Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên

TS. Phạm Văn Khánh| 26/11/2012 07:05

(HNM) - Thực hiện Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) về

Theo dõi việc kiểm điểm theo Nghị quyết TƯ 4 "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", một trong những vấn đề đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân quan tâm là kết quả tự phê bình, phê bình và nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Báo cáo kết quả kiểm điểm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã nêu bật tinh thần tự phê bình và phê bình của cấp cao nhất và các cán bộ cao cấp nhất. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị đã thành thật nhận lỗi trước Đảng, trước nhân dân về những khuyết điểm, yếu kém trong lãnh đạo,  điều hành đất nước. Tinh thần nêu gương kiểm điểm, tự phê bình và phê bình của Bộ Chính trị, của Tổng Bí thư đã tạo luồng sinh khí mới trong sinh hoạt đảng và khơi dậy niềm tin của quần chúng vào công tác chỉnh đốn Đảng.

Trong lịch sử Đảng ta, những đợt chỉnh đốn Đảng mà sự nêu gương của cán bộ và cấp ủy cấp cao đã thiết thực góp phần làm trong sạch Đảng, tăng cường sức mạnh đoàn kết của Đảng và gắn bó chặt chẽ với nhân dân. Bởi vì, việc nêu gương của tổ chức, cán bộ, đảng viên tự giác kiểm điểm và phê bình, quyết tâm sửa chữa khuyết điểm là vấn đề cốt tử để giữ vững và nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người nêu gương tự phê bình và phê bình và cũng  thường nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải tự mình nêu gương thật thà tự phê bình và phê bình. Người cho rằng một đảng mà giấu giếm khuyết điểm là một đảng hỏng. Một đảng có gan thừa nhận khuyết điểm, tìm rõ nguyên nhân và quyết tâm sửa chữa là một đảng mạnh, cách mạng, chân chính.

Trong thực tiễn công tác Đảng, những yếu kém trong chỉnh đốn Đảng hiện nay có nguyên nhân liên quan tới việc nêu gương của tổ chức và cán bộ, đảng viên. Do người đứng đầu, tập thể cấp ủy không tự nêu gương phê bình và tự phê bình, dẫn tới dân chủ chỉ mang tính hình thức nếu không muốn nói còn tạo ra những thói xấu như nịnh hót, a dua, trù dập người phê bình. Một khi người đứng đầu không nêu gương tốt mà còn làm những việc vi phạm Điều lệ và kỷ luật Đảng sẽ tạo ra môi trường cho không ít cán bộ, đảng viên làm những việc xấu, lợi dụng chức quyền để tham ô tài sản, tiền của Nhà nước và của dân, thậm chí làm trái nghị quyết của Đảng và luật pháp nhà nước, khiến nhân dân bức xúc. Thực tế, đã có những tập thể cấp ủy vi phạm kỷ luật Đảng và pháp luật, xâm phạm lợi ích của nhân dân như vậy.

Việc nhận lỗi và sửa chữa trong kiểm điểm tự phê bình và phê bình trước tổ chức đảng và trước nhân dân có tác dụng thiết thực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người làm gương và nhiều lần chỉ rõ: Có khuyết điểm thì thật thà tự phê bình trước nhân dân và hoan nghênh nhân dân phê bình mình; Sẵn sàng học hỏi nhân dân; Tự mình phải làm gương mẫu cần kiệm liêm chính, để nhân dân noi theo. Suy ngẫm về những điều Bác dạy cán bộ, đảng viên, liên hệ với thực trạng Đảng ta hiện nay, chúng ta thấy mấy chục năm kể từ khi đi vào kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, bên cạnh những thành tựu thì chủ nghĩa cá nhân có nhiều điều kiện phát triển. Mặc dù Đảng ta đã sớm chỉ ra cho các cấp ủy quan tâm lãnh đạo cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân nhưng trong một bộ phận đảng viên, chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, nhất là những đảng viên có chức vụ, quyền hành trong các lĩnh vực dễ nảy sinh tiêu cực, dẫn đến lộng quyền, lạm quyền, tham nhũng, lãng phí, làm sai chính sách, xâm phạm lợi ích chính đáng của nhân dân.

Công tác chỉnh đốn Đảng trong quá trình thực hiện Nghị quyết TƯ 4 cần phải tạo ra sinh khí mới trong sinh hoạt đảng. Trước hết cần phát huy và thực hành dân chủ rộng rãi, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động và sinh hoạt của các cấp ủy, chi bộ. Theo đó là thực hiện nghiêm và có hiệu quả việc phân công, hướng dẫn, kiểm tra đảng viên chấp hành nhiệm vụ, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu trong công tác, học tập và lối sống; củng cố và phát triển mối liên hệ với quần chúng nơi công tác và với tổ chức đảng nơi cư trú. Trong sinh hoạt đảng quan tâm nêu gương các đảng bộ, chi bộ và đảng viên đã thực hiện tốt việc kiểm điểm, góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng, tăng cường mối quan hệ gắn bó với nhân dân. Hết sức coi trọng kỷ luật của Đảng, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên sai phạm; đồng thời cần xây dựng và thực thi những quy định về quản lý đảng viên theo Điều lệ Đảng và các nghị quyết của Đảng gắn liền với công tác kiểm tra đảng cũng như chịu sự giám sát của hệ thống chính trị và của nhân dân.

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, gắn liền trách nhiệm nêu gương, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức "dù công tác to hay nhỏ, địa vị cao hay thấp, ở đâu cũng phải làm gương mẫu cho quần chúng", cần xung phong làm gương mẫu. Cán bộ, đảng viên phải hòa mình với nhân dân, làm cầu nối của Đảng, Nhà nước với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, làm cho nhân dân tin tưởng, ra sức vận động nhân dân hăng hái thực hiện những chủ trương, chính sách của Đảng và tiếp thu những ý kiến đóng góp của nhân dân xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Có như vậy mới làm cho quần chúng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và là yếu tố tạo nên thành công của Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.