Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sự lựa chọn lịch sử và hành trình kiến tạo mới cho tương lai

28/07/2018 06:32

(HNM) - “Xem khắp nước đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời”; suy ngẫm ý chỉ của Đức vua Lý Công Uẩn năm xưa, chúng ta hãy cùng nhìn lại một quãng đường 10 năm Thủ đô Hà Nội thực hiện quyết định của Đảng, Nhà nước về điều chỉnh địa giới hành chính để thấy hết những nỗ lực và thành tựu lớn từ một cuộc kiến tạo chiến lược mới.

Thủ đô Hà Nội ngày càng phát triển đồng bộ, hiện đại và bền vững. Ảnh: Vũ Long


Truyền thống lịch sử nâng bước tương lai

Điểm lại lịch sử nhân loại, đều cho thấy chưa có quốc gia nào không trải qua vài ba lần dời đô và mở rộng địa giới hành chính của thủ đô. Điều này phản ánh tính quy luật tất yếu trong tiến trình lịch sử của mỗi quốc gia, phản ánh tầm nhìn của một dân tộc trước thực tại và tương lai; và đôi khi việc dời đô lại là sự bất đắc dĩ khi đất nước có chiến tranh hoặc do sự biến đổi của môi trường thiên nhiên.

Soi chiếu lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam trong lịch sử nhân loại, chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào về Đông Đô - Thăng Long - Hà Nội yêu dấu. Lộ trình dịch chuyển của Thủ đô Hà Nội ngày nay được khởi nguyên từ Bạch Hạc xuống Cổ Loa, vào Trường Yên (Ninh Bình), rồi quay trở lại định đô với tên gọi Thăng Long (thành Nhà Mạc ở Cao Bằng, Tây Đô ở xứ Thanh chỉ là hệ quả của một thời loạn lạc, chiến chinh). Đó là một cuộc thiên di gắn liền với cuộc trường chinh vệ quốc, chống quân xâm lược phương Bắc, quân xâm lược Mông - Nguyên; đồng thời cũng gắn liền với quá trình mở mang bờ cõi, đắp đê trị thủy, phát triển nông nghiệp và nhiều ngành nghề kỹ nghệ truyền thống mang dấu ấn tài hoa người Việt, văn minh sông Hồng, văn minh Lý - Trần một thời vàng son đủ để lại bóng son muôn đời.

Tên gọi Thăng Long mà Lý Thái Tổ gửi gắm vào cho kinh đô của mình cũng chính là tâm nguyện và tầm nhìn xuyên dài thiên niên kỷ. Kỳ vọng lịch sử của Lý Thái Tổ đã được dân tộc Việt Nam hiện thực hóa bằng những trang sử tạc vào bia đá, với khôn cùng mồ hôi, máu và nước mắt. Một Thủ đô hào hoa, trung dũng kiên cường mà rất đỗi thanh lịch. Khu di tích Hoàng thành Thăng Long đã lưu giữ bề dày kiến tạo Kinh đô Thăng Long qua nhiều triều đại; để giờ đây, quanh bên và trên bề dày nền tảng cổ xưa ấy, một chế độ mới, chế độ xã hội chủ nghĩa, đã và đang được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta kiên định kiến tạo.

Đến nay, Thủ đô Hà Nội đã bước vào ngưỡng cửa của “Tòa tháp lịch sử” 1008 năm tuổi (một con số thật tốt lành và vượng phát), thuộc tốp 28 thủ đô có trên ngàn năm tuổi, lưu truyền biết bao huyền tích giàu triết lý nhân sinh; một Thủ đô hội đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa, kiên dũng, sáng tạo và đổi mới, được du khách lựa chọn vào tốp 20 thủ đô đáng phải đến trong đời.

Hà Nội thực sự là biểu tượng cho dân tộc Việt Nam trên đường đi lên và hội nhập, kết nối, hợp lưu giữa mạch ngầm lịch sử với hiện tại và tương lai của một dân tộc chưa bao giờ chịu khuất phục trước kẻ thù xâm lăng, cho dù đó là những đế quốc hung bạo nhất ở các thời đại. Hà Nội khắc hằn vết tích những nỗi đau của thời mất nước; đang tỏa sáng bay lên với khát vọng hòa bình, cường thịnh, bằng chính nội lực của mình được nhân thêm bởi sức mạnh của lòng Dân và ý Đảng.

Vượt lên là tới được tầm cao

Hồi ức vào 10 năm trước, khi Đảng, Nhà nước chủ trương điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, có nhiều luồng ý kiến khác nhau, thậm chí có cả những luồng ý kiến trái ngược và rất gay gắt. Luồng ý kiến đồng tình với chủ trương điều chỉnh địa giới hành chính, nhưng lo ngại về tính hội nhập, hòa hợp giữa Hà Nội với Hà Tây lúc bấy giờ, đồng thời lo ngại về khả năng điều hành, quản lý trước một phạm vi địa giới rộng lớn, e rằng “Hà Tây sẽ bị tụt lại phía sau” bởi đây là kinh tế nông nghiệp, làng quê nông thôn.

Luồng ý kiến khác lại không đồng tình với chủ trương điều chỉnh địa giới hành chính của Thủ đô Hà Nội, vì cho rằng bài học kinh nghiệm về sự sáp nhập, chia tách nhiều tỉnh, thành sau ngày nước nhà thống nhất đã băn khoăn, lo lắng về tương lai ảm đạm, khó tránh khỏi “nhập vào rồi lại phải tách ra”, nếu như vậy sẽ “kéo lùi” sự phát triển của cả Hà Nội và Hà Tây, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Còn một luồng ý kiến lại hướng về việc dời Thủ đô lên mạn gần với Núi Tản, Sông Đà, nơi phát tích của truyền thuyết Sơn Tinh thắng Thủy Tinh, với mong muốn lên nơi đó địa thế sẽ cao hơn, đẹp hơn, rộng hơn, dễ quy hoạch, kiến tạo ra dáng một Thủ đô hiện đại. Ngoài ra còn có một luồng ý kiến cực đoan, xuyên tạc, cho rằng, “việc sáp nhập Hà Nội với Hà Tây, hay dời Thủ đô, là vì lợi ích nhóm” (bởi khi đó giá đất được dịp thổi lên như bong bóng), thậm chí có thông tin phản động cho đó là “mắc mưu của ngoại bang”(!).

Những luồng ý kiến trái chiều ấy, âu cũng là lẽ tất yếu, bởi trước một quyết định có tầm lịch sử vượt ngoài mức thường tình thì không dễ (và không thể bắt buộc) để ai cũng nghĩ như ai. Các cuộc dời đô trong lịch sử nhân loại hay của nước ta cũng đều đối mặt với các luồng ý kiến khác nhau; khi Vua Trần quyết định rút khỏi kinh thành Thăng Long về Thiên Trường để tránh thế giặc mạnh như chẻ tre lúc đó, đã nhận được nhiều tấu trình can ngăn cho rằng rút khỏi kinh đô là “hàng giặc, làm nhụt ý chí của muôn dân”; khi Lý Thái Tổ quyết định dời đô ra Thăng Long cũng đã cho thủ túc khảo sát cẩn trọng, cân nhắc lợi hại, hỏi ý kiến triều thần, đại đa số đều hưởng ứng minh kiến của Vua, song một bộ phận vẫn muốn lưu luyến với chốn cũ.

Ngày 28-1-2008, sau khi xem xét nhiều mặt, Hội nghị Trung ương lần thứ sáu khóa X đã có quyết định lịch sử, trên cơ sở đó, ngày 29-4-2008 Chính phủ có Tờ trình với Quốc hội, ngày 29-5-2008 Quốc hội khóa XII đã biểu quyết ban hành Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 “Về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh có liên quan”. Đó là một dấu mốc lịch sử có tầm vóc của một Hội nghị Diên Hồng thời hiện đại, mở ra vận hội mới cho Thủ đô gánh vác sứ mệnh mới với dân tộc, được lưu vào pho sử ngàn năm mai sau cho chốn linh thiêng này.

Hà Nội bắt tay ngay vào công cuộc “sắp xếp lại giang sơn” với ngổn ngang bề bộn khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh vào 10 năm trước, chưa ai có thể hình dung và bảo đảm chắc chắn rằng Thủ đô Hà Nội sẽ có được viễn cảnh diệu kỳ. Tâm lý không muốn mất đi một gốc tích quê hương Xứ Đoài giàu sử thi cũng là điều cần chia sẻ; sự ngập ngừng, nuối tiếc một miền quê, một địa danh có ngàn năm tuổi, âu cũng là lẽ đời, có như thế mới là con người mang nặng lòng nhân ái, cần phải tôn trọng. Rất may là, những băn khoăn, lo âu như vậy đến nay đã được thực tế phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô đưa ra lời giải thực sự có hậu. Đó là thành quả kết tinh bởi trí tuệ, tâm huyết, lòng tự hào của đội ngũ cán bộ và người dân nơi đây. Họ vốn mang trong mình một vốn liếng tích lũy cả ngàn đời với đặc trưng tài hoa, kiên cường, sáng tạo, cao hơn cả là tinh thần đoàn kết, khát vọng vươn lên trong hòa bình, thịnh vượng, xứng là ngọn hải đăng cho đất nước, mãi là trái tim của một dân tộc vừa đủ mưu lược đánh giặc giữ yên bờ cõi, vừa đủ sức chịu đựng và kiên nhẫn để “xây thành ốc”.

Thủ đô Hà Nội qua 10 năm đã phải đối mặt với muôn vàn gian lao thử thách, vượt lên mặc cảm và do dự, vượt lên sự chật chội của 36 phố phường cổ xưa, mở rộng vòng tay đón chào đồng bào muôn phương và du khách toàn cầu; chắt chiu với nguồn kinh phí hạn hẹp; hứng chịu những trận mưa ngập và nắng nóng có tính bất thường lịch sử; gồng mình với những công trình giao thông trì trệ; cay mắt, ù tai với những ống xả của xe máy quá đát; đối mặt với những thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị. Nhưng với mối quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự chia sẻ, ủng hộ của các ban, bộ, ngành trung ương và sự khích lệ của đồng bào cả nước, Thủ đô Hà Nội đã và đang chứng minh sự đúng đắn, tầm nhìn lịch sử của Đảng, Nhà nước, một sự lựa chọn thuận theo quy luật lịch sử.

Thủ đô Hà Nội với diện tích rộng hơn, dân số cũng đông hơn (ước chiếm khoảng 1/10 cả nước), là hợp lưu dòng chảy của mạch văn hóa Thăng Long - Xứ Đoài - Xứ Đông và những vùng văn hóa khác đã làm tăng thêm tiềm năng và tính đa dạng, phong phú, sinh động của nền văn hiến Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Nguồn lực phát triển của Thăng Long - Hà Nội giờ đây được nhân lên nhiều lần.

Sau 10 năm, quy mô sản phẩm tăng gấp 2 lần; thu nhập bình quân tăng 2,3 lần; thu ngân sách tăng gần 3 lần; chỉ số năng lực cạnh tranh đang tiệm cận gần đến tốp 10; được xếp vào tốp 10 thành phố năng động nhất thế giới; trong tốp 10 thành phố có tăng trưởng du lịch cao nhất thế giới; thiết lập quan hệ với 100 thủ đô trên thế giới; dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới; luôn dẫn đầu về thành tích phát triển giáo dục, khoa học, công nghệ. Những công trình chọc trời, những cây cầu rực đèn hoa, những hàng cây tỏa bóng xanh mát, những phố sách, đường hoa; những ngôi trường khang trang, những lòng hồ xanh trong trở lại, những cánh đồng xanh mướt lúa ngô và rực hoa tươi đang tạo mới nguồn cảm hứng cho những ca từ đẹp.

Hà Nội cũng không hề sao nhãng công tác an sinh xã hội, tỷ lệ nghèo đói giảm mạnh, các đối tượng chính sách được quan tâm, chia sẻ, đồng bào chịu thiên tai ở mọi miền đất nước cùng chiến sĩ nơi biên cương, hải đảo đều nhận được một phần hơi ấm của Thủ đô. Mọi sự kiện đối nội và đối ngoại quan trọng mang tầm quốc gia, khu vực, quốc tế đều được bảo đảm tuyệt đối an toàn. Thủ đô Hà Nội thực sự xứng danh với tiếng thơm “Thủ đô của lương tri và phẩm giá”, hiện thân cho biểu tượng hòa bình.

Thành ủy Hà Nội đã chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện một cách bài bản, công phu, nghiêm túc, với cách làm chủ động, sáng tạo về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp tinh giản bộ máy tổ chức, nâng cao năng lực, hiệu quả, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, củng cố hệ thống chính trị, nhất là ở cơ sở; xây dựng hình ảnh con người Thủ đô trong thời kỳ mới. Trong quá trình hình thành và triển khai thực hiện chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước, Hà Nội luôn có những đóng góp quan trọng. Hà Nội cũng chính là một pháo đài bất khả xâm phạm trên mặt trận đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Đương nhiên, tất cả những kết quả ấy - dẫu rõ nét đến đâu, cũng mới chỉ là bước đầu. Và Hà Nội còn rất nhiều việc phải làm để phát huy hiệu quả hơn những tiềm năng đang có, tạo nên nhiều điều đổi thay lớn lao hơn nữa. Nhưng ngay lúc này, với những gì đang có sau 10 năm "vươn mình" vẫn đủ lớn, đủ rõ để khẳng định một vị thế mới, một tầm cao mới về dáng vóc Thủ đô.

Để mãi xứng đáng là “niềm tin và hy vọng”

Lịch sử của một dân tộc, một vùng miền luôn đi theo vòng xoáy trôn ốc, phải trải qua những thăng trầm tất yếu. Trong sự phát triển, luôn luôn có thời cơ, thuận lợi đan xen với khó khăn, thách thức. Ngay cả những cường quốc hàng đầu thế giới như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật, Đức, Anh, Pháp đều đang phải đối mặt với nhiều bài toán lịch sử giữa tăng trưởng và an sinh xã hội, giữa cạnh tranh chiến lược và hợp tác, giữa lợi ích toàn cầu và lợi ích quốc gia. Việt Nam đã và đang ở vào giai đoạn những nước bắt đầu phát triển và hội nhập. Sau hơn 30 năm đổi mới, đất nước ta đang có được cơ đồ rất đáng tự hào, song cũng đang đứng trước nhiều thử thách mà không thể vượt qua một sớm một chiều, không thể chỉ dùng tiền bạc để đánh đổi lợi ích đất nước, không thể ỉ vào số đông và chiều rộng lãnh thổ, càng không thể nao núng, do dự. Đất nước đi lên trước hết phải dựa vào lòng Dân, chúng ta đã có niềm tin của Dân, nhưng kẻ thù đang điên cuồng tấn công vào đó (và cũng không thể phủ nhận rằng ở đâu đó, có một bộ phận đang là “giặc nội xâm” của đất nước).

Thủ đô Hà Nội là điểm tựa không chỉ về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, địa thế và dân số, mà điều căn cốt nhất là điểm tựa như bàn thạch về lòng Dân đối với Đảng, Nhà nước. Để giữ được lòng Dân, giữ được thế phát triển ổn định trong mọi tình huống, Thủ đô Hà Nội còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa, mạnh bạo và bản lĩnh trong quyết sách cho nhiều vấn đề không chỉ cho hiện tại mà cho cả trăm năm, ngàn năm sau, như: Hạ tầng giao thông thông minh; mạng lưới tiêu thủy hiện đại; sự hài hòa giữa kinh tế và văn hóa; giữa đô thị cổ với đô thị hiện đại; giữa thành thị và nông thôn; bảo đảm vùng trời xanh và không khí trong lành; cháy nổ không còn rình rập cướp đi mạng sống người dân; côn đồ không có đất hoành hành; xe tự chế, xe quá đát không còn xả khói trong lòng phố; rác thải không chất đống bốc mùi; mưa lớn nhanh thoát nước; trẻ em đủ chỗ học; người bệnh đủ giường nằm; người già, trẻ nhỏ có công viên vui chơi; thực phẩm bẩn không chốn tiêu thụ; hồ nước và dòng sông không còn màu đen; cây xanh, hoa hồng, chim bồ câu sẽ ngày càng nhiều cho xứng với biểu tượng hòa bình; con người ứng xử văn minh, lịch thiệp; hệ thống chính trị sát dân, gần dân, trọng dân. Dù chưa thể liệt kê và lường hết, song bấy nhiêu cũng đã đặt ra cho Thủ đô Hà Nội muôn vàn công việc “như phù sa sông Hồng”.

Để phấn đấu khắc phục những vấn đề nan giải và dần hiện thực hóa những ước mơ ấy, tất nhiên trước hết phải dựa vào ý thức, trách nhiệm và niềm tin, sự khát khao của người dân Thủ đô đối với các quyết sách đúng đắn của Thành ủy Hà Nội. Để khích lệ, cổ vũ, chia sẻ với Thủ đô Hà Nội trong sự nghiệp tăng tốc đổi mới, Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành trung ương, đồng bào cả nước đã và sẽ còn phải tiếp tục dành cho Thủ đô sự quan tâm, ủng hộ nhiều hơn nữa. Cơ chế, chính sách đặc thù và phù hợp mà Đảng, Nhà nước dành cho Hà Nội, lòng tin, niềm kiêu hãnh và tinh thần xây dựng của Nhân dân Thủ đô cùng sự kỳ vọng của đồng bào cả nước, sự thiện cảm, ủng hộ, hợp tác của bạn bè thế giới; và tất nhiên không thể thiếu sức mạnh truyền thống mà tổ tiên ta để lại cho dân tộc, cho Thủ đô, đó sẽ là điểm tựa vững chãi để Thủ đô Hà Nội thắp sáng ngọn lửa hồng mà Vua Lý Thái Tổ đã mơ tưởng về một dáng “Rồng bay” giữa trời cao xanh.

Trước ngày đi vào cõi vĩnh hằng, Bác Hồ kính yêu đã căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Theo lời Bác, toàn Đảng, toàn Dân, toàn Quân ta đã và đang kiên định con đường do Người soi đường, chỉ lối.

Lịch sử đã qua, hiện tại đang chớm nở hoa, tương lai đang ở phía trước, song cũng xen lẫn những trái đắng, tất cả đều là quy luật của tạo hóa và dòng đời. Con tàu đổi mới của Đất nước không có lý do gì dừng lại hoặc chệch hướng để tự chuốc lấy điêu tàn đau xót. Bởi chúng ta có một chính Đảng do Bác Hồ sáng lập và rèn luyện, từng trải nhiều thử thách lịch sử, bởi chúng ta có một khối đại đoàn kết toàn dân tộc mang hai tiếng “đồng bào” như cây cùng một cội, bởi chúng ta có đủ vốn kinh nghiệm để vượt cạn và đi lên trong giông tố. Niềm tin có cơ sở khoa học, ý chí có trí tuệ soi đường, tình cảm được khơi nguồn từ trải nghiệm lịch sử, đó sẽ là nguồn tài nguyên lớn để chúng ta từng bước tiếp cận và hội nhập vào thời đại 4.0. Trong tiến trình cách mạng của dân tộc, Thăng Long - Hà Nội sẽ vẫn là “niềm tin và hy vọng”!


PGS.TS TRẦN VIẾT LƯU

Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Tuyên giáo Trung ương

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sự lựa chọn lịch sử và hành trình kiến tạo mới cho tương lai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.