Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng ĐHQG Hà Nội thành ĐH nghiên cứu hàng đầu đất nước

Theo chinhphu.vn| 18/03/2013 14:01

Sáng 18/3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới thăm và nói chuyện với các nhà giáo, nhà khoa học, cán bộ, sinh viên ĐHQG Hà Nội.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm việc với lãnh đạo ĐHQG Hà Nội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc


Sáng 18/3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới thăm và nói chuyện với các nhà giáo, nhà khoa học, cán bộ, sinh viên ĐHQG Hà Nội.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vui mừng nhận thấy sau gần 18 năm xây dựng và phát triển, ĐHQG Hà Nội đã lớn mạnh và đạt nhiều thành tích, trở thành trung tâm đào tạo đại học, sau đại học, nghiên cứu khoa học và công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực hàng đầu của đất nước.

Đội ngũ cán bộ, giảng viên, công nhân viên của ĐHQG Hà Nội đã phát triển nhanh về số lượng và chất lượng với hơn 3.700 người, trong đó, tỷ lệ GS, PGS đạt 17,5%, TS đạt 43,5%; có nhiều Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú... Hàng năm, ĐHQG Hà Nội đào tạo được khoảng 10.000 kỹ sư, cử nhân, hơn 1.500 thạc sĩ và hàng trăm nghiên cứu sinh với chất lượng ngày càng cao.

Hoạt động đào tạo của ĐHQG Hà Nội ngày càng được chuẩn hóa; phương pháp đào tạo đã từng bước được đổi mới, triển khai nhiều chương trình tiên tiến; công tác kiểm định chất lượng đào tạo được tăng cường, tích cực áp dụng các hệ thống bảo đảm chất lượng đào tạo theo chuẩn quốc tế. Công tác nghiên cứu khoa học tập trung vào các lĩnh vực khoa học mũi nhọn, hiện đại, thiết thực gắn với nhu cầu xã hội.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh hiện nay, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân nỗ lực phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu Đại hội XI của Đảng đề ra là đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020; từng bước phát triển nhanh nền kinh tế tri thức; coi phát triển nguồn nhân lực là một trong 3 đột phá chiến lược. Nhiệm vụ này đòi hỏi phải thực hiện tốt chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo. Trong năm 2013, ngành Giáo dục phải triển khai thực hiện Luật Giáo dục đại học vừa được Quốc hội thông qua; chiến lược phát triển giáo dục, chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn 2011-2020 và Kết luận Hội nghị Trung ương 6 (khoá XI) về giáo dục và đào tạo.

Góp phần thực hiện nhiệm vụ đó, ĐHQG Hà Nội cần phải nỗ lực hơn nữa để phát triển theo hướng đại học nghiên cứu, đào tạo cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao; năng lực nghiên cứu khoa học mạnh; chuyển giao công nghệ và mở rộng hợp tác quốc tế có hiệu quả, sớm đưa ĐHQG Hà Nội đạt trình độ quốc tế ở nhiều ngành nghề đào tạo và lĩnh vực.

Thủ tướng lưu ý, công tác đào tạo đại học, sau đại học phải đặc biệt chú trọng về chất lượng, phải tạo được sự cải thiện rõ rệt về chất lượng đào tạo, không chạy theo số lượng.

Đồng thời, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức nhà giáo cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, phấn đấu tăng nhanh tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ, giáo sư, phó giáo sư. Giảng viên phải đồng thời là nhà khoa học, thực hiện tốt hai nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu, tham gia chuyển giao kỹ thuật.

Phát huy năng lực các nhà khoa học để ngày càng có nhiều công trình nghiên cứu, phát minh khoa học có giá trị cao, những ứng dụng thiết thực, hiệu quả. Thực hiện tốt việc gắn kết giữa đào tạo với nghiên cứu khoa học, gắn hoạt động của nhà trường với các doanh nghiệp và đời sống xã hội. Tiếp tục mở rộng hợp tác, liên kết đào tạo quốc tế với các trường đại học tiên tiến, có uy tín trên thế giới.

Trong đổi mới phương pháp đào tạo, coi sinh viên là trung tâm, tạo điều kiện và khuyến khích sinh viên tự học, tự nghiên cứu, đồng thời chú trọng giáo dục nhân cách, lý tưởng, nhận thức chính trị và phẩm chất đạo đức cho học sinh, sinh viên.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh, ĐHQG Hà Nội cần chủ động phối hợp chặt chẽ cùng với Bộ Xây dựng đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án xây dựng ĐHQG Hà Nội tại Hoà Lạc, hoàn thành một số công trình, cơ sở vật chất đáp ứng cho việc chuyển dần một số trường đại học thành viên và đơn vị trực thuộc đến trụ sở mới, bảo đảm điều kiện phục vụ giảng dạy học tập tốt hơn.

Thủ tướng nói chuyện với cán bộ và sinh viên ĐHQG Hà Nội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc


Làm việc với Ban Giám đốc ĐHQG Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những bước tiến của ĐHQG Hà Nội, nhất là trong xây dựng, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ giảng viên; từng bước nâng cao chất lượng, số lượng đào tạo đại học, sau đại học; không ngừng mở rộng hợp tác quốc tế hiệu quả với các trường đại học trên thế giới.

Đồng thời, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các Bộ, ngành chức năng khẩn trương ban hành mô hình tổ chức, cơ chế chính sách cho ĐHQG Hà Nội; làm rõ những cơ chế, chính sách cụ thể về mô hình đại học trong đại học, giữa đào đào tạo và nghiên cứu…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo các Bộ, ngành chức năng đã xem xét, cho ý kiến đối với một số đề xuất, kiến nghị của ĐHQG Hà Nội như xây dựng đề án thí điểm thu hút và đãi ngộ giảng viên, nhà khoa học trình độ cao, tài năng; sớm ban hành Nghị định và Quy chế tổ chức hoạt động của ĐHQG đảm bảo tự chủ đại học; cho phép ĐHQG Hà Nội làm chủ đầu tư các dự án thành phần từ các nguồn vốn huy động được…

Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trao quyết định bổ nhiệm Giám đốc ĐHQG Hà Nội cho ông Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn ông Phùng Xuân Nhạ tiếp tục kế thừa truyền thống, thành tựu của ĐHQG Hà Nội, đề cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt chức trách được giao; tập thể Ban Giám đốc ĐHQG Hà Nội đoàn kết, đồng lòng, tiếp tục xây dựng và phát triển ĐHQG Hà Nội thực sự là đại học hàng đầu, góp phần đào tạo nhân lực chất lượng cao cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Báo cáo Thủ tướng tại buổi làm việc, Giám đốc ĐHQG Hà Nội Phùng Xuân Nhạ cho biết để xây dựng và phát triển theo định hướng đại học nghiên cứu, trong năm 2013 và những năm tiếp theo, ĐHQG Hà Nội chủ trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ như: xác định nghiên cứu khoa học là yếu tố nền tảng, vừa là mục tiêu, nhiệm vụ, vừa là phương châm và phương thức để đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ trình độ cao, phát triển các sản phẩm khoa học công nghệ và phục vụ nâng cao chất lượng đào tạo; kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo với nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội nhân văn; giữa khoa học và công nghệ để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và bồi dưỡng nhân tài; thực hiện phương châm giảng viên là nhà khoa học; tiên phong đổi mới công tác quản lý các hoạt động khoa học công nghệ và quản trị đại học tiên tiến, đề xuất và thực hiện các cơ chế nâng cao chất lượng và hiệu quả các hoạt động khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo;…

Theo mục tiêu phát triển đến năm 2020, ĐHQG Hà Nội phấn đấu vào Top 100 đại học của châu Á, với quy mô 60.000 sinh viên, 3.000 giảng viên, nghiên cứu viên, trong đó 70% là tiến sỹ và 30% là giáo sư và phó giáo sư.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng ĐHQG Hà Nội thành ĐH nghiên cứu hàng đầu đất nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.