Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khẳng định vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam

Đà Đông| 17/11/2012 05:50

(HNM) - Ngày 16-11, Quốc hội (QH) tiếp tục thảo luận tại hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.


 Nhấn mạnh vai trò lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhiều ĐBQH đề nghị, Hiến pháp cần tiếp tục khẳng định, làm rõ hơn vị trí, vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội.

Quan tâm đến Điều 4 của Hiến pháp, ĐB Lê Nam (đoàn Thanh Hóa) đánh giá, dự thảo có những nội dung đổi mới thể hiện rõ bản chất mối quan hệ của Đảng với nhân dân, khẳng định trách nhiệm của Đảng trước nhân dân, bổ sung thêm bên cạnh tổ chức của Đảng, đảng viên phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Tuy nhiên, dự thảo cần thêm một số điều quy định về bản chất của Đảng, nội dung, phương thức lãnh đạo, trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền hạn của Đảng, của tổ chức Đảng, đảng viên của Đảng trước đất nước, trước nhân dân và trước pháp luật. ĐB nhấn mạnh, Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội là sự lựa chọn của lịch sử và khẳng định tính chính danh không bàn cãi. Do vậy, nếu quy định rõ ràng về Đảng trong Hiến pháp một cách công khai, minh bạch thì không có gì mà ngại ngần khi quy định Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng do Đảng chủ trì hay vai trò của Ủy ban Kiểm tra Đảng trong Luật Phòng, chống tham nhũng.

Đồng tình với ý kiến của ĐB Lê Nam, nhiều ĐB cho rằng, việc quy định rõ và đầy đủ về Đảng Cộng sản Việt Nam; vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội trong Hiến pháp sửa đổi sẽ khẳng định rõ hơn vị thế của Đảng. Mặt khác, đây cũng là công cụ pháp lý cực kỳ quan trọng ngăn chặn sự suy thoái, tự diễn biến của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, không để tổ chức, cá nhân nào đứng lên trên, đứng ra ngoài Hiến pháp, pháp luật.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) bổ sung, hiện nay Đảng có ba chủ thể: Thứ nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam, thứ hai là các tổ chức của Đảng, thứ ba là đảng viên. Nhưng khi xây dựng Điều 4 trong dự thảo, Ban soạn thảo mới quy định các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động theo khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Vì vậy, dự thảo cần bổ sung theo hướng "Đảng, các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật".

Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến cũng yêu cầu Hiến pháp cần khẳng định mạnh mẽ về toàn vẹn lãnh thổ, toàn vẹn chủ quyền của Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. ĐB Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) đề xuất, Ban soạn thảo cần nghiên cứu một cách cẩn trọng để đưa tuyên bố chủ quyền của Hoàng Sa và Trường Sa vào Hiến pháp. Bởi đây là việc làm hết sức cần thiết để chúng ta thể hiện tuyên bố mạnh mẽ về chủ quyền với những chứng cứ lịch sử rõ ràng. Hoan nghênh Điều 11 trong dự thảo đã có nhiều chỉnh sửa so với Hiến pháp cũ, ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) yêu cầu, Hiến pháp mới cần quy định rõ: Mọi hành vi chống lại độc lập chủ quyền thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xâm hại lợi ích của Tổ quốc và nhân dân đều bị cấm và nghiêm trị.

Ngoài ra, các vấn đề liên quan tới tăng thẩm quyền đối với Chủ tịch nước; thành lập cơ quan kiểm toán độc lập trực thuộc QH, vai trò của các thành phần kinh tế; những quy định đối với các cơ quan tư pháp… cũng được nhiều ĐB quan tâm đề cập.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khẳng định vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.