Theo dõi Báo Hànộimới trên

Góp ý sửa đổi Hiến pháp: Những điểm nhấn đáng chú ý

Võ Lâm| 29/01/2013 06:38

(HNM) - Đợt tập trung lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 kéo dài 3 tháng, từ ngày 2-1 đến 31-3-2013. Như vậy, chỉ còn khoảng 2 tháng để người dân tập trung cho ý kiến vào đạo luật


Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 công bố để lấy ý kiến nhân dân gồm 11 chương với 124 điều, giảm 1 chương và 23 điều, trong đó, giữ nguyên 12 điều, bổ sung, sửa đổi 101 điều, bổ sung 11 điều mới.

Quy định về quyền lực nhà nước là một trong những điểm nhấn của Dự thảo sửa đổi lần này. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho biết, trong những quy định về bộ máy nhà nước, Dự thảo xác định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan thực hiện "tam quyền": quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Ngoài nguyên tắc tất cả quyền lực thuộc về nhà nước, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp khẳng định Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công phối hợp và kiểm soát quyền lực. Toàn bộ Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã tập trung thể hiện nội dung kiểm soát quyền lực. Cụ thể là theo ba hướng: Thứ nhất, thẩm quyền từng bộ máy trong các cơ quan nhà nước được quy định rõ hơn; thứ hai, đề cao dân chủ trực tiếp của nhân dân, người dân được quyền lập hội để tham gia kiểm soát quyền lực nhà nước, đồng thời giao cho Mặt trận Tổ quốc chức năng rất lớn là giám sát và phản biện các cơ quan nhà nước; thứ ba là thiết lập một số thiết chế, hiến định độc lập như Kiểm toán Nhà nước, Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng Bầu cử quốc gia. Trong đó, Hội đồng Hiến pháp (theo Điều 120) sẽ kiểm tra tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành. Trong khi đó, Điều 122 xác định rõ địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước thay vì chỉ căn cứ vào Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2005 như hiện nay.

Theo Thứ trưởng Hoàng Thế Liên, về chính quyền địa phương, tổng kết cho thấy có nhiều vấn đề quá phức tạp. Chẳng hạn, địa vị pháp lý của chính quyền địa phương, Hiến pháp 1992 quy định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn, giám sát HĐND; Chính phủ hướng dẫn và kiểm tra HĐND. Quy định như vậy là không thật rõ. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này đã khắc phục được vấn đề này. Tổ chức bộ máy chính quyền ở địa phương đã có sự khác biệt, không phải ở đâu cũng có HĐND, ngoài ra còn có sự phân biệt giữa chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn. Dự thảo cũng đề cập đến việc phân công, phân quyền ở chính quyền địa phương như đề cao trách nhiệm cá nhân ở UBND các cấp, phân công phân quyền ở HĐND. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp giao cho hệ thống luật quy định cách thức tổ chức từng cấp chính quyền địa phương.

Một trong những nội dung rất đáng quan tâm trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là Điều 54. Trước đó, bản dự thảo được trình Quốc hội thảo luận quy định: 1. Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối. Mục đích phát triển kinh tế là làm cho dân giàu, nước mạnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vật chất và tinh thần của nhân dân. 2. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật. Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Kinh tế tập thể với các hình thức hợp tác được củng cố và phát triển. Kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển.

Tuy nhiên, bản Dự thảo mới nhất công bố xin ý kiến nhân dân đã được chỉnh sửa theo ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội. Điều 54 bản Dự thảo quy định: 1.1. Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. 2. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật.

Quy định này thể hiện rất rõ sự bình đẳng trước pháp luật của các thành phần kinh tế. Điều này được nhiều chuyên gia cho rằng, sẽ góp phần tạo sự chuyển biến tốt hơn cho nền kinh tế đất nước, giảm bớt những ưu ái dễ dẫn đến tình trạng "ỉ lại" của các doanh nghiệp nhà nước…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Góp ý sửa đổi Hiến pháp: Những điểm nhấn đáng chú ý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.