Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người đàn bà sống bằng hy vọng

ANHTHU| 06/10/2007 10:04

(HNM) - Hơn chục năm trời, đôi chân người phụ nữ nhỏ bé đã in dấu khắp những vùng đất xa xôi của miền biên giới Tây Nam Tổ quốc. Những địa danh như Phước Long, Lộc Ninh, Bù Đăng, Bù Đốp, Khe Xanh, Suối Dây, Suối Đá, Gò Dầu, Đắc Ơ... với chị trở nên quen thuộc. Chị như người du mục, mải miết đi tìm những vùng đất mới, nơi chôn dấu hy vọng về di cốt của người chồng đã hy sinh.

Bà Chính với những bức thư cuối cùng của chồng.

(HNM) - Hơn chục năm trời, đôi chân người phụ nữ nhỏ bé đã in dấu khắp những vùng đất xa xôi của miền biên giới Tây Nam Tổ quốc. Những địa danh như Phước Long, Lộc Ninh, Bù Đăng, Bù Đốp, Khe Xanh, Suối Dây, Suối Đá, Gò Dầu, Đắc Ơ... với chị trở nên quen thuộc. Chị như người du mục, mải miết đi tìm những vùng đất mới, nơi chôn dấu hy vọng về di cốt của người chồng đã hy sinh.

Sống bằng ngày hôm qua

Về xã Nghĩa Sơn (Nam Trực, Nam Định), hỏi chị Trần Thị Kim Chính, người dân chỉ cho chúng tôi ra phía chợ làng. Con đê quai biển làng Quần Liêu mùa nước động gió thổi ù ù. Biết có khách, người phụ nữ nhỏ bé tất tả gánh rau về. Bóng dáng hao gầy liêu xiêu đổ xuống vệ đê chấp chới cùng gánh rau bị gió thổi tung. Không ai ngờ trong người phụ nữ ấy lại ẩn chứa một tình yêu và sức mạnh phi thường.

Năm 1964, khi tròn 20 tuổi chị kết hôn với anh Nguyễn Xuân Hưởng. Sống với nhau được hơn một năm, vừa kịp có một mặt con, anh Hưởng xung phong đi bộ đội. Chị nhớ như in kỉ niệm cuối cùng ngày anh đi. Chị bế con tiễn anh đi hết con đê làng. Hôn đứa con gái bé tẹo, anh dặn chị: “Anh sẽ mau về, mẹ con em đợi anh nhé”.

Anh đi, chị viết cho anh rất nhiều thư. Ngày nào cũng viết, ngày nào cũng gửi như để nguôi đi nỗi nhớ. Thỉnh thoảng chị cũng nhận được hồi âm của anh, đôi khi chỉ là vài dòng ngắn ngủi. Một năm sau thì biệt vô âm tín, không trách anh, bởi chị hiểu điều kiện chiến trường liên lạc khó khăn. Chị vẫn viết thư cho dù không có lấy một hồi âm. Đôi khi có những lá thư không gửi đi, chị viết cho riêng mình.

Thế rồi đùng một cái, năm 1971 chị nhận được giấy báo tử, anh hy sinh từ ngày 9-7-1966. Chị mất anh vĩnh viễn. Người đàn bà ngồi trước mặt chúng tôi nghẹn ngào kể lại nỗi đau đã hơn 30 năm nhưng vẫn như vừa ập đến hôm qua: “Tôi bất ngờ như có ai đó cầm dao rất bén xẻ mình ra làm đôi với một cảm giác sợ hãi và đau đớn”. Tình yêu của chị dành cho anh thật lớn lao và xúc động.

Hành trình đi tìm mộ chồng

Đất nước thống nhất, theo thời gian, những liệt sỹ đồng đội của anh lần lượt được đưa về yên nghỉ tại quê hương. Chị và con gái chờ mãi nhưng “ở trên” nói chưa tìm thấy phần mộ của anh. “Bằng mọi giá phải đưa anh trở về, sống không được gần nhau thì lúc chết đi mong sẽ ở bên nhau mãi mãi” - Chị coi đó là tâm nguyện cả quãng đời còn lại của mình phải thực hiện.

Chị dạy vỡ lòng ở trường làng, mỗi vụ được 35 cân thóc, cả năm được 70 cân. Đắn đo mãi, năm 1980 chị xin nghỉ dạy học, ở nhà làm kinh tế cốt lo đủ tiền để đi tìm anh. Đầu năm 1990, ăn Tết xong, chị gọi người bán hết đàn lợn, gà cùng số tư trang thời con gái và số tiền dành dụm gần 20 năm, gói ghém tất cả rồi lên đường. Chị đi tàu vào TP.HCM, rồi đi xe đò xuống Bình Phước, nơi Trung đoàn 141, Sư đoàn 7 của anh trước đây đóng quân. Hồ sơ bị thất lạc, nhân chứng không còn ai, nơi anh yên nghỉ vẫn không một thông tin.

Chỉ còn một cách duy nhất, các cán bộ chính sách của Trung đoàn cho biết tất cả các phần mộ liệt sĩ đều được quy tập về nghĩa trang trên địa bàn tỉnh Bình Phước hoặc TP.HCM. Với một tia hy vọng mong manh, chị bắt đầu cuộc hành trình đi hết nghĩa trang này đến nghĩa trang khác để tìm anh. ở những nghĩa trang lớn thuận đường giao thông thì chị bắt xe đò, những nơi hẻo lánh thì đi bộ. Ngày đi, đêm nghỉ nhờ nhà những người dân tốt bụng. Cứ thế hơn một năm trời, chị đã đi hết hơn 50 nghĩa trang liệt sĩ lớn nhỏ, điểm từng ngôi mộ, dò từng dòng địa chỉ. Nhưng ông trời trớ trêu, chị vẫn không tìm thấy anh.

Số tiền chị dành dụm mang đi đã cạn nhưng quyết tâm thì càng nung nấu. Không đành lòng trở ra Bắc chị quay lại TP.HCM ở nhờ nhà người em họ. Chị đi làm thuê, ai thuê gì làm đấy, ban ngày thì gánh nước, bốc hàng... tối chị tranh thủ bóc hành thuê. Mỗi cân hành được 5 trăm đồng, mỗi đêm chị bóc được 20 cân,được 10 nghìn đồng.

Ở TP.HCM vừa làm thuê, chị vừa dò hỏi tin về những người đồng đội cũ của anh. Biếtđơn vị anh có hơn 600 chiến sĩthì có 32 người về Bắc, 5 người ở lại miền Nam, chị tìm đến địa chỉ nhà ông Trần Văn Bao (Ba Bao) khi trướclà chỉ huy của anh Hưởng. ÔngBa Bao cho biết: “Anh Hưởng hy sinh ở Đồi Quân y Bắc Sơn. Đó là khu đồi bí mật, ra vào đều có giao liên đưa đường, chỉ biết nó gần cây cầu sông Đắc Ơ, giáp biên giới Campuchia”.

Có thông tin, chị bỏ việc làm thuê và lại lên đường. Nhưng vùng biên giới rộng lớntoàn rừng rậm và đồng bào dân tộc S’tiêng sinh sống. Cán bộ chính sách của Trung đoàn 141, Sư đoàn 7 được cử đi cùng chị, sau mấy hôm tìm kiếm phải trở về đơn vị. Một mình ở lại chốn rừng thiêng nước độc, chị lần mò khắp dọc sông Đa Quýt dọc biên giới, buổi tối ngủ nhờ nhà người dân S’tiêng. ở Đắc Ơ chị đi làm thuê, hái tiêu, cuốc rẫy cho dân, mỗi ngày được 15 ngàn đồng và hai bữa cơm. Trong thời gian này, chị quen anh Biểu Đui từng là giao liên của Trung đoàn 141 và anh Ba Rui ở đoàn chiếu phim huyện Bình Long từng vào chiếu phim phục vụ bộ đội ở Đồi Quân y năm 1966. Hai anh đều là người S’tiêng. Nhưng khu vực Đồi Quân y lại là khu vực cấm. Chị vào Đồn Biên phòng 785 xin phép, nhưng theo quy định, muốn vào đây phải có giấy phép của Bộ Tư lệnh Biên phòng. Chị lại quay ra TP.HCM, đến trụ sở Bộ Tư lệnh Biên phòng xin giấy phép.

Cuối năm 1998, chị Chính cùng hai chiến sỹ Đồn Biên phòng 785, hai dân quân xã Đắc Ơ cùng anh Ba Rui “hành quân” vào Đồi Quân y. Đường rừng rậm rạp, vừa đi vừa phải mở đường, sau 4 ngày, gần đến nơi thì hết lương thực mang theo. Họ đành phải quay ra.

Rút kinh nghiệm lần trước, chị chuẩn bị lương thực cho đoàn ăn trong gần nửa tháng. 8 ngày luồn rừng tìm kiếm, họ đến được khu Đồi Quân y, dấu vết còn lại là những căn hầm chữ A và những đường hào đầy lá phủ. Sau 2 ngày tìm kiếm, chị và đồng đội không tin vào mắt mình, khu vực này có rất nhiều mộ liệt sỹ, không thể biết đâu là chồng chị. Chị tức tốc quay trở ra báo cáo với Huyện đội Bình Long. Huyện đội đã tiến hành họp khẩn cấp, sau khi so sánh, đối chiếu các tài liệu, đồng chí Huyện đội trưởng đưa ra kết luận: Đồi 319 ngay phía Bắc Đồi Quân y Bắc Sơn chính là khu đồi an táng các liệt sỹ của Trung đoàn 141, Sư đoàn 7 nhưng vẫn không tìm được mộ anh Hưởng .

Đến hôm nay, do tuổi cao, sức khỏe yếu, bà Chính không còn đi tiếp hành trình tìm di cốt của chồng. Trong căn nhà cấp 4, bà sống lặng lẽ và vẫn không nguôi hi vọng một ngày được đưa chồng trở lại quê hương.

Hương Chi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người đàn bà sống bằng hy vọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.