Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp chậm do nguồn lực đất đai giảm

Vân An| 31/10/2013 16:46

(HNMO) – Giải trình tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội đất nước của Quốc hội chiều 31/10, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát thừa nhận, nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp của nước ta thời gian qua có giảm sút.


Được Đoàn chủ tịch Quốc hội đề nghị giải trình về các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Bộ trưởng Phát cho biết, 10 tháng đầu năm 2013, nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng ổn định, quý III có tốc độ cao hơn quý trước, sản lượng các mặt hàng chủ lực đều tăng; giá cả các loại nông sản sang quý III đã có xu hướng tốt hơn, trong đó có giá lúa gạo, chăn nuôi, đặc biệt là giá thủy sản, trừ giá cà phê giảm mạnh; xuất khẩu đạt tương đương cùng kỳ năm 2012. Nhìn chung, thu nhập của đa số nông dân tiếp tục tăng lên, đời sống ổn định. Nhưng nông nghiệp nông thôn còn nhiều tồn tại, khó khăn, trong đó vấn đề lớn được nhiều đại biểu đề cập là tốc độ tăng trưởng có xu hướng chậm lại.

Bộ trưởng cho biết, Chính phủ đã nghiên cứu, phân tích nguyên nhân của tình hình này và thấy là do nguồn lực quan trọng của nông nghiệp thời gian gần đây có xu hướng giảm, trong đó quan trọng nhất là đất đai; đầu tư của nhà nước và xã hội cho nông nghiệp tăng chậm; những năm gần đây, tăng trưởng nông nghiệp chủ yếu do tăng năng suất nhưng phần này lại phải bù cho phần giảm do giảm đất đai và thiên tai.

Để cải thiện đời sống nông dân, Bộ trưởng cho rằng phải thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp. Bộ đã xây dựng đề án tái cơ cấu ngành và đã được Thủ tướng phê duyệt; đang tích cực cùng các địa phương, ngành triển khai, trong đó đặc biệt quan tâm tới quy hoạch, tập trung phát triển nhiều hơn các loại cây, con có khả năng tăng trưởng nhanh, hiệu suất cao song song với điều chỉnh lại tổ chức sản xuất, phát triển các hình thức liên kết, chấn chỉnh khâu điều hành, quản lý; đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới…

“Điều quan trọng nhất là chúng ta phải tạo được sự quyết tâm, đồng lòng trong xã hội để các cấp chính quyền, hàng triệu bà con nông dân hiểu, hưởng ứng và tham gia”, Bộ trưởng nói.

Về quy hoạch đất lúa, Bộ trưởng cho biết, trong những tháng vừa qua, Bộ đã tập trung xây dựng thông tư hướng dẫn các địa phương, nông dân theo tinh thần giữ đất lúa nhưng có thể chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng có lợi.

Bộ trưởng Cao Đức Phát



Về sản xuất cá tra, Bộ trưởng thừa nhận, đây là mặt hàng lợi thế của nước ta nhưng nông dân và nhiều DN tham gia sản xuất đang gặp khó khăn. Ngoài các nguyên nhân khách quan, có nhiều nguyên nhân chủ quan. Bộ đang điều chỉnh lại việc kinh doanh và xuất khẩu mặt hàng này, ngăn chặn tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, phá giá, phá uy tín. Về lâu dài, sẽ tiếp tục điều chỉnh quy hoạch, xây dựng cơ chế chính sách để thực hiện quy hoạch đó, xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi…

Về khắc phục ngành sản xuất cao su ở miền Trung sau thiệt hại lớn do cơn bão số 10, trước mắt, Chính phủ sẽ có chính sách hỗ trợ bà con khôi phục lại diện tích trồng ở những nơi phù hợp, đồng thời xúc tiến việc xây dựng chương trình bảo hiểm cho cây cao su.

Về vấn đề xây dựng thương hiệu nông sản, Bộ trưởng thừa nhận, việc này chủ yếu phải do DN thực hiện nhưng nhà nước cũng phải có biện pháp hỗ trợ. Như với cây lúa, đã có thời gian chúng ta rất tích cực tìm giống mới, nhưng do không có liên kết giữa sản xuất và kinh doanh, dẫn đến tình trạng một vùng trồng quá nhiều giống khác nhau. Hiện Bộ đang hướng tới lựa chọn một giống lúa có tính ổn định cao hơn, chất lượng tốt hơn để tạo ra vùng lúa gạo có chất lượng đồng nhất, thuận lợi cho thực hiện cánh đồng mẫu lớn và liên kết.

Làm rõ thêm về việc kinh doanh xuất khẩu lúa gạo, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, về mặt pháp lý, năm 2010, chúng ta đã có nghị định về kinh doanh xuất khẩu gạo và vừa qua, Chính phủ đã giao Bộ Công thương và các bộ, ngành liên quan rà soát lại các bất cập trong nghị định này, sửa đổi cho phù hợp với tình hình mới theo hướng tạo điều kiện cho các DN đáp ứng được tiêu chí trong xuất khẩu gạo cũng nông dân có đủ điều kiện đều có thể tham gia vào thị trường này, trong đó ưu tiên những DN có hợp đồng lúa gạo dài hạn với nông dân.

Theo Bộ trưởng, từ 100 đầu mối kinh doanh xuất khẩu gạo năm 2012, đến nay, chúng ta đã nới rộng cho 200 DN có thể tham gia. Hiện nay, hầu hết đề nghị của các DN muốn tham gia kinh doanh xuất khẩu gạo có xác nhận của địa phương đều được xem xét và cấp chứng nhận xuất khẩu gạo.

Về hoạt động của đội ngũ thương nhân, thương lái trong mua bán, xuất khẩu gạo ở đồng bằng Sông Cửu Long, Bộ trưởng cho biết, đây là thực tế đã tồn tại nhiều năm và cũng là yếu tố không thể phủ nhận trong nền kinh tế thị trường.

Thực tế, nông dân ở vùng Nam Bộ thường trữ lúa tại khu vực sản xuất, tức là ngay trên cánh đồng, ít khi đưa về kho bãi. Do vậy, việc tiêu thụ phải trông vào đội ngũ thương lái trong khi các DN chưa thể vươn hết được tới tất cả các khu vực. Theo Bộ trưởng, vấn đề là chúng ta phải duy trì được vai trò tích cực của đội ngũ thương lái trong khi vẫn đảm bảo được những ưu đãi về chính sách của Chính phủ đến được với người nông dân. Bộ sẽ nghiên cứu để khắc phục mặt trái của vấn đề.

Về tìm kiếm thị trường cho xuất khẩu nông sản, Bộ trưởng cho biết, thực tế Chính phủ đã hết sức nỗ lực trong tìm kiếm thị trường xuất khẩu nông sản, nhất là với mặt hàng lúa gạo thông qua thúc đẩy ký kết các hiệp định chính phủ về xuất khẩu gạo.

“Thống kê các hợp đồng Chính phủ đã ký kết cho thấy, bình quân chúng ta có thể tiêu thụ được khoảng 50% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam nếu các nước thực hiện nghiêm túc cam kết”, Bộ trưởng nói.

Song song với đó, Chính phủ cũng đẩy mạnh đàm phán thương mại với các nước, tập trung vào 3 hiệp định lớn với Liên minh châu Âu, Châu Á – Thái Bình Dương (TTP) và Liên minh hải quan, dự kiến có thể kết thúc vào năm 2014. Đây có thể coi là giải pháp thúc đẩy cho nông nghiệp Việt Nam.

Về tỷ trọng tăng trưởng cao của khối doanh nghiệp vốn nước ngoài trong xuất khẩu nông sản so với DN trong nước, Bộ trưởng khẳng định, khối DN nào cũng đều là thành phần kinh tế được pháp luật công nhận và đều được coi là DN Việt Nam. Nếu khu vực nào xuất khẩu, kinh doanh tốt thì đều phải ủng hộ. Thực tế, 10 tháng qua, tỷ trọng xuất khẩu nông sản của nước ta tăng khoảng 15%, khối DN trong nước cũng tăng trưởng 3%. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp chậm do nguồn lực đất đai giảm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.