Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hướng ra biển đông và ý kiến của người trong cuộc

ANHTHU| 07/05/2005 08:27

(Trung tướng Nguyễn Khắc Nghiên, UVTƯ Đảng, Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam): Cần có sự đầu tư đặc biệt, một chiến lược toàn diện phát triển kinh tế - quốc phòng trên biển Đông Nằm trải dọc bờ biển nước ta, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam, là lá chắn rất quan trọng bảo vệ sườn phía Đông của đất nước.

Nằm trải dọc bờ biển nước ta, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam, là lá chắn rất quan trọng bảo vệ sườn phía Đông của đất nước. Thực hiện chiến lược “tiến ra biển Đông”, trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước, nhân dân đã dành nhiều sự quan tâm đối với bộ đội trên quần đảo Trường Sa và các cụm kinh tế - khoa học - kỹ thuật - dịch vụ, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam, bằng việc dành cả một chương trình lớn cho biển Đông và hải đảo, trong đó tập trung ưu tiên ngân sách cho đầu tư xây dựng các công trình bảo đảm hoạt động của bộ đội trên biển, đảo. Đời sống vật chất, tinh thần cũng như ý chí bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của bộ đội và nhân dân huyện đảo Trường Sa nói riêng, cả nước nói chung cũng ngày một cao hơn, đáp ứnglòng mong mỏi và sự quan tâm của Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn không ít khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo bởi nguồn lợi trên biển nước ta rất dồi dào, nhưng lại đang nằm trong tranh chấp với một số nước đang âm mưu độc chiếm biển Đông. Bên cạnh đó, khả năng mất an toàn và rủi ro trong các hoạt động trên biển là rất lớn, trong đó có cả gió bão, động đất và sóng thần... Điều này đặt ra cho chúng ta nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo rất nặng nề, đòi hỏi phải có sự quan tâm đầu tư đặc biệt, một chiến lược nghiên cứu toàn diện phát triển kinh tế - quốc phòng trên biển Đông. Trong đó bao gồm cả việc khai thác hải sản và bảo vệ nguồn lợi trên biển, khai thác khoáng sản dưới tầng sâu mặt nước cho phù hợp với ứng xử trên biển các nước trong khu vực và thông lệ quốc tế.

(Đại tá Nguyễn Viết Nhiên, Chỉ huy trưởng vùng D. Hải quân): Nên có những chính sách dài và ngắn hạn cho từng đảo

Là một bộ phận của Hải quân nhân dân Việt Nam, vùng D. Hải quâncó nhiệm vụ bảo vệ vững chắc quần đảo Trường Sa và vùng biển được phân công cùng với căn cứ Cam Ranh. Trước yêu cầu bảo vệ Tổ quốc ngày một nặng nề, các lực lượng trong vùng đã sáng tạo, xây dựng đơn vị chính quy tinh nhuệ, từng bước hiện đại và triển khai từng nhiệm vụ cụ thể cho phù hợp với tình hình mới, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc trong mọi tình huống. Trong điều kiện ở xa đất liền, phải chiến đấu độc lập, CBCS trên quần đảo đã thường xuyên huấn luyện thành thục các phương án chiến đấu và thực hiện đối sách trên biển, bảo đảm SSCĐ và chiến đấu thắng lợi khi đối phương có những hành động thù địch.

Chúng tôi đề nghị Đảng, Nhà nước nên có những chính sách đầu tư dài hạn, trung hạn và ngắn hạn cho từng đảo; tạo điều kiện cho ngư dân ra đánh bắt hải sản xa bờ và sinh sống trên quần đảo Trường Sa. Bên cạnh đó, phải từng bước rút ngắn khoảng cách từ đất liền ra biển,nối biển đảo với đất liền bằng cách tăng số lượng tàu thuyền và cả máy bay ra đảo; hỗ trợ hệ thống thông tin, điện thoại cho các đảo và có chế độ chính sách ưu tiên, ưu đãi với các CBCS Trường Sa sau khi hoàn thành nhiệm vụ, để CBCS trên đảo yên tâm công tác, thực sự coi “đảo là nhà, biển cả là quê hương”.

HNM

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hướng ra biển đông và ý kiến của người trong cuộc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.