Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không xa đâu, Trường Sa ơi!

Linh Nhi - Đặng Loan| 27/05/2013 05:32

LTS: Tình yêu của Hà Nội với Trường Sa cũng giống như tình yêu của cả nước với Tổ quốc nơi đầu sóng...

Điều đó làm cho những phóng viên Báo Hànộimới như chúng tôi, có may mắn được tham gia chuyến công tác tới huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 luôn tự nhủ rồi thuộc lòng lúc nào không biết lời bài hát "Gần lắm Trường Sa" của nhạc sĩ Hình Phước Long: "… Không xa đâu Trường Sa ơi/ Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh/ Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em...".

Bài 1: Đất nước nơi đầu sóng

Trường Sa - đất nước nơi đầu sóng. Ai đã một lần được đến với Trường Sa chắc chắn sẽ có những cảm xúc lay động trái tim và trở thành ký ức mãi mãi không thể nào quên. Nơi ấy, giữa mênh mông sóng nước, những đảo chìm, đảo nổi, nhà giàn, cuộc sống đầy khó khăn, vất vả, nhưng có những tinh thần thép không gì sánh được. Các cán bộ, chiến sỹ ngày đêm canh giữ biển trời luôn lạc quan, yêu đời, bền lòng, vững trí, sẵn sàng chiến đấu hy sinh với quyết tâm "còn người, còn đảo"…

Cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Tây chắc tay súng bảo vệ lãnh hải của Tổ quốc. Ảnh: Xuân Chính


Giữa mênh mông sóng nước

8h ngày 6-5, khi bước chân lên con tàu HQ561 cùng đoàn công tác số 12 của TP Hà Nội, do Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái dẫn đầu, nhiều thành viên trong đoàn không nén được niềm xúc động. Vậy là mơ ước được một lần đến với Trường Sa của chúng tôi đã trở thành hiện thực.

Sau hơn 50 giờ hành trình liên tục, tàu HQ561 đưa chúng tôi đến điểm đảo đầu tiên - đảo chìm Đá Lớn A. Chưa hết bỡ ngỡ khi đặt chân lên đảo, song mọi người không ai bảo ai đã say sưa trò chuyện cùng cán bộ, chiến sỹ với tình cảm thân tình như người trong gia đình. Chúng tôi nhanh chóng đi tham quan nơi ăn chốn ở, phòng họp, phòng đọc sách, nhà bếp, chụp ảnh từng vạt rau, bể nước, góc chăn nuôi gia súc, gia cầm trên đảo. Ai cũng muốn nắm bắt thật nhiều thông tin, để hiểu được cán bộ, chiến sỹ ở đây đã sống như thế nào. Đại úy Lê Ngọc Phương, Đảo trưởng chia sẻ, đảo Đá Lớn A có vị trí chiến lược về kinh tế, quốc phòng, có nguồn lợi thủy, hải sản phong phú, thuận lợi cho ngư dân ta đánh bắt và neo đậu an toàn. Do vậy, ngoài nhiệm vụ quân sự, trong năm qua, cán bộ, chiến sỹ đảo Đá Lớn A đã tích cực trợ giúp ngư dân thông qua việc khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 100 lượt tàu cá, hỗ trợ bà con 10.000 lít nước ngọt. Cũng phải nói thêm, ở đây nước ngọt là vô giá, một ngày anh em trên đảo mỗi người chỉ sử dụng 5 lít nước ngọt cho mọi sinh hoạt. Tình quân dân nơi đầu sóng là như vậy…

Con tàu HQ561 cần mẫn thêm gần một ngày đêm trên biển thì chúng tôi cập bến đảo nổi Sơn Ca. Cả đảo sắc xanh mướt mát, cơ man nào là bàng vuông, phi lao, rau muống biển, rất thích nghi với điều kiện sống của loài chim sơn ca nên chúng thường đến đây làm tổ, nuôi con và sinh sống. Và vì thế đảo có tên Sơn Ca. Nằm trên nền san hô ngập nước, nên cũng như các đảo khác, đảo Sơn Ca cũng không có nước ngọt. Đặc biệt nơi đây còn hay phải hứng chịu giông bão. Trò chuyện với cán bộ, chiến sỹ đảo Sơn Ca, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái cho rằng, công tác nơi đảo xa tuy có khó khăn, gian khổ gấp nhiều lần so với làm nhiệm vụ trong đất liền và luôn phải đối mặt trước sự rình rập ngày đêm của kẻ thù, nhưng tinh thần lạc quan của anh em trên đảo đã thực sự mang lại sự yên tâm, niềm tin vững chắc cho quân, dân Thủ đô và cả nước…

Chiến sỹ Trường Sa

Trong hành trình đến huyện đảo Trường Sa bao giờ các đoàn cũng được tham dự lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trong trận chiến tại đảo Gạc Ma và các liệt sĩ hy sinh khi bảo vệ thềm lục địa phía nam Tổ quốc. Có ai kìm được nước mắt khi dõi theo những vòng hoa, lễ vật được thả trôi trên mênh mông sóng nước biển khơi, tri ân các anh hùng đã ngã xuống vì Đất mẹ. Nối tiếp các thế hệ cha anh, lớp chiến sỹ Trường Sa hôm nay vẫn một lòng xả thân vì Tổ quốc và mới chỉ gần đây thôi, những nỗi đau ấy được âm thầm cất giấu, quặn lòng người ở lại. Những cái tên như Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Văn Hòa, Lê Huy Công, Đinh Thanh Bình, Nguyễn Văn Nghĩa, Lê Văn Tuấn… đã ngã xuống trong khi làm nhiệm vụ ở tuổi đôi mươi. Trường Sa yêu thương mãi ghi nhớ công ơn các anh, sự ra đi của các anh là để Trường Sa mãi mãi trường tồn cùng dân tộc…

Đến đảo Len Đao vào buổi chiều, thủy triều rút, nền san hô nhô cao, xuồng đưa chúng tôi vào phải dừng cách đảo vài chục mét. Len Đao là đảo chìm nhỏ bé, nhưng là "điểm nóng" trên Biển Đông nên nhiệm vụ của anh em nơi đây khá căng, hằng ngày họ thay nhau canh gác, liên tục xua đuổi tàu cá nước ngoài xâm phạm lãnh hải. Đảo trưởng Nguyễn Huy Hoàng mới 31 tuổi nhưng đã dày dạn kinh nghiệm công tác, bản lĩnh hiện rõ trên gương mặt. Anh cho biết, hơn một năm qua, cán bộ, chiến sỹ trên đảo đã phát hiện hơn 600 tàu cá các loại, trong đó hơn nửa là tàu nước ngoài và xua đuổi hàng trăm tàu "lạ".

Ấn tượng về các cán bộ, chiến sỹ qua từng nơi đoàn đến đeo đuổi chúng tôi dọc suốt hành trình. Tại đảo Nam Yết, câu chuyện của thạc sỹ, bác sỹ quân y Trịnh Quốc Hưng thật khó quên. Trong biên chế Bệnh viện 103, nhận nhiệm vụ công tác tại đảo đã hơn một năm và trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất nhưng bác sĩ Hưng đã phẫu thuật thành công 4 ca, trong đó có một ca thủng dạ dày được anh chẩn đoán bằng… cảm giác vì không có máy chụp X-quang, siêu âm. Lúc "nước sôi lửa bỏng", anh đã dùng cả uy tín, sự nghiệp của mình để cứu tính mạng đồng đội. May mắn được đặt chân lên nhà giàn DK1/7 - Huyền Trân, chúng tôi càng cảm phục các anh, bởi "sống trên biển nước mà nhà giàn vẫn khát", trong diện tích chật hẹp, cheo leo giữa trùng khơi, rau xanh có bữa chỉ một túm lá mùng tơi nấu vội, thực phẩm hai tháng được tiếp tế một lần, nhiệm vụ thì luôn "nóng", ngày đêm thao thức quan sát dấu hiệu lạ để báo về đất liền, nhưng anh em nhất mực khẳng định: "Chúng tôi không thiếu gì, chỉ thiếu tình cảm thôi". Chỉ huy trưởng Nguyễn Văn Đồng, thâm niên 17 năm công tác trên nhà giàn đã viết kín đặc 9 quyển nhật ký dày về công việc, tâm tư, tình cảm. Anh cho biết, anh em ở đây như một nhà, ngay cả trong công việc cũng chỉ có chia sẻ, bảo ban, chứ không bao giờ phải dùng mệnh lệnh…

Ngay cả ở đảo Trường Sa lớn mặc dù cơ ngơi khang trang, cơ sở vật chất tiện nghi đầy đủ, rau xanh không thiếu, nước ngọt đủ dùng, tăng gia sản xuất thuận lợi, điện từ năng lượng mặt trời và pin tích lũy nên quanh năm không khi nào bị thiếu. Ấy vậy mà, câu nói "chỉ thiếu tình cảm thôi" vẫn luôn được quân dân trên đảo nhắc đến. Điều đó cho thấy, Trường Sa luôn cần những tấm lòng và sự động viên, khích lệ của đất liền.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không xa đâu, Trường Sa ơi!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.