Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phải bảo đảm quyền phúc quyết của nhân dân

Đà Đông| 20/11/2012 07:37

(HNM) - Sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là một nội dung quan trọng được bàn thảo tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội (QH) khóa XIII đang diễn ra.

Những gì tiến bộ cần kế thừa

ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) phân tích, Hiến pháp năm 1946 có quy định rất rõ việc nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia. Như vậy, về bản chất, người dân có quyền trực tiếp quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và nếu Nhà nước muốn sửa đổi Hiến pháp người dân cũng phải được trưng cầu dân ý. Nhưng tại Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, quyền phúc quyết của người dân không được đưa vào, chúng ta cần phải khôi phục lại bởi đây là một nội dung hết sức quan trọng.

Còn ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) nhận xét, Hiến pháp sửa đổi đã kế thừa và khẳng định mọi quyền lực thuộc về nhân dân nhưng các nội dung về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân còn mờ nhạt. Để người dân thực sự làm chủ thì phải quy định rõ hơn nữa về quyền bầu cử, ứng cử, trưng cầu ý dân. ĐB Thúy cũng cho rằng, điều 76 trong Hiến pháp sửa đổi quy định, QH có quyền quyết định việc trưng cầu ý dân là chưa đủ mà cần bổ sung thêm quyền phúc quyết của nhân dân vốn đã từng được xác định tại Hiến pháp 1946 và có cơ chế bảo đảm người dân được thực hiện quyền này. Thậm chí, theo đánh giá của ĐB, một số quyền của công dân tại Dự thảo Hiến pháp mới đang bị thu hẹp hơn so với Hiến pháp năm 1992. Chẳng hạn, Ðiều 53, Hiến pháp 1992 quy định: Công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan Nhà nước, biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân. Trong khi đó, dự thảo mới chỉ đề cập công dân có quyền biểu quyết khi nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân.

Theo dõi sát sao các diễn biến từ QH, đông đảo cử tri đã bày tỏ sự đồng tình khi các ĐBQH phát biểu ý kiến về bảo đảm quyền phúc quyết của nhân dân tại diễn đàn QH. Không ít cử tri bày tỏ, quyền phúc quyết của nhân dân từng được coi là điểm nhấn tiến bộ nhất của Hiến pháp năm 1946 và không hề thua kém so với các Hiến pháp tiến bộ trên thế giới. Đánh giá cao các ý kiến của ĐBQH, cử tri cho rằng việc kế thừa này là hết sức cần thiết, bảo đảm quyền làm chủ của người dân trong một nhà nước "của dân, do dân và vì dân".

Tăng thời gian lấy ý kiến nhân dân

Trong các phiên thảo luận, việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cũng được các ĐB đồng thuận, nhất trí cao. ĐB Huỳnh Minh Hiển (đoàn TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, Hiến pháp là luật cơ bản, "luật mẹ" của tất cả các luật nên việc lấy ý kiến nhân dân là một khâu rất quan trọng để tập hợp trí tuệ, cũng như tâm tư, nguyện vọng của nhân dân đối với việc xây dựng Hiến pháp. Còn theo ĐB Ngô Văn Minh (đoàn Quảng Nam), chủ trương lấy ý kiến nhân dân đã thể hiện đúng bản chất mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân. Tuy nhiên, các ĐB cho rằng thời gian lấy ý kiến nhân dân 3 tháng (từ ngày 2-1-2013 đến ngày 31-3-2013) như dự thảo là quá ngắn, vì phần lớn thời gian này trùng với các dịp nghỉ lễ, Tết. Hiến pháp là luật gốc, mỗi câu, mỗi chữ trong Hiến pháp đều tác động trực tiếp tới đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước nên cần thiết phải dành thời gian thỏa đáng để bàn thảo và lắng nghe, tiếp thu ý kiến của nhân dân. Có ý kiến đề xuất thời gian lấy ý kiến nhân dân nên kéo dài từ 1-12-2012 đến 30-4-2013.

Không chỉ yêu cầu tăng thời gian, nhiều ĐBQH còn đề xuất mở rộng việc lấy ý kiến đến mọi đối tượng, từ các chuyên gia, nhà khoa học, người dân bình thường đến người Việt Nam và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Bên cạnh đó, cũng cần tính đến phương án đăng tải các ý kiến được tiếp thu, giải trình để người dân được biết.

Theo kế hoạch, Ủy ban Sửa đổi Hiến pháp sẽ tổ chức lấy ý kiến nhân dân, sau đó tiếp thu hoàn chỉnh Dự thảo Hiến pháp đưa ra trước toàn dân và báo cáo QH. Dự kiến, Hiến pháp sửa đổi được thông qua tại tại kỳ họp cuối năm 2013. Thời gian không còn nhiều, cử tri tin tưởng những điều cử tri mong muốn, gửi gắm qua các ĐBQH sẽ được ghi nhận. Có như vậy, mới thể hiện đúng bản chất của Hiến pháp "là khế ước xã hội, là sự đồng thuận của nhân dân trao cho Nhà nước quyền lực của mình để Nhà nước quản lý, điều hành xã hội và có cơ chế để Nhà nước không lạm quyền, để người dân được sử dụng đúng quyền lực chính trị của mình" theo ý kiến của Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của QH Đinh Xuân Thảo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phải bảo đảm quyền phúc quyết của nhân dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.