Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khẳng định vai trò cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương

Nguyễn Thị Bích Ngọc| 30/07/2018 06:32

(HNM) - Mười năm qua, HĐND các cấp của TP Hà Nội đã phát huy truyền thống đoàn kết, thực hiện có chất lượng, hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của mình với phương châm “Đổi mới - dân chủ - trách nhiệm - hiệu quả - vì dân”.

Quang cảnh phiên khai mạc kỳ họp thứ sáu, HĐND TP Hà Nội khóa XV. Ảnh: Viết Thành


Kiện toàn bộ máy, thống nhất cơ chế - tiền đề thực hiện tốt nhiệm vụ

Mở rộng địa giới hành chính Thủ đô là chủ trương đúng đắn, là một quyết định lịch sử có tầm nhìn xa, không chỉ để xây dựng và phát triển Thủ đô, mà còn là chiến lược phát triển đất nước ta. Để bảo đảm bộ máy chính quyền hoạt động liên tục, đúng ngày Nghị quyết số 15/2008/QH12 có hiệu lực (1-8-2008), HĐND TP Hà Nội đã tổ chức kỳ họp thứ 16. Đây là kỳ họp lịch sử, kỳ họp hợp nhất HĐND TP Hà Nội với HĐND tỉnh Hà Tây sau khi được điều chỉnh địa giới hành chính.

Tại kỳ họp này, HĐND thành phố đã thực hiện kiện toàn tổ chức, bộ máy hệ thống chính quyền, trong đó đã ban hành 6 nghị quyết về việc xác nhận danh sách đại biểu HĐND thành phố nhiệm kỳ 2004-2009 với 162 đại biểu; phê chuẩn số lượng phó chủ tịch HĐND thành phố, số lượng ủy viên thường trực HĐND thành phố; xác nhận kết quả bầu cử các chức danh tại kỳ họp hợp nhất của HĐND thành phố; xác nhận tên khóa HĐND thành phố nhiệm kỳ 2004-2009; phê chuẩn cơ cấu tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố và thông qua biên chế hành chính, sự nghiệp năm 2008 của thành phố. Bên cạnh đó, kỳ họp cũng đã quyết nghị về nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của thành phố 5 tháng cuối năm 2008.

Ngay sau đó, HĐND thành phố đã ban hành nhiều nghị quyết thường kỳ và chuyên đề theo đúng quy định của pháp luật để hợp nhất các cơ chế, chính sách thuộc tất cả các lĩnh vực và giám sát việc thực hiện để vừa bảo đảm sự ổn định, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Thành phố rà soát, phân loại các văn bản quy phạm pháp luật do các địa phương trước khi hợp nhất ban hành để thay thế bằng văn bản mới. Kết quả, đã rà soát được 1.482 văn bản (trong đó Hà Nội có 1.304, Hà Tây có 178). Đến năm 2009, thành phố đã ban hành 203 văn bản quy phạm pháp luật (trong đó có 170 quyết định và 33 chỉ thị, nghị quyết) trên các lĩnh vực để phục vụ công tác quản lý, điều hành của Thủ đô trong tình hình mới, địa bàn mới.

Nhằm tạo thuận lợi cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong giao dịch hành chính, dân sự, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện, UBND thành phố đã có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện, xã, phường, thị trấn tiến hành rà soát các thủ tục hành chính, sớm thống nhất về thủ tục hành chính trong các lĩnh vực, tập trung vào nội dung trọng tâm, quan trọng như giải phóng mặt bằng, đất đai, đầu tư, chính sách xã hội, cán bộ…

Đối với các nghị quyết quy định về chế độ, định mức chi tiêu tài chính được ban hành nhằm thực hiện đồng bộ trên toàn địa bàn thành phố sau khi hợp nhất, đa số đều tăng cao hơn so với quy định của tỉnh Hà Tây (cũ) và các địa phương liên quan.

Không ngừng nâng cao chất lượng bộ máy

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc thăm Trung tâm điều dưỡng người có công số II Hà Nội. Ảnh: Bá Hoạt


10 năm qua, cùng với hệ thống chính trị, bộ máy HĐND các cấp của TP Hà Nội đã không ngừng được củng cố, lớn mạnh. Hoạt động của HĐND thành phố là điển hình của tinh thần đoàn kết, dân chủ, trí tuệ và sức mạnh tập thể để góp phần tạo sự đồng thuận, đoàn kết trong cả hệ thống chính trị, trong các tầng lớp nhân dân, cùng nhau xây dựng và phát triển Thủ đô theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương, nguyện vọng của đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế.

Bước sang nhiệm kỳ 2011-2016, HĐND thành phố khóa XIV gồm 95 đại biểu. Nhìn chung, số lượng đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ này bảo đảm theo quy định. Cơ cấu đại biểu HĐND các cấp có chuyển biến tích cực, theo hướng tăng số đại biểu hoạt động chuyên trách so với đầu nhiệm kỳ và so với nhiệm kỳ trước. Đại biểu có trình độ văn hóa, lý luận chính trị, chuyên môn cao.

Đặc biệt, Đảng đoàn HĐND thành phố đã tham mưu với Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Đề án số 04-ĐA/TU, ngày 19-10-2012 về “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp TP Hà Nội giai đoạn 2011-2016”. Tại kỳ họp thứ bảy, HĐND thành phố khóa XIV, số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách được nâng lên.

Nhiệm kỳ 2016-2021 là nhiệm kỳ mà các cơ quan chính quyền của thành phố lần đầu tiên thực hiện theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015. Đảng đoàn HĐND thành phố đã thể hiện trách nhiệm của mình trong việc chủ động công tác nhân sự cho khóa XV bảo đảm đúng quy định pháp luật. Đảng đoàn đã đề xuất và được Ban Thường vụ Thành ủy nhất trí chủ trương tăng số lượng đại biểu chuyên trách từ 14% lên 20%.

Tính đến thời điểm hiện nay, kiện toàn sau bầu cử, tổng số đại biểu chuyên trách của HĐND thành phố gồm 17 đại biểu (chiếm 17,5%). Cấp huyện có 2/30 chủ tịch HĐND chuyên trách, 60/60 phó chủ tịch HĐND chuyên trách, 23/60 trưởng ban chuyên trách, 55/60 phó trưởng ban chuyên trách; cấp xã có 126/585 chủ tịch HĐND chuyên trách, 557/584 phó chủ tịch HĐND chuyên trách.

Việc tăng cường đại biểu chuyên trách, tạo điều kiện cho HĐND hoạt động chủ động hơn, có điều kiện nghiên cứu sâu các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, theo dõi bám sát tình hình kinh tế - xã hội, những vấn đề bức xúc, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, do đó, đã góp phần nâng cao chất lượng các hoạt động giám sát, thẩm tra, ban hành nghị quyết của HĐND.

"Đổi mới, dân chủ, trách nhiệm, hiệu quả, vì dân"

Trong 10 năm qua, HĐND các cấp thành phố đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, thể hiện được vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri và nhân dân Thủ đô. Hoạt động của HĐND các cấp ngày càng dân chủ, thực chất, chất lượng và hiệu quả, có nhiều đổi mới cả trong tư duy và thực tiễn hành động.

Những kết quả này thể hiện trên tất cả các lĩnh vực, nhưng rõ nét nhất là trong việc quyết định các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội, ngân sách, quy hoạch ngành, lĩnh vực của địa phương; giám sát chuyên đề, chất vấn, trả lời chất vấn..., góp phần thể chế hóa kịp thời, đúng đắn đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền các cấp, đẩy mạnh phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội của thành phố.

Một trong những “điểm sáng” của HĐND các cấp thành phố đã được các cấp ủy, chính quyền các cấp cũng như cử tri ghi nhận đó là trong hoạt động giám sát. Thường trực HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 32/2013/NQ-HĐND ngày 6-12-2013 về "Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND TP Hà Nội". Hoạt động giám sát được tăng cường và có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan từ thành phố đến cơ sở. Nội dung giám sát tiếp tục có nhiều đổi mới, được thực hiện bài bản, thiết thực, hiệu quả.

Hoạt động kỳ họp đã có nhiều cải tiến, đổi mới theo hướng đi vào thực chất, phát huy dân chủ, trí tuệ của đại biểu để quyết định những vấn đề quan trọng của thành phố và các địa phương. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn có nhiều đổi mới, sôi nổi, tâm huyết, đã để lại dấu ấn tốt đẹp trong cử tri và nhân dân Thủ đô.

Các nghị quyết mà HĐND các cấp của TP Hà Nội thông qua trong 10 năm đã tạo cơ sở pháp lý để UBND các cấp xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai, điều hành thực hiện đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô Hà Nội một cách toàn diện. Kinh tế tăng trưởng cao, năm sau cao hơn năm trước; thu ngân sách và kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh. Hầu hết các chỉ tiêu kinh tế, văn hóa, xã hội đều đạt và vượt so với kế hoạch đã đề ra, góp phần quan trọng vào phục hồi đà tăng trưởng kinh tế chung của cả nước; vị thế, uy tín của Thủ đô tiếp tục được nâng cao…

Hoạt động của HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 được tập trung đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả theo đúng quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các quy định có liên quan. Trong đó, công tác phối hợp chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết của HĐND ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn. Hoạt động kỳ họp tiếp tục có nhiều cải tiến theo hướng đi vào thực chất, phát huy dân chủ, trí tuệ của đại biểu để quyết định những vấn đề quan trọng của Thủ đô.

Điểm mới trong tổ chức kỳ họp của nhiệm kỳ này là Thường trực HĐND các cấp chủ động từ rất sớm và phối hợp chặt chẽ với UBND, Ủy ban MTTQ cùng cấp trong công tác chuẩn bị kỳ họp. Nội dung các kỳ họp được đề xuất, lựa chọn trên cơ sở bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy, nhiệm vụ trọng tâm của thành phố, của mỗi địa phương và những vấn đề đang được nhiều cử tri và nhân dân Thủ đô quan tâm.

Các dự thảo nghị quyết là văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện theo đúng nguyên tắc, thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục và theo quy định của luật, đồng thời thực hiện lấy ý kiến rộng rãi của người dân thông qua Cổng thông tin điện tử của thành phố và phản biện của MTTQ.

Thường trực HĐND các cấp phát huy vai trò điều hòa, phối hợp, phân công các ban trong hoạt động thẩm tra, do vậy, báo cáo thẩm tra của các ban bảo đảm chất lượng, khách quan, rõ tính phản biện, rõ quan điểm, đặc biệt là những vấn đề còn có những ý kiến khác nhau, tạo thuận lợi cho đại biểu trong quá trình xem xét, quyết nghị tại kỳ họp. Công tác điều hành kỳ họp của chủ tọa tiếp tục được đổi mới, dân chủ, đúng luật, khơi dậy và phát huy trí tuệ của các đại biểu HĐND.

Nội dung các Nghị quyết đã nêu rõ được mục tiêu, giải pháp phù hợp, lộ trình thực hiện cụ thể, nâng cao hiệu quả của bộ máy chính quyền các cấp trong giải quyết khó khăn, vướng mắc, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương. Vì vậy, các nghị quyết đều được thông qua với tỷ lệ đồng thuận rất cao; khi được ban hành có tính thực tiễn, tính khả thi, đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả và được nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Hoạt động chất vấn tại kỳ họp và phiên giải trình của Thường trực HĐND trong nhiệm kỳ này có nhiều điểm mới, được đại biểu HĐND, cử tri ghi nhận. Trong đó, Thường trực HĐND thành phố chỉ đạo các ban phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội đi khảo sát và thực hiện phóng sự về các nội dung dự kiến chất vấn; tại phiên chất vấn chiếu phim phóng sự thay vì đọc báo cáo để có nhiều thời gian hơn cho đại biểu chất vấn; việc sử dụng hình ảnh trực quan hơn, rõ địa chỉ, rõ trách nhiệm.

Các phiên chất vấn, giải trình có sự tham gia của nhiều đại biểu ở các lĩnh vực công tác, tạo nên không khí mới, sôi nổi, sát thực tiễn và rất hiệu quả; số đại biểu không chuyên trách nêu câu hỏi chất vấn, tranh luận chiếm tỷ lệ cao. Những thông tin được đưa ra rất thẳng thắn, không né tránh; trên cơ sở đó, lãnh đạo thành phố đã tiếp thu, khẳng định giải pháp khắc phục; qua đó đã có kết quả bước đầu, cho thấy rõ tính hiệu quả và một cách làm đúng hướng.

Về giám sát giữa hai kỳ họp của HĐND các cấp, với phương châm “giám sát đến cùng”, đeo bám đến cùng vấn đề mà mình giám sát, kế hoạch giám sát rõ lộ trình, không trùng lặp, chồng chéo về nội dung, đối tượng, địa điểm, thời gian giám sát; không ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan đơn vị là đối tượng giám sát.

Các báo cáo giám sát, khảo sát, đều được gửi cấp ủy Đảng, thông báo đến UBND và các cơ quan liên quan; công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết và tham gia giám sát... Việc theo dõi, tổng hợp kết quả thực hiện kết luận sau giám sát, khảo sát được chú trọng. Ở cấp thành phố, 59% kiến nghị của HĐND đã được UBND thành phố triển khai có kết quả và hiện hơn 40% kiến nghị đang được triển khai ở các cấp.

Trong công tác tiếp công dân, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thường trực HĐND thành phố đã ban hành Quy chế Tiếp công dân của Thường trực HĐND và đại biểu HĐND thành phố; sau đó lan tỏa đến các quận, huyện, thị xã và được triển khai trên toàn thành phố. Các đại biểu HĐND đã triển khai tiếp công dân tại đơn vị bầu cử, Thường trực HĐND các cấp tổ chức tiếp công dân định kỳ hằng tháng, góp phần tạo điều kiện để các đại biểu gần gũi hơn với cử tri, nắm bắt vụ việc cụ thể tại nơi mình ứng cử.

Qua đó, công tác tiếp công dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân được đổi mới theo hướng gần dân, sát dân và đôn đốc giải quyết dứt điểm các vụ việc để tồn đọng, kéo dài; góp phần làm giảm khiếu kiện, khiếu nại đông người, ổn định an ninh chính trị trên địa bàn thành phố…

Có thể thấy, qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12, HĐND thành phố đã phát huy truyền thống đoàn kết, thể hiện rõ trách nhiệm của mình trong việc ban hành các cơ chế, chính sách mới phù hợp với quy định của luật, với tình hình thực tiễn, từng bước đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của cử tri Thủ đô và yêu cầu phát triển chung của thành phố. HĐND thành phố đã ban hành gần 200 nghị quyết, trong đó 107 nghị quyết về lĩnh vực kinh tế - ngân sách; 40 nghị quyết thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội; 22 nghị quyết liên quan đến lĩnh vực quy hoạch, quản lý đô thị. Đây là tiền đề quan trọng giúp cho kinh tế Thủ đô vượt qua khó khăn, tiếp tục tăng trưởng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng và tích cực; Hà Nội đi đầu về xây dựng nông thôn mới; đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân ngày một nâng cao...

Những thành tựu đã đạt được sẽ là động lực để HĐND các cấp TP Hà Nội tiếp tục nỗ lực vươn lên hoạt động hiệu quả hơn, xứng đáng là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khẳng định vai trò cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.