Theo dõi Báo Hànộimới trên

Võ Nguyên Giáp - Vị tướng tài hoa và nhà khoa học mẫu mực

Bùi Thanh Sơn| 24/08/2016 16:30

(HNMO) - Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ra trong gia đình yêu nước, quê hương giàu truyền thống cách mạng. Lớn lên, ông tham gia hoạt động cách mạng, được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh rèn luyện. Tuy chưa qua trường đào tạo quân sự chính quy nào, bằng ý chí và nghị lực của mình, được đồng đội và nhân dân giúp đỡ, Võ Nguyên Giáp đã trở thành vị tướng tài hoa và nhà khoa học mẫu mực.


Thiên tài quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được biểu hiện trên nhiều lĩnh vực, từ tổ chức xây dựng và huấn luyện lực lượng vũ trang, trực tiếp tổ chức và chỉ huy chiến đấu, trong các trận đánh đến chiến dịch cũng như tác chiến chiến lược; Cùng cơ quan Bộ quốc phòng làm tham mưu cho Đảng và Nhà nước, trực tiếp chỉ đạo xây dựng nền quốc phòng toàn dân và tiến hành chiến tranh nhân dân, tạo sức mạnh đánh thắng quân địch giành thắng lợi.

Thời kỳ đầu cách mạng, theo phân công của Bộ Chính trị và thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp trực tiếp tổ chức xây dựng đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của quân đội ta ngày nay. Nhận rõ vị trí và vai trò của đội quân chủ lực đầu tiên, tuy lúc đầu quy mô còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó lại rất to lớn và vẻ vang, đặt nền tảng để ta xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, làm nòng cốt cùng toàn dân đấu tranh và đánh giặc, bảo vệ Đảng, nhân dân và đất nước.

Trong xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, trên cương vị Tổng tư lệnh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Quân ủy và Bí thư Quân ủy Trung ương, Võ Nguyên Giáp luôn giữ vững nguyên tắc lãnh đạo và thực hiện đúng đường lối xây dựng lực lượng vũ trang của Đảng, làm cho quân đội ta luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, xây dựng nên bản chất và truyền thống tốt đẹp của lực lượng vũ trang cách mạng. Trong quá trình xây dựng, Võ Nguyên Giáp luôn coi trọng củng cố ngày càng vững chắc khối đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân và đoàn kết quốc tế; Thường xuyên chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của bộ đội, huấn luyện gắn chặt với rèn luyện, không ngừng nâng cao bản lĩnh và ý chí chiến đấu, trình độ kỹ và chiến thuật cũng như rèn luyện kỷ luật cho lực lượng vũ trang.


Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng cán bộ chỉ huy họp bàn kế hoạch tác chiến trong Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954). Ảnh tư liệu


Trong chỉ huy và chỉ đạo tác chiến, ông luôn coi trọng đánh giá và dự báo tình hình, xác định rõ ý đồ, sách lược và cách đánh của đối phương, cùng cơ quan nghiên cứu đề xuất với Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương phương hướng xây dựng phát triển lực lượng vũ trang nhân dân, nền quốc phòng toàn dân và tiến hành chiến tranh nhân dân.

Phương thức phối hợp giữa các lực lượng, chiến trường, đấu tranh trên các mặt trận trong khởi nghĩa giành chính quyền, cũng như tiến hành chiến tranh cách mạng, Võ Nguyên Giáp rất say sưa nghiên cứu học hỏi và khai thác các bài học kinh nghiệm về dựng và giữ nước của cha ông, nghệ thuật đánh giặc truyền thống của dân tộc và tiếp thu tinh hoa quân sự thế giới. Ông đã vận dụng rất sáng tạo vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, bối cảnh cụ thể của từng trận đánh, chiến dịch, nhất là các cuộc tác chiến chiến lược. Từ đó tìm ra cách đánh mới, phù hợp với biên chế và trang bị của quân đội, phát huy cao nhất sức mạnh và cách đánh sở trường của từng lực lượng, của chiến tranh toàn dân, đánh thắng quân địch ngay từ trận đầu ở Phai Khắt và Nà Ngần, xây dựng nên truyền thống đã ra quân là chiến thắng, đánh thắng ngay từ trận đầu của quân đội ta.

Chiến dịch Biên giới năm 1950, Võ Nguyên Giáp cùng Bộ tư lệnh chiến dịch, đã lựa chọn đúng địa bàn, vận dụng sáng tạo cách đánh “đánh điểm diệt viện”, kéo các binh đoàn chủ lực của quân Pháp ra ngoài công sự tiêu diệt, buộc quân địch phải rút bỏ toàn bộ tuyến phòng ngự trên đường số 4, giải phóng vùng rộng lớn từ Cao Bằng đến Quảng Ninh, mở thông biên giới, nối liền cách mạng Việt Nam với cách mạng các nước, tạo thuận lợi đưa cuộc kháng chiến phát triển.

Trong Chiến dịch Đông Xuân 1953-1954, Đại tướng cùng Tổng Quân ủy phát huy sức mạnh chiến tranh nhân dân, đánh địch rộng khắp trên toàn chiến trường; Tập trung chủ lực mạnh đánh ra 5 hướng chiến lược trọng điểm, kéo quân Pháp ra chiến trường rừng núi đánh tiêu diệt, đập tan kế hoạch của Nava, buộc phía Pháp phải đưa quân lên Điện Biên Phủ, giữ địa bàn chiến lược quan trọng Bắc Đông Dương. Chiến dịch quyết chiến Điện Biên Phủ, với tư duy sáng tạo, Võ Nguyên Giáp đã cùng Đảng ủy và Bộ tư lệnh đánh giá tình hình, đưa ra quyết định sáng suốt mang tính lịch sử: “Chuyển từ đánh nhanh thắng nhanh, sang đánh chắc tiến chắc”. Đây là quyết định ông cho là khó khăn nhất trong đời cầm quân. Cách đánh này không chỉ gây bất ngờ cho địch, còn phát huy sức mạnh của chiến tranh du kích và chiến tranh chính quy, đánh thắng kẻ thù kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Trước đối tượng tác chiến mới, dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Đại tướng cùng Quân ủy và cơ quan Bộ Quốc phòng nghiên cứu chỉ đạo quân và dân miền Nam chiến đấu, đánh thắng quân Mỹ ngay từ trận đấu ở Núi Thành, Vạn Tường đến chiến dịch Plâyme.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968, ông chỉ đạo Bộ tư lệnh và Quân ủy miền tiến hành thành công kế hoạch nghi binh và tạo thế, kéo chủ lực địch ta chiến trường rừng núi. Phát huy sức mạnh của chiến tranh nhân dân, bất ngờ đánh thẳng vào sào huyệt của địch, buộc kẻ thù phải đơn phương tuyên bố chấm dứt chiến tranh.

Cuộc Tiến công chiến lược năm 1972, Đại tướng đã chỉ đạo quân dân hai miền, đánh thắng quân địch cả ở tiền tuyến và hậu phương, buộc kẻ thù phải ký Hiệp định hòa bình, rút toàn bộ quân Mỹ về nước, tạo ra thế và thời cơ có lợi để ta tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy. Ông chỉ đạo các mặt trận, nhất là Đảng ủy và Bộ tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh vận dụng thành công cách đánh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Không chỉ giỏi lãnh đạo và chi huy tác chiến, Võ Nguyên Giáp còn rất coi trọng nghiên cứu khoa học. Sau từng trận đánh và chiến dịch, nhất là các đợt hoạt động tác chiến, các cuộc tác chiến chiến lược, ông đều tổ chức tổng kết để tìm ra những bài học kinh nghiệm, chỉ đạo vận dụng sáng tạo vào huấn luyện và tác chiến, nâng cao sức mạnh chiến đấu cho lực lượng vũ trang.

Trong chiến tranh cũng như hòa bình, Đại tướng đã nghiên cứu biên soạn nhiều công trình có giá trị khoa học cao, như: Tư tưởng quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Học thuyết chiến tranh nhân dân Việt Nam, Xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, Xây dựng nền quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc, Chiến tranh nhân dân và Nghệ thuật quân sự Việt Nam… Những công trình nghiên cứu của ông có tính lý luận và giá trị thực tiễn cao, tạo cơ sở để quân và dân cả nước nghiên cứu, vận dụng sáng tạo vào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở thời kỳ mới.

Đại tướng còn biên soạn nhiều tài liệu và giáo trình, trực tiếp tham gia giảng dạy, đào tạo nhiều cán bộ cho quân đội cũng như Đảng và Nhà nước. Đại tướng sống giản dị, trong sáng, hết lòng thương yêu đồng chí và đồng bào, được quân dân cả nước cũng như bạn bè quốc tế yêu mến và cảm phục. Ông đúng là vị tướng tài hoa, nhà khoa học mẫu mực của quân và dân ta.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Võ Nguyên Giáp - Vị tướng tài hoa và nhà khoa học mẫu mực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.