Theo dõi Báo Hànộimới trên

Động lực cho Thủ đô phát triển bền vững

Vũ Thủy| 31/07/2018 06:31

(HNM) - Sau khi Luật Thủ đô chính thức có hiệu lực (ngày 1-7-2013), TP Hà Nội đã tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến và ban hành các văn bản thi hành, nhanh chóng đưa luật vào cuộc sống...

Hà Nội trên đường phát triển. Ảnh: Vũ Long


Còn nhiều vướng mắc

Sau khi Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành, nhiều quyết định, cơ chế chính sách đặc thù được Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và Hà Nội ban hành từng bước được triển khai thực hiện, giúp phát huy tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô. Qua đó, Hà Nội đã tạo sự chuyển động tích cực trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong vận tải hành khách; trong công tác giáo dục - đào tạo. Đặc biệt, Hà Nội cũng có điều kiện để thực hiện tốt hơn chính sách ưu đãi, thu hút nhân tài như: Nâng lương trước thời hạn đối với công chức, viên chức tiêu biểu; xét tuyển đặc cách thủ khoa xuất sắc vào làm việc tại các sở, ban, ngành...

Tuy vậy, theo quy định của Luật Thủ đô có 20 nội dung được giao các cấp có thẩm quyền quy định chi tiết, nhưng đến nay vẫn còn 4 nội dung chưa được ban hành. Đó là việc ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch, kiến trúc đối với khu vực cải tạo, tái thiết đô thị tại các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng; phê duyệt quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng nghề trên địa bàn Thủ đô; quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; ban hành cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong vùng Thủ đô.

Nguyên nhân chậm là do Luật Thủ đô quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù khác với luật chuyên ngành, nên văn bản quy định chi tiết cùng lúc phải đáp ứng hai yêu cầu (phù hợp với Luật Thủ đô và thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành), các cơ quan có thẩm quyền ban hành cần cân nhắc quy định sao cho phù hợp. Ngoài ra, nội dung một số văn bản có tính chất phức tạp, liên quan đến tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tính khả thi trên thực tiễn, nên quá trình soạn thảo kéo dài, phải xin ý kiến nhiều lần, thống nhất qua nhiều cơ quan có liên quan dẫn đến chậm trễ.

Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, ngoài việc chậm ban hành các quy định chi tiết, việc triển khai thực hiện các quy định cũng còn hạn chế, bất cập. Việc di dời các cơ quan, đơn vị, cơ sở y tế, giáo dục, công nghiệp ra ngoài khu vực nội thành theo Quyết định 130/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng chậm (mới có 9 cơ quan thực hiện di dời, nhưng chỉ có 2 cơ sở chấp thuận đầu tư xây dựng trụ sở nơi mới, số còn lại đều giữ lại làm trụ sở hoặc bàn giao cho cơ quan trung ương quản lý, không phù hợp với quy định của luật).

Cùng với đó, việc cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư, nhà cũ xuống cấp trên địa bàn thành phố còn chậm, hầu như không thực hiện được do bất cập với các quy định của Luật Nhà ở năm 2014, Nghị định số 101/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.

Để Thủ đô phát triển đồng bộ, bền vững

Khu đô thị mới Dương Nội (quận Hà Đông) hôm nay. Ảnh: Bá Hoạt


Để Luật Thủ đô thực sự thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của TP Hà Nội, mới đây, Thường trực HĐND thành phố đã kiến nghị một số giải pháp. Trong đó, thành phố kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét điều chỉnh, bổ sung một số quy định đặc thù trong luật, để Hà Nội thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị theo Kết luận số 22-KL/TƯ ngày 7-11-2017 của Bộ Chính trị. Đồng thời, cho phép mở rộng phạm vi lĩnh vực quản lý xã hội mà HĐND thành phố được quy định mức xử phạt cao hơn mức phạt tối đa do Chính phủ quy định đối với một số lĩnh vực cần thiết, cấp bách, phù hợp với đặc thù Thủ đô như: An toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng cháy và chữa cháy. Thường trực HĐND thành phố cũng kiến nghị, khi xây dựng các luật mới hay sửa đổi một số luật, Quốc hội cần lưu ý tới đặc thù của Hà Nội đã được quy định trong Luật Thủ đô, để tránh làm vô hiệu hóa những đặc thù trên; đồng thời tiếp tục quan tâm các cơ chế về vốn để TP Hà Nội thực hiện các dự án trọng điểm, quan trọng trên địa bàn theo quy định của Luật Thủ đô.

Đối với việc chậm trễ di dời các cơ sở theo Quyết định 130/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Thường trực HĐND TP Hà Nội đề nghị Chính phủ quan tâm, chỉ đạo các bộ, ngành tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ về xây dựng quy hoạch, di dời các cơ quan, đơn vị, bệnh viện, cơ sở giáo dục trong khu vực nội thành và bàn giao đất để thành phố quản lý theo thẩm quyền. Chính phủ cũng chỉ đạo giải quyết một số kiến nghị cho chính quyền TP Hà Nội trong việc thực hiện các quy định liên quan đến thu, chi ngân sách, chính sách đầu tư theo Nghị định số 63/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách tài chính ngân sách đặc thù với Thủ đô Hà Nội nhằm tạo điều kiện cho thành phố được hưởng cơ chế đặc thù theo tinh thần quy định của Luật Thủ đô.

TP Hà Nội cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp với thành phố sớm ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch, kiến trúc đối với khu vực cải tạo, tái thiết đô thị tại các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng... nhằm giải quyết những bất cập đang đặt ra, cho Thủ đô phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Động lực cho Thủ đô phát triển bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.