về kết nối, an ninh và hợp tác văn hóa đã được hai bên thảo luận. Ngoài ra, cách thức Ấn Độ tăng cường hợp tác với ASEAN là một nội dung được bàn thảo vì Thái Lan là nước nắm vai trò điều phối viên cho quan hệ Ấn Độ - ASEAN từ giữa năm 2018.

Tại Indonesia, Ngoại trưởng S.Swaraj gặp Phó Tổng thống Indonesia Muhammad Jusuf Kalla, hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Retno Marsudi để thảo luận và đi đến tái khẳng định tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực. Nội dung bàn thảo với Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan cũng xoay quanh việc tăng cường quan hệ thương mại song phương và những cơ hội hợp tác giữa Ấn Độ - ASEAN trong thời gian tới.

Trong bối cảnh nhiều cường quốc trên thế giới thực hiện chính sách “xoay trục” sang Châu Á, kéo theo những điều chỉnh về đối ngoại đối với Châu Á - Thái Bình Dương, Ấn Độ đã không "chậm chân". Những chuyến thăm cấp cao thường xuyên và vai trò tích cực trong nhiều diễn đàn hợp tác với ASEAN cho thấy sự chủ động của quốc gia này trong việc tăng cường quan hệ giữa hai cực tăng trưởng của một khu vực đang trở thành tâm điểm của thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiện thực hóa “Hành động hướng Đông”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.