Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đổi mới hệ thống chính trị cơ sở: Những bất cập cần tháo gỡ

Quốc Bình| 02/03/2013 06:37

(HNM) - Để chuẩn bị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết TƯ 5 (khóa IX) và xây dựng đề án "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở", đoàn công tác của Ban chỉ đạo xây dựng đề án đã khảo sát tại phường Quảng An, quận Tây Hồ (Hà Nội). Kết quả cho thấy còn không ít lực cản khiến hệ thống chính trị cơ sở chưa phát huy hết hiệu quả, nhất là trong giải quyết những vấn đề bức xúc đặt ra.

Trước hết là việc tổ chức, sắp xếp cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị cơ sở còn bất hợp lý. Mỗi năm, phường Quảng An thu ngân sách trên 20 tỷ đồng, chi ngân sách khoảng 10 tỷ đồng. Số kinh phí này được coi là lớn, nhưng chỉ có một thủ quỹ, lại kiêm nhiệm nhân viên thống kê. Chưa kể, kế toán của Đảng ủy phường cũng kiêm luôn kế toán của UBND phường. Việc thiếu cán bộ gây ra không ít tình huống khó khăn, khi cán bộ duy nhất đó có việc riêng, không bảo đảm sức khỏe làm việc… khiến nhiều việc khác bị đình trệ theo. Trong khi đó, vẫn có những vị trí cán bộ nhàn rỗi. Đây là một trong những biểu hiện tiêu biểu cho thấy tình trạng bất cập khi bộ máy hành chính của nước ta cồng kềnh, nhưng vẫn thiếu người.

Quất cảnh là một trong những nguồn thu của phường Quảng An, quận Tây Hồ.
Ảnh: Nguyệt Ánh


Một trong những điểm phức tạp nhất tại cơ sở hiện nay là chưa thống nhất khái niệm khu dân cư và tổ dân phố Quảng An cũng không ngoại lệ. Phường có 10 khu dân cư; mỗi khu dân cư gồm 3-5 tổ dân phố. Khu dân cư không có trưởng khu, nhưng có bí thư chi bộ khu; tổ dân phố có tổ trưởng mà không có chi bộ. Theo ông Phan Bá Hùng, Đảng ủy viên phường Quảng An, mọi việc đều đến tay bí thư chi bộ khu. Nhưng một khu dân cư có vài trăm hộ, công việc quá nặng nề, nên rất khó để tìm một người đứng ra làm bí thư chi bộ. Chưa kể rất nhiều chồng chéo, khó khăn trong việc triển khai tổ chức hoạt động. Theo ý kiến của Ủy ban MTTQ phường, cả phường có 42 tổ dân phố với 81 tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố là quá lãng phí. Nên tổ chức 70-90 hộ/1 tổ dân phố và hợp nhất tổ chức khu dân cư và tổ dân phố. Với 2.000 hộ, phường Quảng An chỉ cần có 20-30 tổ dân phố và sắp xếp chi bộ theo tổ dân phố là vừa. Có như vậy, việc tìm người làm bí thư chi bộ tổ dân phố, tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố cũng đỡ khó khăn hơn.

Một trong những "mắt xích" yếu trong hệ thống chính trị cơ sở còn phải kể đến là HĐND phường. Vì nhiều hạn chế về tổ chức, HĐND phường không khẳng định rõ vai trò trong việc giám sát và nâng cao hiệu quả công tác của UBND cùng cấp. Các cuộc họp của HĐND và UBND không khác nhau nhiều, gây ra sự nhàm chán, thiếu thuyết phục. Các ý kiến của cán bộ phường khẳng định, việc không có quy định ràng buộc trách nhiệm thực hiện kết luận giám sát, không có sự độc lập tương đối giữa HĐND và UBND phường đã dẫn đến việc HĐND phường hoạt động không hiệu quả.

Vai trò của HĐND phường đã được xem xét rất cụ thể trong việc thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường vừa qua. Nhưng qua thực tế và tiếng nói của những người trong cuộc tại phường Quảng An càng thấm thía yêu cầu xem xét lại chức năng, tổ chức và hoạt động của HĐND cấp cơ sở. Nếu giữ nguyên cơ cấu tổ chức hiện nay thì việc không tổ chức là không phải bàn cãi, nhưng nếu giữ lại thì HĐND cấp phường phải được thay đổi căn bản về tổ chức và hoạt động. Đây cũng là vấn đề đang đặt ra trong việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Thực tế quản lý, điều hành tại phường Quảng An cũng giống nhiều phường tại Tây Hồ là gặp nhiều khó khăn trong lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng. Đây cũng là hai nội dung được yêu cầu kiểm điểm sâu theo Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) vừa qua. Mỗi năm phường tiếp nhận 1.600 công văn đến, ban hành 600-700 văn bản đi, hàng trăm tình huống chính trị - xã hội đặt ra. Tại Quảng An có nhiều vụ việc bức xúc liên quan đến hai lĩnh vực này kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm. Ngoài nguyên nhân khách quan, có nguyên nhân chủ quan là chất lượng cán bộ chưa cao. Việc xảy ra không xử lý kịp thời, việc đơn giản chậm giải quyết để thành phức tạp. Bí thư Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Văn Thắng cho rằng, sở dĩ như vậy vì cán bộ còn yếu về kỹ năng lãnh đạo và quản lý, nhất là kỹ năng xử lý tình huống. Thực tế này đặt ra thắc mắc về chất lượng giáo trình và phương pháp giảng dạy tại các trường đào tạo cán bộ của nước ta hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới hệ thống chính trị cơ sở: Những bất cập cần tháo gỡ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.