Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghĩ về Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI)

PGS, TS Nguyễn Chí Mỳ| 03/02/2013 06:07

(HNM) - Trong cuốn sách "Hồ Chí Minh - Quá khứ, Hiện tại và Tương lai", Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã có nhận xét sâu sắc:

"Hồ Chí Minh có sự nhạy cảm đặc biệt đối với lịch sử, thấu hiểu cuộc sống con người, có nhận thức sâu sắc về vận mệnh dân tộc, về hướng đi của thời đại". Một số cứ liệu lịch sử đã chứng minh cho sự nhận định khách quan, sâu sắc này.

Ví dụ, năm 1941, sau 30 năm đi tìm đường cứu nước, bôn ba hoạt động với đủ loại nghề nghiệp ở nước ngoài để thực hiện con đường cứu nước đã chọn, đầu năm 1941, trở về Tổ quốc, trong cuốn sách làm tài liệu tuyên truyền "Lịch sử nước ta'', ở cuối có mục "Những năm tháng quan trọng", Bác viết: "1945- Việt Nam độc lập". Lúc đó, "Anh em có người nói sớm, có người nói muộn, Bác nghe trao đổi, chỉ nói: Để rồi xem".

Năm 1960, trong diễn văn đọc tại lễ chào mừng Quốc khánh 2-9, có đoạn: "Toàn dân ta đoàn kết nhất trí, bền bỉ đấu tranh, thì chậm nhất là 15 năm nữa, Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất, Bắc - Nam nhất định sẽ sum họp một nhà".

Cuối năm 1967, khi nói chuyện với Tư lệnh bộ đội Phòng không - Không quân Bác khẳng định: "Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua, sau khi thua trên bầu trời Hà Nội".

Đây có thể nói là "những dự cảm thiên tài của Bác", mang dáng dấp như là những lời tiên tri. Thực ra những dự cảm - tiên tri - dự báo của Bác là trên cơ sở "nhận thức sâu sắc vận mệnh dân tộc, về hướng đi của thời đại'', nắm vững quy luật vận động của thực tiễn, của cách mạng Việt Nam.

Ba lần dự cảm trên thì thực tế sau đó diễn ra đúng như vậy.

Tháng 5-1968, khi bổ sung vào Di chúc, Bác viết: "Ngay sau khi cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi…, việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy, chúng ta cũng nhất định thắng lợi". Bác đã lưu ý "đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tươi tốt. Để giành thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của nhân dân".

Mới đây, khi Hội nghị Trung ương 4 được tiến hành và nhất là sau khi Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) được ban hành, có thể nói, một luồng không khí tươi mới đã lan tỏa mạnh mẽ, sâu, rộng trong toàn xã hội. Cán bộ, đảng viên, nhân dân đều đánh giá Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" đã phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của đảng viên, nhân dân, đã nói rất đúng, rất trúng với các giải pháp đồng bộ, khả thi. Nhân dân, đảng viên rất kỳ vọng ở Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Quá trình triển khai, thực hiện, Bộ Chính trị đã có nhiều đợt kiểm điểm, 21 ngày cả tập thể và cá nhân theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4. Qua kiểm điểm, được Bộ Chính trị đánh giá là thẳng thắn, chân thành, nghiêm túc, phát huy cao độ tự phê bình và phê bình. Song, cho đến nay, trong xã hội đã xuất hiện nhiều dư luận trái chiều, thậm chí có dư luận cho rằng Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã "hòa cả làng", chẳng thi hành kỷ luật được ai.

Tuy không kỷ luật, nhưng không kỷ luật không có nghĩa là không có khuyết điểm, thậm chí có những khuyết điểm nghiêm trọng. Đồng chí Tổng Bí thư thay mặt Bộ Chính trị, thay mặt Trung ương Đảng đã nhận lỗi trước nhân dân. Đồng chí Thủ tướng Chính phủ đã thay mặt Chính phủ nhận lỗi trước nhân dân, trước Đảng, trước Quốc hội và đã hứa quyết tâm phấn đấu vì Tổ quốc, vì nhân dân, vì Đảng, vì chế độ, vì sự phát triển bền vững của đất nước. Vấn đề bây giờ là phải xây dựng được cơ chế để nhân dân giám sát sự sửa chữa khuyết điểm mà đồng chí Tổng Bí thư, đồng chí Thủ tướng đã hứa. Việc tái lập Ban Nội chính Trung ương, Đảng trực tiếp chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng; lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt Quốc hội và HĐND bầu và phê chuẩn; xây dựng cơ chế để nhân dân giám sát cán bộ, đảng viên… Đây là những tín hiệu tích cực để nhân dân tiếp tục có niềm tin và hy vọng.

Ba lần Bác dự cảm trước đây với đối tượng chiến đấu rất rõ ràng, chủ yếu là từ bên ngoài. Lần dự cảm thứ tư, như là dành cho Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), tuy đối tượng có khó khăn và phức tạp hơn, đó là kẻ thù nằm ngay trong hàng ngũ đồng chí chúng ta. Cuộc chiến đấu này đang đòi hỏi mỗi người phải vượt lên từ chính mình.

Để Đảng ta trong sạch vững mạnh, một trong những nội dung quan trọng của công tác xây dựng Đảng là phải làm cho cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý, gương mẫu, vì dân, "là người lãnh đạo nhưng cũng là công bộc, tận tụy phục vụ nhân dân", được dân tin, dân mến.

Khó khăn thử thách dẫu biết đang còn rất nhiều ở phía trước, nhưng đi theo lời chỉ dẫn của Bác "động viên nhân dân, tổ chức giáo dục nhân dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của nhân dân", chắc chắn Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) sẽ đi vào cuộc sống, chắc chắn niềm tin trong nội bộ Đảng, niềm tin của nhân dân với Đảng sẽ được củng cố, bồi đắp và phát triển.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nghĩ về Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.