Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 9: Để trường chất lượng cao phát triển bền vững...

Thống Nhất| 20/04/2017 06:42

(HNM) - Hà Nội là địa phương đầu tiên và duy nhất trên cả nước xây dựng mô hình trường chất lượng cao với các tiêu chí cụ thể, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của học sinh. Tuy nhiên, mô hình này đang đứng trước nhiều thách thức cần giải quyết để có thể phát triển bền vững.

“Đầu vào” ngày càng nhiều

Dự thảo Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 11/NQ-TƯ của Bộ Chính trị (Khóa XI) "Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020" và 3 năm thực hiện Luật Thủ đô đánh giá lĩnh vực giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) tiếp tục được đổi mới, phát triển, nhiều tiêu chí dẫn đầu cả nước, trong đó có việc triển khai xây dựng mô hình trường chất lượng cao (CLC).

Giờ làm quen với máy tính của học sinh Trường Tiểu học chất lượng cao Khu đô thị Sài Đồng (quận Long Biên, Hà Nội ). Ảnh: Nhật Nam


Tính đến hết tháng 3-2017, Hà Nội đã có 15 trường được công nhận đạt CLC, trong đó có 10 trường công lập. Trong quá trình phát triển, trở ngại là không ít, bắt đầu từ những băn khoăn của phụ huynh và người dân về sự xuất hiện một mô hình trường chưa từng có trong danh mục của ngành GD-ĐT. Ngay cả đến cơ quan quản lý các cấp cũng vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Rõ nhất là việc điều chỉnh mới đây: Từ năm 2017, các trường công lập CLC được ngân sách hỗ trợ kinh phí ba năm (thay vì một năm như trước) kể từ khi được công nhận.

Bà Trần Thị Hoàng Lâm, Hiệu trưởng Trường Mầm non Đô thị Việt Hưng (Long Biên) chia sẻ, kinh phí là một trong những khó khăn lớn nhất khi tổ chức các hoạt động theo tiêu chí của trường CLC. Nếu chỉ được ngân sách cấp một năm như trước, đến năm thứ hai, nhà trường phải tự cân đối, đương nhiên cần tăng mức thu. Thu càng cao thì nguy cơ về việc sụt giảm số lượng học sinh, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của nhà trường càng lớn. Vì vậy, việc kéo dài thời gian hỗ trợ kinh phí từ ngân sách của thành phố rất có ý nghĩa để các nhà trường bảo đảm sự phát triển ổn định và tập trung nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục...

Sự ra đời của mô hình trường CLC đã chứng minh sự phù hợp và tính đúng đắn của một chủ trương, cả về căn cứ lý luận và thực tế. Điều 12 Luật Thủ đô chỉ rõ: "Xây dựng một số cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông CLC trên địa bàn Hà Nội". Thực tế cho thấy nhu cầu của xã hội đối với mô hình này, thể hiện ở tỷ lệ tuyển sinh của các trường CLC trong ba năm học liên tiếp gần đây có chiều hướng tăng. Đáng chú ý, trong số 15 trường CLC đã được UBND thành phố "đóng dấu" đạt đủ các tiêu chí trường CLC, Trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa) đã khẳng định uy tín, cách làm, sự phù hợp của mô hình, có thể tự chủ hoàn toàn về tài chính, số lượng học sinh có nguyện vọng dự tuyển vào trường năm sau cao hơn năm trước và luôn nhiều hơn so với chỉ tiêu được giao.

Giám sát chặt “đầu ra”

Với mục tiêu phấn đấu để Hà Nội thực sự là địa phương đi đầu, về đích sớm 1-2 năm sự nghiệp công nghiệp, hiện đại hoá, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại hoá vào năm 2020, rõ ràng đào tạo nguồn nhân lực CLC là yêu cầu cấp thiết. Những chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc xây dựng trường CLC và hiệu quả từ thực tế khẳng định đóng góp của Hà Nội với kỳ vọng không chỉ tìm ra “công thức” cho một mô hình trường mới, đáp ứng nguyện vọng học sinh, mà còn là nơi cập nhật chương trình giáo dục quốc tế, phương pháp giảng dạy, giáo dục tiên tiến của thế giới.

Tạo dựng mô hình trường mới đã khó, duy trì và phát triển mô hình đó còn khó khăn hơn nhiều. Các cấp quản lý và bản thân các nhà trường đang nỗ lực không ngừng để phát huy tính ưu việt của mô hình trường CLC. Tại hội nghị giao ban ngành GD-ĐT mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý đã chỉ đạo ngành GD-ĐT tiếp tục nghiên cứu, xây dựng trường CLC ở mức cao hơn về mọi mặt, trong đó đặc biệt quan tâm việc cập nhật nội dung giáo dục CLC theo hướng hội nhập quốc tế.

Theo bộ tiêu chí của trường CLC hiện nay, các chỉ số hầu hết mới chỉ tập trung vào các điều kiện phục vụ dạy học, các quy định “đầu ra” còn quá chung chung, trong khi đây lại là yếu tố quyết định đối với phụ huynh khi đánh giá chất lượng giáo dục của mỗi nhà trường. Trong tương lai gần, rất cần có quy định cụ thể đối với “đầu ra” của trường CLC, tức là học sinh sau khi tốt nghiệp từng cấp học sẽ phải đạt được trình độ ra sao về ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống... Đây cũng là mục tiêu để các trường hướng tới, là căn cứ để các cấp quản lý, phụ huynh và nhân dân giám sát hiệu quả hoạt động của cơ sở.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội cho rằng, để trường CLC phát triển bền vững, không thể bỏ qua vai trò giám sát của cộng đồng, bao gồm nhà đầu tư, phụ huynh học sinh, giáo viên và cả học sinh đối với nhà trường. Điều này thể hiện rõ trong Nghị quyết 14/2016/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân TP Hà Nội: “Cơ sở giáo dục công lập CLC có trách nhiệm quản lý các nguồn kinh phí bảo đảm nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch, chịu sự quản lý của nhà nước, sự giám sát của phụ huynh học sinh và xã hội”.

Tuy nhiên, trên thực tế vai trò của các bên đang có sự khác biệt. Để giải quyết vấn đề này, Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội đã đề xuất mô hình tham gia quản lý của “Ban Giám sát cộng đồng”. Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, mô hình này không chỉ mở rộng quyền, mà còn nêu cao vai trò chủ thể của các bên hưởng lợi trong việc cùng tham gia quản lý. Trong điều kiện ngân sách hạn chế, nhà nước đang đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, sự tham gia của Ban Giám sát cộng đồng là một giải pháp góp phần thực hiện việc dân chủ hóa, tạo sự minh bạch, công khai trong mọi hoạt động của trường CLC.
(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 9: Để trường chất lượng cao phát triển bền vững...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.