Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gặp“ông sáng tạo”

ANHTHU| 15/07/2007 09:13

(HNM) - Trong phòng làm việc của PGS Đinh Xuân Bá có một bức ảnh đen trắng chụp khi ông còn rất trẻ, lúc mới mười tám. Với ông, bức ảnh rất đặc biệt, bởi gắn liền với một thời hăng hái và nhiệt huyết xung phong đi phá núi mở đường một dải Thanh Hóa, Thái Nguyên, Lạng Sơn phục vụ kháng chiến.

“ông sáng tạo” đang thử nghiệm chiết xuất tinh dầu trầm.

(HNM) - Trong phòng làm việc của PGS Đinh Xuân Bá có một bức ảnh đen trắng chụp khi ông còn rất trẻ, lúc mới mười tám. Với ông, bức ảnh rất đặc biệt, bởi gắn liền với một thời hăng hái và nhiệt huyết xung phong đi phá núi mở đường một dải Thanh Hóa, Thái Nguyên, Lạng Sơn phục vụ kháng chiến.

Nay đã bẩy mươi ba, ông Bá vẫn “chưa chịu già”, vừa làm Chủ tịch HĐQT một Cty có tên tuổi vừa liên tục nghĩ ra hết dự án này đến dự án khác.

Ông Merle Pribbenow, chuyên gia Viện Nghiên cứu Lịch sử chiến tranh (Mỹ),đến Việt Nam để thực hiện chương trình Lịch sử bằng lời có cơ hội được gặp, phỏng vấn PGS.TS Đinh Xuân Bá, một cựu thanh niên xung phong thời kháng chiến chống Pháp, một trong chín người được chọn trả lời Merle.

Merle: -Tại sao hồi ấy ông lại tình nguyện xin đi thanh niên xung phong?

PGS Đinh Xuân Bá: - Đất nước chúng tôi khi ấy đã giành được độc lập song chưa hoàn toàn tự do. Giặc Pháp tàn phá đất nước tôi, giết hại đồng bào tôi. Lòng căm thù giặc, lòng yêu nước đã thôi thúc chúng tôi lên đường. Không còn con đường nào khác.

Ông Bá kể thêm, còn có một lí do nữa. Vốn khi ấy, để được đi thanh niên xung phong không phải dễ. Phải xung phong, rồi thôn, xóm bình xét có xứng đáng được tham gia đội quân do Bác Hồ đích thân sáng lập không. Được đi thanh niên xung phong là niềm tự hào. Trong phòng làm việc, PGS Đinh Xuân Bá bày một tấm ảnh đen trắng chụp hồi ông còn rất trẻ. Khi ấy, anh thanh niên Bá đang là kĩ thuật viên đội thanh niên xung phong mở đường ở Ngọc Lạc (Thanh Hóa).

Lúc anh Bá đăng kí đi thanh niên xung phong thì gia đình đang tản cư ở làng Trịnh Điện (xã Định Hải, Yên Định, Thanh Hóa), tháng 10- 1953. - Cả ba anh em tôi cùng xin đi, thôn bình xét xong, cả ba người cùng được. Tôi được phiên chế vàođội 38, đại đội 261. Đoàn tập kết ở Ngọc Lạc (Thanh Hóa) làm đường. Cuộc đời mở òa ra trước mắt. Bao nhiêu khó khăn, gian khổ, hiểm nguy nhưng anh em vẫn lạc quan, hăng hái hoàn thành nhiệm vụ. Lời dạy của Bác: Không có việc gì khó; Chỉ sợ lòng không bền; Đào núi và lấp biển; Quyết chí ắt làm nên trở thành lời thề của tôi, của bao đồng đội. - Ông Bá hồi tưởng.

Xong nhiệm vụ ở Ngọc Lạc, đội đi bộ luồn rừng lên ATK Thái Nguyên bảo vệ Trung ương và Chính phủ, rồi tiếp tục sang Lạng Sơn làm đường kéo từ biên giới về. - ở Lạng Sơn, đội làm từ tối đến một, hai giờ sáng thì đón quân dụng, quân khí từ Trung Quốc sang.Nhiều người đã ngã xuống bởi bom đạn, bởi mìn khi phá núi thi công đường. Nhiều người đập choòng mất cả tay... - Sau này, nhà thơ Tố Hữu có viết Đường ta rộng thênh thang tám thước. Đường ta ấy chính là tuyến đường thanh niên xung phong chúng tôi làm. - Ông Bá tự hào.

Tháng 1-1955, anh thanh niên xung phong Đinh Xuân Bá được chuyển sang ngành An ninh. Mười bốn tháng đi thanh niên xung phong quyển vở lượng giác chép tay luôn nằm trong ba lô. Thèm được học, hai năm sau anh Bá được Bộ Công an cử đi học đại học Bách khoa Hà Nội. Thông minh, ham học, mấy năm liền anh cựu thanh niên xung phong luôn đạt điểm cao nhất trong tất cả các môn thi. Trường đại học Bách khoa Hà Nội đã xin Bộ Công an để ông Bá sang giảng dạy toán cao cấp.

Nhiều người gọi ông Bá là “ông sáng tạo” khi liên tục nghĩ ra các ý tưởng mới, lạ lẫm, mang tính ứng dụng. Hai công trình nghiên cứu ứng dụng của ông Bá được đánh giá cao, đã đóng góp quan trọng vào cuộc kháng chiến chống Mỹ là toán đồ phục vụ làm đường quân sự cho mặt trận Lào và thước bắn cho bộ đội pháo binh.Toán đồ được dùng thiết kế mặt đường mềm, cứng dựa trên giá trị trung bình của các số liệu đầu vào, thay thế các phương trình thực nghiệm tương ứng, giúp việc thiết kế đường trở nên dễ dànghơn. Mặc dù có nhiều hạn chế nhưng toán đồ là ứng dụng rất ưu việt khi đó. Còn mỗi thước bắn cho pháo binh đều có chữ kí của ông Bá. Nghe chuyện ấy, Merle, nói phương ngữ miền Nam rất giỏi, trầm ngâm: - Hèn chi khi đó chúng tôi nói với nhau tại sao pháo Việt cộng bắn giỏi thế.

Nay đã bẩy mươi ba, PGS Bá vẫn “chưa chịu già”, vừa làm Chủ tịch HĐQT Cty Secoin, một doanh nghiệp có tên tuổi, vừa liên tục nghĩ ra hết công trình này đến công trình khác. Hai dự án rất triển vọng là chiết xuất tinh dầu trầm, đa dạng hóa sản phẩm trầm hương ViệtNam và sản xuất nhiên liệu sinh học từ cây cọc rào. PGS Đinh Xuân Bá hiện được giới trầm hương coi như một trong những “giáo sư trầm hương” hàng đầu. Chính ông cũng là người đầu tiên cảnh báonhững rủi ro của nông dân trước sự phát triển quá nóng và tự pháttrong trồng cây dó bầu tạo trầm. Dự án sản xuất nhiên liệu sinh học của ông cũng được nhiều đơn vị quan tâm đánh giá cao. Hiện ông đang được một tập đoàn của Hàn Quốc mời hợp tác trong một chương trình nhiên liệu sinh học do chính phủ Hàn Quốc khởi động.

Cuộc trò chuyện của Merle Pribbenow với PGS Đinh Xuân Bá không chỉ có những câu hỏi “Vì sao?” của một học giả người Mỹ về một thế hệ thanh niên xung phong Việt Nam khí phách hào hùng. Merle còn ấn tượng trước tư duy thông tuệ của PGS Bá.

Merle: -Đâu là điều ông day dứt nhất?

PGS Đinh Xuân Bá: - Chúng tôi đã mất mát quá nhiều trong chiến tranh, nhất là mất mát nhân tài. Chắc các ông cũng thế.

Ông Bá lưu lại trong tâm khảm kỉ niệm về mấy người học trò cưng đã hy sinh. Nào là Lương Khánh Hồng, nhà ở phố Huế, người nếu không ngã xuống giờ hẳn là một trí thức lớn; nào là Tống Phúc Chính, con nuôi đồng chí Trường Chinh, một thanh niên thông minh và giàu khí phách; nào là Tô Minh Hải, một nhà khoa học tương lai.

- Khi đứng trước mộ mười cô gái thanh niên xung phong ở ngã ba Đồng Lộc, tôi đã không cầm được nước mắt. Vì đất nước, họ ngã xuống ở tuổi rất đẹp. Điều đó làm chúng ta có niềm tự hào là con em của một dân tộc kiêu hùng, đang làm chủ một đất nước không nhỏ. - Ông Bá bồi hồi: - Nhưng chúng ta vẫn chưa thực hiện được kì vọng đất nước sẽ sánh vai với cường quốc năm châu của họ. Còn cả núi công việc để nghĩa là phải đào núi và lấp biển. Tôi thường nói với đồng nghiệp, con cái rằng, chưa bao giờ như lúc này phải có lòng tự ái dân tộc. Tự ái dân tộc hình như cũng là một động cơ trong cuộc đời tôi.

Với tự ái ấy, ông Bá cùng con trai đã nỗ lực để Cty mình trở thành một doanh nghiệp có tên tuổi. Lịch làm việc của ông luôn dày đặc...

Nguyên An

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gặp“ông sáng tạo”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.